TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường kích cầu du lịch nội địa và sẵn sàng cho giai đoạn mở cửa
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo về tình hình hoạt động du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh trong 5 tháng đầu năm 2020, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của những tháng cuối năm 2020 và một số đề xuất kiến nghị liên quan đến phát triển ngành Du lịch cho giai đoạn hậu Covid-19.
Theo đó, trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 1.303.750 lượt (giảm 63,17% so với cùng kỳ năm 2019), doanh thu ước tính 27.048 tỷ đồng (giảm 52,1% so với cùng kỳ năm 2019). Đặc biệt, trong tháng 5/2020 không có lượt khách quốc tế nào. Từ đầu năm cho đến tháng 4/2020 có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ tạm ngưng hoạt động, các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước hoạt động cầm chừng và trong tháng 4/2020 thì hầu như trong tình trạng “đóng băng” do thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Sang tháng 5/2020, các doanh nghiệp du lịch nội địa đã khởi động trở lại, công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú du lịch từ 3 - 5 sao trên địa bàn thành phố đạt 40 - 45%. Có 37 doanh nghiệp lữ hành (trong đó có 7 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 30 doanh nghiệp lữ hành nội địa) xin ngừng hoạt động. Trong thực tiễn, tình hình du lịch quốc tế từ tháng 3/2020 đến nay đóng băng và chưa có kế hoạch mở lại đã làm ảnh hưởng nặng nề đến du lịch của thành phố Hồ Chí Minh vì phần đông thị trường khách của thành phố Hồ Chí Minh là khách quốc tế.
Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết: Hiện tại, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa và tập trung triển khai các loại hình sản phẩm tiềm năng và trọng tâm như: du lịch lịch sử, sinh thái - nông nghiệp, du lịch đường thủy, du lịch gắn với các chương trình nghệ thuật, du lịch y tế… Nhiều chương trình du lịch mới được thiết kế để phù hợp với nhu cầu của nhóm khách, ví dụ như dịch vụ hướng dẫn viên chuyên nghiệp kiêm tài xế. Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai hiệu quả các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng với 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam Bộ; đồng thời, triển khai liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh với vùng Trung Bộ, vùng Tây Bắc và Đông Bắc mở rộng… Trong những tháng cuối năm 2020, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào các phương hướng nhiệm vụ trọng tâm như: hoàn thành và công bố “Chiến lược phát triển Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030” và chuẩn bị lộ trình các bước triển khai trong đó những kế hoạch trọng tâm trong năm 2021 nhằm phục hồi ngành Du lịch của thành phố sau dịch Covid-19; thành lập Hội đồng phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy du lịch phát triển; chuẩn bị cho chiến lược quảng bá và xúc tiến du lịch thành phố với kế hoạch truyền thông và xúc tiến sâu, rộng, với các phương thức mới đến các thị trường trọng điểm quốc tế và trong nước; hoàn thành Đề án du lịch thông minh tại thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục thực hiện trong ngành Du lịch thành phố các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn cho khách du lịch; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý du lịch; dữ liệu hóa, số liệu hóa các hoạt động, nội dung về du lịch thành phố.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao những giải pháp, đề xuất và kiến nghị của Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời khẳng định, Tổng cục Du lịch sẽ sớm tìm giải pháp tháo gỡ những nội dung thuộc quyền hạn, những nội dung còn lại sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có hướng xử lý, giải quyết. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang xây dựng kế hoạch và các phương án mở cửa thị trường khách du lịch quốc tế với các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an, trên cơ sở đó sẽ có đề xuất cụ thể về cách thức mở cửa du lịch.
“Mở cửa lại thị trường quốc tế chính là vấn đề đang được quan tâm hiện nay. Quan điểm của Chính phủ thời điểm này là vừa kích cầu du lịch nội địa vừa nghiên cứu thận trọng thời điểm mở cửa du lịch quốc tế và chỉ thực hiện khi dịch được kiểm soát. Dù thời điểm mở cửa vẫn chưa cụ thể nhưng Chính phủ vẫn khuyến khích doanh nghiệp ngay từ bây giờ làm việc với các đối tác nước ngoài, có sự chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để khi Việt Nam mở cửa có thể đón khách vào ngay mà không chờ độ trễ” – Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm.
Được biết, theo kịch bản hồi phục của Du lịch Việt Nam, dự kiến du lịch sẽ trải qua 4 giai đoạn: giai đoạn đầu tiên là tập trung vào kích cầu du lịch nội địa; giai đoạn 2 sẽ thí điểm tổ chức đón khách quốc tế từ một số quốc gia có kiểm soát dịch tốt, hiệu quả và hai bên có những bản ký kết công nhận kết quả việc kiểm soát dịch; giai đoạn ba là mở cửa theo khu vực; và cuối cùng là bình thường trở lại, mở cửa hoàn toàn.
Việc mở thị trường du lịch cần phải có ý kiến của Bộ Y tế các nước, sự kết nối hàng không, hoạt động ngoại giao song phương. Hiện đã có một số quốc gia sẵn sàng thiết lập lại đường bay quốc tế lẫn mở cửa du lịch, chủ động làm việc với cơ quan du lịch Việt Nam. Cụ thể như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines cũng đề xuất làm việc với Tổng cục Du lịch về mở cửa du lịch. Theo dự tính, nếu Việt Nam có thể mở cửa từ quý 3 thì cả năm 2020 Du lịch Việt Nam có thể đón được từ 6 - 8 triệu lượt khách, còn nếu mở cửa vào đầu quý 4 thì chỉ đón khoảng 4 - 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020. Hiện tại, chương trình kích cầu du lịch nội địa đã được hưởng ứng mạnh mẽ của các hãng hàng không, các điểm du lịch nên đã đạt được những hiệu quả nhất định và về cơ bản đã bắt đầu hồi phục. Ước tính đến thời điểm cuối năm, lượng khách du lịch nội địa có thể có khả năng đạt mức 60 - 65 triệu lượt khách (đạt 2/3 so với chỉ tiêu kế hoạch ban đầu đề ra khi chưa xảy ra dịch bệnh).
Tin và ảnh: Thu Hương