Hàn Quốc: Tờ giấy trước lưng ghế của khách đi máy bay
Một lần ngồi trên máy bay hãng Asiana đến Hàn Quốc, tôi đã xôn xao xúc động vì một cử chỉ nhỏ. Tôi có thói quen ngủ trên máy bay. Thứ nhất là vì muốn tĩnh lắng một tí, thứ hai là vì tôi luôn muốn hoặc buộc phải nỗ lực làm việc bằng năm bằng mười ngày thường trước mỗi chuyến đi dài. Thứ nữa là vì tôi đã nhiều năm ngồi thiền, rỗi lúc nào tôi thiền lúc đó. Tôi thường thiếp đi hoặc “tham thiền” mà nhờ người ngồi bên cạnh nói với tiếp viên trên may bay là: tôi không cần gì cả, không ăn, không uống. Thường thì ở Việt Nam, tôi luôn bị gọi dậy bằng những cái vỗ vai, những lời gọi da diết, quyết liệt, đôi khi giống như ra lệnh, họ bảo tôi là ăn gì, uống gì, bất chấp tôi đang ngủ.
Trên chuyến bay với hãng Asiana đi Hàn Quốc đó, tôi thiếp đi rồi tỉnh dậy, thấy ở lưng ghế trước mặt mình có một tờ giấy trắng, có biểu tượng đỏ, chữ ký đen, trên đó có dòng chữ viết tay và chữ in theo mẫu, đại ý: “Phần phục vụ dành cho người đang có một giác ngủ ngon. Bạn đang có một giấc ngủ ngắn, chúc bạn ngủ ngon. Nếu bạn cần ăn hoặc uống, khi thức dậy, bạn làm ơn bấm cái nút bên cạnh để gọi tiếp viên đến phục vụ. Cảm ơn bạn. Chữ ký của tiếp viên…”. Chi tiết nhỏ mà đầy nhân văn đó đã khiến tôi vô cùng xúc động. Họ hiểu tầm quan trọng của một giấc ngủ ngắn, dù 3 phút thôi cũng giúp lấy lại năng lượng, sự minh mẫn và sức khỏe cho người ta vô cùng nhiều. Đó là câu chuyện về văn hóa ứng xử, văn hóa kinh doanh, và cả văn hóa biết đòi hỏi, biết lựa chọn tinh tế và biết từ chối quyết liệt của chính người sử dụng dịch vụ.
Ấn Độ, Nam Phi, Trung Quốc, Campuchia - những “tiểu tiết” nao lòng
Một lần đi Ấn Độ, miền Bắc Ấn rộng mênh mông, chúng tôi liên tục phải di chuyển bằng tàu hỏa. Những toa tàu tạm bợ lắm, mùng màn lùng nhùng, mùi cà ri nồng nặc. Nhưng anh bạn doanh nhân người Ấn bảo: anh ta vui vì gần đây, chỗ đi vệ sinh trên tàu có vòi nước, một cái chậu và miếng xà phòng nhỏ.
Campuchia với kỳ quan Angkor Wat, Angkor Thom khiến nhiều thế kỷ qua nhân loại phải nghiêng mình kính phục. Khác với Việt Nam, những người ăn xin ở đây vô cùng lịch sự. Họ xếp hàng, ngồi sau một tấm biển “chúng tôi là nạn nhân bom mìn, đói nghèo, xin hãy rủ lòng thương”. Những người chụp ảnh dạo đi bên cạnh ta, mỉm cười khe khẽ, lén chụp một tấm ảnh, rồi đưa cho ta xem chân dung ta rất đẹp, được in trên bìa cứng hoặc một cái đĩa sứ kỷ niệm xinh xắn, giá rẻ bất ngờ. Nếu bạn không thích thì không trả tiền và không lấy bức chân dung ấy nữa. Họ vẫn vui vẻ. Khi xếp hàng mua vé, chân dung bạn được in trong chiếc vé đó. Vé có biểu tượng ngôi đền… toàn cây dại. Những rễ cây cuồn cuộn ở đền thiêng, là biểu tượng của toàn bộ hệ thống di tích nơi này.
Ở TP. Agra, miền Bắc Ấn Độ, tại đền Taj Mahal - “Bài thơ tình bằng đá trác tuyệt nhất của mọi thời đại”, các hướng dẫn viên địa phương “lấy lòng” du khách bằng những chi tiết rất tinh tế. Người đàn ông da đen bắt từng du khách đứng hai bước chân vào đúng vị trí hai bước chân ông vừa đứng. Gương mặt ông kỳ bí như phù thủy đang giữ kho báu đi vào ngôi mộ cổ: “Hãy nhìn đi, ở góc này, đá cẩm thạch trên tường lóng lánh như vàng ròng. Còn góc này, nóc của cung điện tỏa sáng như pha lê. Chỗ này, ông mặt trời rơi đúng vào hồ nước, và đền thiên trở thành ngọn đuốc…”.
