Kể từ năm 2000 cho đến nay, Việt Nam đã có 9 khu DTSQ được công nhận. Các khu DTSQ nằm rải rác trên khắp chiều dài đất nước và hàm chứa tập hợp quan trọng sự đa dạng sinh thái, văn hóa và kinh tế tiêu biểu của Việt Nam.
Năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh đã được thế giới công nhận là khu DTSQ đầu tiên của Việt Nam. Đây là khu rừng ngập mặn được khôi phục đẹp nhất Đông Nam Á, trở thành lá phổi xanh của TP. Hồ Chí Minh và là bức tường xanh nhằm giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trước mắt cũng như lâu dài…
Năm 2001, UNESCO tiếp tục công nhận khu DTSQ Cát Tiên với những giá trị nổi bật về đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa và di tích lịch sử “Chiến khu D”. Đây là khu DTSQ đặc biệt kết nối các giá trị đa dạng sinh học cao với đa dạng văn hóa của 11 dân tộc thiểu số và nhiều di tích lịch sử kháng chiến, có sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng, các thành phần kinh tế tư nhân và các tổ chức xã hội.
Khu DTSQ Châu thổ sông Hồng được công nhận năm 2004 với ý tưởng kết nối vùng đất ngập nước ven biển của 5 huyện Thái Thụy, Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu (Nam Định) và Kim Sơn (Ninh Bình). Giá trị tiêu biểu của vùng đất ngập nước này là mức độ đa dạng sinh học cao với nhiều loài chim di cư có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là loài cò mỏ thìa.
Cũng trong năm 2004, Khu DTSQ Cát Bà được công nhận bởi tầm quan trọng đặc biệt trong bảo tồn đa dạng sinh học (cả trên cạn và biển) của vùng Đông Bắc Việt Nam, khu vực hàm chứa đa dạng các loại rừng kim giao, rừng ngập nước trên núi (ao ếch) trên núi đá và rừng ngập mặn, các tùng áng, cỏ biển và san hô. Khu vực này còn là nơi sinh sống của loài Voọc Cát Bà là loài đặc hữu chỉ tìm thấy ở đây và là một trong 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên toàn cầu. Cát Bà là mô hình đầu tiên của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sử dụng khu sinh quyển như “Phòng thí nghiệm học tập” cho phát triển bền vững.
Khu DTSQ Kiên Giang được công nhận năm 2006. Hầu hết các hệ sinh thái nhiệt đới đều có mặt ở đây như hệ sinh thái biển và ven bờ, rừng ngập mặn, hải đảo, rạn san hô, đầm lầy, rừng tràm ngập nước theo mùa và những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh và thứ sinh trên đảo Phú Quốc, rừng trên núi đá vôi Hòn Chông. Nơi đây còn đang lưu giữ quần thể bò biển có mối quan hệ mật thiết với quần thể Dugong sống ở vùng biển Campuchia bằng các dải cỏ biển nằm dọc khu vực ven biển của hai quốc gia.
Khu DTSQ miền Tây Nghệ An được công nhận năm 2007 là khu DTSQ lớn nhất Đông Nam Á. Khu sinh quyển được thiết kế dựa trên một hành lang sinh thái nối kết 3 vùng lõi để đảm bảo sự liên tục về cảnh quan và nơi sống cho các loài sinh vật, nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học. Khu sinh quyển này có các cảnh quan nhiệt đới từ rừng già nguyên sinh đến các trảng cỏ, cây bụi đều với không gian văn hóa của hơn mười sắc tộc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An. Sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và không gian văn hóa tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ của khu vực này.
Hai khu DTSQ Cù Lao Chàm - Hội An và khu DTSQ Mũi Cà Mau đều được công nhận năm 2009. Khu DTSQ Cù Lao Chàm - Hội An thể hiện sự kết nối giữa tự nhiên - vùng lõi - Khu Bảo tồn Biển Cù lao Chàm và Di sản Văn hóa thế giới - Phố cổ Hội An. Khu DTSQ Mũi Cà Mau thể hiện sự kết nối các hệ sinh thái đặc trưng của vùng ven biển nhiệt đới: rừng ngập mặn ven biển (VQG Mũi Cà Mau, rừng ngập mặn phòng hộ biển Tây Cà Mau) và rừng tràm - đầm lầy ngập nước theo mùa.
Năm 2015, Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Langbiang được công nhận như khu vực lưu giữ những giá trị tiêu biểu về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên đa dạng hòa quyện với những nét văn hóa đặc sắc của Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Khu vực bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam.
Hệ thống các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam vô cùng đa dạng các thành tố tạo điều kiện hình thành những sản phẩm du lịch sinh thái phong phú. Nếu khai thác hiệu quả, các khu vực này hứa hẹn tiềm năng du lịch sinh thái to lớn vừa góp phần cải thiện kinh tế - xã hội địa phương, vừa góp phần phát triển bền vững mạng lưới các khu dự trữ thế giới tại Việt Nam.
Vũ Thục Hiền