Chợ nổi – điểm nhấn đặc biệt
Muốn hiểu được những điểm đặc trưng của một vùng đất, người ta thường tìm đến chợ. Trên thực tế, trong hầu hết các chương trình du lịch của du khách, chợ là một phần trải nghiệm không thể thiếu trong mỗi chuyến tham quan.
Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ở Cần Thơ nói riêng có rất nhiều chợ khác nhau, trong đó, có hai loại hình chợ cùng hình thành và phát triển song song với nhau, đó chính là chợ trên bờ và chợ trên sông - hay còn gọi là chợ nổi. Do địa hình họp chợ khác nhau, hình thức quản lý khác nhau nên cơ sở vật chất, không gian, hình thức giao thương, người họp chợ và văn hóa chợ cũng có những điểm khác biệt.
Không gian nhóm họp của chợ trên bờ rất đông đúc vì đó không chỉ là nơi dành riêng cho người tham gia trao đổi buôn bán mà còn là không gian sống của dân cư khu chợ và những khu vực hẻm, ngách xung quanh chợ. Chợ không chỉ là nơi buôn bán mà còn là đường giao thông của người dân sống tại khu vực đó nên mật độ thường dày đặc. Ngược lại, không gian chợ nổi thoáng và dễ chịu hơn. Người hiện diện ở chợ nổi nếu không phải với mục đích giao thương buôn bán thì cũng là du khách. Họ vừa có thể hòa mình vào không gian mua bán giao thương nhộn nhịp xung quanh nhưng vẫn có khoảng cách thoải mái cho mình trên mỗi ghe xuồng. Với không gian như vậy, nạn móc túi, cướp giật, ăn xin ở chợ nổi trên sông được hạn chế hơn so với chợ trên bờ, đảm bảo an ninh và an toàn cho du lịch.
Phương tiện di chuyển cũng là một trong những vấn đề quan trọng trong hoạt động du lịch. Khi tham quan chợ trên đường bộ, xe du lịch thường gây ách tắc giao thông quãng đường vào chợ gây trở ngại cho người địa phương, ngoài ra, việc tìm chỗ đậu xe chờ khách tham quan chợ là một việc mất thời gian cho tài xế và cũng là vấn đề làm đau đầu ban quản lý chợ. Khi vào chợ, du khách chủ yếu di chuyển bằng cách đi bộ nhưng người địa phương thì sử dụng nhiều phương tiện tham gia hơn như xe máy, xe đạp và còn có cả xe lớn chở hàng. Do đó, du khách thường tập trung nhìn đường đi để tránh va quẹt, không được thoải mái nhìn ngắm và tìm hiểu nét đặc trưng của chợ địa phương. Ngược lại, với chợ nổi trên mặt nước du khách phải sử dụng đường thủy. Di chuyển đến chợ nổi bằng đường sông kết hợp du lịch sinh thái sông nước chính là một điểm cộng tăng sự hấp dẫn của chương trình du lịch. Du khách bắt đầu lịch trình tham quan chợ nổi tại một bến tàu quy hoạch riêng phục vụ du lịch nên cơ sở vật chất và hạ tầng đều đảm bảo. Khách ở trên xuồng hoặc tàu du lịch có người lái, có không gian di chuyển, xoay trở dễ dàng, từ đó tạo tư thế thoải mái nhìn ngắm chợ nổi trong quá trình di chuyển mà không cần phải lo lắng đông đúc va quẹt.
