Với sự đóng góp ý kiến của các nhà báo nữ đến từ các cơ quan báo chí của Trung ương, TP. Hà Nội và một số CLB nhà báo nữ địa phương như Thái Nguyên, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc…, nhiều vấn đề nóng hiện nay như tại sao càng ngày càng có nhiều phụ nữ chọn nghề nhà báo, những khó khăn mà nhà báo nữ gặp phải trong quá trình tác nghiệp, vai trò của nhà báo nữ trong bối cảnh báo chí hiện đại, đạo đức báo chí cũng như sự dấn thân của các nhà báo nữ trong các hoạt động xã hội… đã được bàn luận tại hội thảo.
Theo TS. Phạm Mỵ - Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, bối cảnh báo chí Việt Nam đang biến đổi theo xu hướng hiện đại và hội nhập, công nghệ mới ra đời thay đổi hoàn toàn phương thức tác nghiệp và khả năng tương tác với độc giả. Nghề báo nói chung và nhà báo nữ nói riêng chịu nhiều thách thức chưa từng có về tài chính, liêm chính. Thực tế trong quá trình tác nghiệp, nhà báo nữ cũng là đối tượng thường xuyên bị nhục mạ, đe doạ, hành hung, nhất là khi tham gia điều tra chống tiêu cực.
Với chủ đề "Nhà báo nữ duy trì trách nhiệm xã hội trong bối cảnh mới", các ý kiến tại hội thảo của các nhà báo nữ cũng như những đồng nghiệp nam giới tham gia tọa đàm đã chia sẻ những khó khăn, áp lực từ gia đình và xã hội, thiệt thòi của nữ giới so với những đồng nghiệp nam giới cũng như trăn trở, nỗ lực để làm tốt công việc.
Nhiều đại biểu đã nhấn mạnh đến những thế mạnh riêng của phái nữ khi làm báo, đặc biệt là sự nhạy cảm, tinh tế, giàu lòng trắc ẩn đã tạo ra rất nhiều bài viết chân thực, lay động lòng người, cũng như khơi dậy được tình yêu thương đồng bào, quê hương đất nước sau mỗi chuyến thiện nguyện trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Hiện nay, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam có tới hơn 7.000 thành viên, với các chi hội hoạt động ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngày 20/5 vừa qua, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam tổ chức Đại hội thành lập Chi hội Nữ trí thức, tập hợp đông đảo các thành viên để đóng góp tiếng nói cho việc bảo vệ và khuyến khích sự phát triển của các nữ nhà báo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
PV