Đến với “Đèn thu lung linh”, các em nhỏ và du khách sẽ được tham quan không gian trưng bày các loại đèn Trung thu cổ truyền dưới hình thức là các gian hàng trên phố cổ xưa. Dựa trên các nguồn tư liệu quý của các nhà nghiên cứu nước ngoài như Henri Oger, Albert Kant; bảo tàng Quai Branly (Pháp)... Trung tâm đã phối hợp với nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cùng nghệ nhân các làng nghề chuyên làm đèn Trung thu xưa ở phố cổ (Hà Nội), Thanh Oai (Hà Nội), Báo Đáp (Nam Định), Đông Hồ (Bắc Ninh),... phục dựng các mẫu đèn cổ đã bị thất truyền từ những nguyên liệu truyền thống giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán... Nổi bật nhất là đèn cá chép hóa long, đèn cá chép trông trăng, đèn cua sống, đèn cua chín, đèn thỏ, đèn bướm, đèn tôm, đèn trống... Bên cạnh đó vẫn là các gian hàng bày đồ chơi trung thu truyền thống như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng, mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, trống ếch, trống bỏi, tàu thủy sắt tây, thỏ đánh trống, tò he, thiên nga nhồi bông...
Bên cạnh đó, các em nhỏ và du khách được tham gia các hoạt động trải nghiệm như: làm đèn Trung thu (đèn ông sao, đèn thỏ, đèn cù), làm bánh Trung thu, tô vẽ mặt nạ giấy bồi, diều giấy và biểu diễn nghệ thuật múa sư tử đặc sắc... check in không giới hạn trước những con đường đèn lung linh sắc màu trong một không gian kiến trúc kinh thành vô cùng trầm mặc cổ kính chỉ có ở Hoàng thành Thăng Long.
Đặc biệt, nhân dịp Tết Trung thu năm 2023 cũng như chào mừng Festival mùa Thu diễn ra tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Chương trình tour đêm đặc biệt “Đèn thu lung linh” của Hoàng Thành Thăng Long sẽ diễn ra trong 03 tối từ 19h00 đến 21h00 các ngày 27-28-29/9/2023 với các hoạt động đặc sắc: tham quan không gian trưng bày các loại đèn Trung thu cổ truyền dưới hình thức là các gian hàng trên phố cổ xưa; thưởng thức nghệ thuật múa sư tử chào mừng; thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc; cùng hướng dẫn viên khám phá nhà trưng bày 1000 năm và báu vật Hoàng cung với hàng trăm hiện vật đặc sắc xuyên suốt từ thời Đại La, Đinh - Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Trung Hưng; trải nghiệm làm sản phẩm tương tác: tự tay làm bánh dẻo, đèn ông sao, vẽ mặt nạ giấy bồi, tô tượng, tô mâm ngũ quả Trung thu bằng gỗ, làm diều giấy, làm quạt... tham gia đoàn rước đèn cùng chú Cuội và phá cỗ Trung thu.
Tuấn Sơn