Ở Trung Quốc, khi thăm pho tượng phật ngồi lớn nhất thế giới (Lạc Sơn Đại Phật) ở tỉnh Tứ Xuyên, khách được đưa ra giữa sông, tàu dừng lại ở một điểm, rồi tiếng loa dồn vang: bạn hãy chụp bức ảnh kỳ ảo nhất. Ở đó, các ngọn núi xếp với nhau thành một ông phật nằm có đủ mắt, mũi, ngực, chân tay. Nơi trái tim phật là một ngôi đền thiêng với ngọn tháp cao vời vợi. Bức tượng phật ngồi cao 71m đã được đẽo nguyên bản từ một ngọn núi lớn án ngữ giữa vùng ngã ba sông, thế nên “phật cũng là núi, núi cũng là phật”. Chụp xong bức ảnh, ai cũng thấy sự thiêng liêng nào đó của thiên nhiên màu nhiệm, du khách ồ lên, họ làm du lịch giỏi quá, tinh tế quá!
Còn ở Nam Phi, người ta để lại trong rừng cả những khu vực tràn ngập phân tê giác, các cái cọc nhẵn bóng như sừng, như đá kia là nơi tê giác cọ lưng mỗi khi ăn no. Những bộ sừng sơn dương, những bộ ngà voi khổng lồ vẫn nằm nguyên trong rừng rộng 2 triệu ha của Kruger giáp biên giới Mozambique. Bạn có thể cầm lên chụp ảnh: ở đó, cây vảy ốc, cây tre nứa rồi các loại địa y đất đá bám kín xương sọ và sừng con vật quá cố. Một cảnh hoang dã đến tận cùng. Khi chiếc trực thăng dừng lại giữa rừng, chúng tôi chuyển sang xe địa hình để khám phá vương quốc sư tử. Hàng trăm con sư tử ở trạng thái hoàn toàn hoang dã. Chúng hung dữ đến mức người da đen “hướng đạo” thiện chiến nhất vốn vẫn ngồi trên đầu xe nay phải rút lui vào ngồi lẫn với du khách trên thùng xe có lưới sắt bao quanh. Và họ nói về đặc tính từng con sư tử, hà mã đang ủng oẳng lội và phun nước ngoài hồ: “Con sư tử này đẻ nhiều lắm, lúc trở dạ là nó cắp con đi biệt vào trong hang núi, nuôi giấu kỹ càng, chắc sợ bị con gì tấn công. Riêng con sư tử cái này, chúng tôi theo dõi đã chục năm, nó mắn đẻ nhưng con nó sinh ra hay bị chết, nó buồn bỏ đi mấy năm. Gần đây nó bỗng dưng trở thái độ vui vẻ kỳ lạ. Chắc nó có tình yêu mới? Con hà mã này bị mồ côi cha mẹ từ bé, nó bị thương ở mặt, hay cô đơn nằm ở một góc hồ. Nó khó tính, hay cáu bẳn. Cứ đi lang thang trong rừng rất tội nghiệp”. Càng nghe, tôi càng có cảm giác lũ hoang thú dữ dằn kia như là con cái trong nhà với những người bảo vệ rừng. Trong khách sạn, họ treo biển cẩn thận không khỉ vào ăn trộm đồ của du khách, hãy bước chân khe khẽ vì hươu nai đang nằm ngủ bên ngoài hành lang. Ở đó, rừng rậm bao phủ, dây leo như mãng xà bâu kín không gian. Bữa tiệc núi được dọn ra. Cả con cừu quay trong than hồng. Ngoài kia, lũ voi dắt nhau đi ngay bìa rừng. Chúng giơ cặp ngà nhọn như song kiếm, đứng như thủ thế, nhìn đoàn người hì hụi ăn uống trong tiếng củi lửa nổ lép bép. Trăng sáng vành vạnh. Thiên nhiên và hoang thú như nâng bổng con người ta lên. Người Nam Phi làm du lịch thật cao tay, chả trách, giá mở cửa vườn ngắm thú những ngót 1000USD/người/ngày đêm.
“Dặm trường gió bụi”, biết bao nhiêu chuyện để nói. Để buồn. Đi xa là để nhớ về nhà mình.
Đỗ Doãn Hoàng
(Nguồn: Tạp ch�� Du lịch)