TP. Hồ Chí Minh kết nối về phía Tây thúc đẩy khôi phục hoạt động du lịch
Mở rộng phạm vi
Vừa qua, TP. HCM đã trực tiếp làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp nhằm thúc đẩy khôi phục các hoạt động du lịch qua việc xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối giữa các địa phương trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Như vậy, sau khi làm việc với Long An và Bến Tre, TP. HCM đã tiếp tục mở rộng phạm vi liên kết đến Đồng Tháp và sắp tới là một số địa phương khác thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Việc phối hợp liên kết giữa TP. HCM với các địa phương miền Tây Nam Bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nội địa trong giai đoạn 2 của thành phố (kể từ 1/11 đến 31/12/2021). Qua nhiều đợt làm việc đến nay, việc kết nối và mở rộng phạm vi phục vụ khách du lịch của TP. HCM đã gần như phủ khắp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Từ đó, gần như các hoạt động du lịch đã được kết nối trở lại nhưng theo hình thức khép kín “bong bóng du lịch”, với nguyên tắc: “Mở cửa phải an toàn, an toàn mới mở cửa”.
Đặc biệt, vùng miền Tây Nam Bộ xưa nay đã được biết đến với nhiều loại hình du lịch, gắn với đời sống, sản xuất nông nghiệp của cư dân tại khu vực này, nhất là các loại hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm vườn cây trái, sông nước, làng nghề… Chính vì thế, việc kết nối khôi phục du lịch giữa TP. HCM và các địa phương ở khu vực này sẽ giúp khôi phục hoạt động sản xuất và đời sống kinh tế của cư dân địa phương. Trong thực tế hiện nay, ngoài yếu tố khó khăn trong đời sống sản xuất nông nghiệp trong suốt thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, còn gặp không ít khó khăn thách thức do tác động xấu của việc biến đổi khí hậu như: nước biển dâng và nạn xâm nhập mặn, hạn hán, sạt lở đất…
Ngoài ra, thời điểm này, các địa phương ở khu vực ĐBSCL luôn có nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn và đa dạng có sức thu hút đối với khách du lịch. Có thể thấy rõ đó là sản phẩm du lịch gắn với mùa nước nổi, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm… tại các vùng như: Sa Đéc, Hồng Ngự (Đồng Tháp), Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành (Bến Tre), Mộc Hoá, Tân An (Long An)… Nếu biết triển khai liên kết tốt hơn, các địa phương khác cũng mạnh dạn và quyết tâm mở cửa trên cơ sở phòng, chống dịch an toàn như kết nối đến các vùng: Cần Thơ, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… thì du lịch sẽ có nhiều sản phẩm và dịch vụ phong phú hơn phục vụ cho nhu cầu đang tăng cao của rất nhiều du khách, nhất là trong mùa nước nổi và dịp cuối năm.
Quyết tâm “mở” cho du lịch nội địa phục hồi
Tuy nhiên, thách thức trong việc kết nối du lịch đến khu vực miền Tây đang phải đối mặt đó là số lượng ca nhiễm COVID vẫn đang có dấu hiệu gia tăng. Chính vì thế, đây cũng là thách thức đặt ra trong bối cảnh tổ chức hoạt động du lịch lữ hành diễn ra trên địa bàn các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã mạnh dạn và quyết tâm mở cửa du lịch nội địa khi cùng liên kết với TP. HCM. Thực tế, mỗi chương trình, sự kiện kết nối du lịch với các địa phương, luôn có lãnh đạo của UBND Thành phố tham gia trực tiếp. Điều này cho thấy, ở đâu có người đứng đầu địa phương, lãnh đạo các cấp, các ngành cùng vào cuộc, quyết tâm thì ở đó du lịch sớm được phục hồi. Bởi thực tế hiện nay, nhiều địa phương, đặc biệt là người đứng đầu vẫn đang sợ trách nhiệm nên còn e dè, thắt chặt trong công tác quản lý nhà nước, vì lo ngại dịch bệnh sẽ bùng phát. Lo ngại này cũng hoàn toàn có cơ sở, bởi ngoài TP. HCM và một số địa phương lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An… có tỷ lệ phủ vắc-xin phòng, chống COVID-19 cao thì nhiều địa phương hiện tỷ lệ tiêm chủng của cư dân vẫn còn ít.
Tuy nhiên, việc mở cửa du lịch theo dạng tour khép kín “bong bóng du lịch” như TP. HCM đang tổ chức thực hiện với các địa phương khác như: Tây Ninh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp…, nơi có tỷ lệ dân tiêm vắc-xin vẫn chưa cao, chưa bao phủ hết nhưng vẫn an toàn.
Qua đó cho thấy, nếu lãnh đạo địa phương có quyết tâm liên kết, kết nối với TP. HCM để mở cửa du lịch nội địa với nguyên tắc: “Mở cửa phải an toàn, an toàn mới mở cửa” thì vẫn thu được hiệu quả tốt. Nếu có cách làm đúng và khoa học, tổ chức hợp lý thì hoạt động du lịch vẫn có thể diễn ra bình thường trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Đây là điều các địa phương có nhiều tiềm năng du lịch tại các khu vực như miền Trung Tây Nguyên, các tỉnh ĐBSCL cần phải quyết liệt, tính toán các kịch bản để sớm đưa du lịch phục hồi trở lại.
Như chúng ta đã biết, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, do vậy khi kinh tế du lịch phục hồi sẽ là động lực thúc đẩy giúp cho nhiều ngành kinh tế liên quan cùng phát triển như: vận tải, lưu trú, dịch vụ ăn uống và các dịch vụ khác…, từ đó sẽ giúp kinh tế địa phương sớm hồi phục mạnh mẽ trở lại.
Thanh Tùng