Việc giao thương và con người trên chợ nổi cũng là một điểm nhấn thu hút khách du lịch. Ở chợ trên bờ thường có tình trạng chèo kéo khách, khó chịu nếu khách xem hàng lâu mà không mua, các bạn hàng la mắng nhau, xua đuổi khách khi khách chụp hình hàng của mình... Ở chợ nổi hoàn toàn khác, giao thương trên chợ nổi là bán sỉ, các ghe bán lẻ là các ghe phục vụ dịch vụ hoặc các ghe bán đồ ăn thức uống cho tiểu thương. Do đặc thù đó nên hầu hết mọi người trên chợ nổi đều rất vui vẻ với nụ cười luôn ở trên môi, những tiếng chào hàng như “Hello, Coffee” luôn làm du khách nước ngoài cảm thấy thú vị. Trẻ em vẫy chào du khách, người thương hồ khi thấy ống kính quay về phía mình thì tươi cười đáp lại.Trên chợ nổi giao thương không trả giá như chợ trên bờ và rất dễ chịu. Một nhóm 4, 5 khách leo lên mui một chiếc ghe chở khóm (dứa), chọn một quả rồi nhờ chủ ghe gọt giúp, chẻ ra làm tư với giá 10.000 đồng/quả, ngồi trên ghe hóng gió cả buổi nhưng người chủ ghe vẫn rất vui vẻ. Ngoài ra, phương thức giao thương và cách trưng bày hàng hóa cũng là một điểm thu hút khách du lịch rất riêng của chợ nổi.
Với không gian thoáng đãng hòa hợp với thiên nhiên, cách thức di chuyển, giao thương độc đáo, mới lạ, con người thân thiện, chợ nổi chính là điểm nhấn độc đáo của Du lịch Cần Thơ nói riêng, Du lịch đồng bằng sông Cửu Long nói chung, mở ra cho du khách một cái nhìn mới về các loại hình họp chợ.
Hoạt động giao thương thu hút du khách
Điểm lý thú của chợ nổi là hoạt động giao thương của người dân thương hồ. Nét đặc biệt trong văn hóa thương hồ được thể hiện rõ trong phương thức mua bán và cách đong đếm theo hình thức mua sỉ khiến khách du lịch thích thú.
Ở chợ nổi miền Tây, phương thức cân - đo - đếm rất riêng và mang tính cách phóng khoáng miền Nam. Có nhiều cách đo lường như: giạ, kilo, lít, lon, rổ, cần xé, lố tùy theo mặt hàng và thỏa thuận hai bên. Đặc biệt hơn là cách đếm của giới thương hồ: đếm thiên, đếm chục. Mua bán thì có bán mớ, bán mão. Cụ thể hơn, đếm thiên là đếm số lượng lớn, mỗi thiên là 1.000 đơn vị, ví dụ như 1 thiên lá lợp nhà. Một chục ở chợ nổi thường nhiều hơn 10. Một chục có khi là 12, 14, 16 trái tùy theo vùng và sản phẩm. Mua mão là khách nhìn bằng mắt ước lượng rồi quyết định mua trọn phần hàng trên ghe, bán mớ là bán một nhóm hàng trên ghe mà không phải cân hay đếm. Cuộc giao thương diễn ra nhanh chóng và không đi vào tiểu tiết.
Thời gian họp chợ trên chợ nổi thường là những khoảng thời gian cố định trong một ngày, tuy nhiên mỗi chợ nổi lại tự quy định những khoảng thời gian trao đổi buôn bán khác nhau đôi chút. Chợ nổi là chợ bán sỉ và chợ đầu mối nông sản nên thời gian họp chợ đông nhất là vào buổi sáng sớm khi mặt trời chưa lên, đến khi mặt trời lên cao thì công việc mua bán cũng đã hoàn thành, các ghe xuồng từ chợ nổi lại tỏa ra khắp mọi nơi. Tuy nhiên, phương tiện chính để di chuyển trên chợ nổi là phương tiện đường thủy nên cũng có những chợ nổi hoạt động dựa vào quy luật con nước như chợ nổi Cái Bè, Trà Ôn, lúc chợ đông nhất là khi con nước lên.
Chợ nổi là điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi hoạt động của nghiệp thương hồ, nhưng hoạt động buôn bán thương hồ không dừng lại ở địa điểm các chợ nổi. Người thương hồ có buôn bán đường ngắn và buôn bán đường dài; người có vốn lớn với ghe tải trọng lớn thì bán sỉ, những xuồng ghe thương hồ nhỏ thì bán lẻ cho người dân trong các kênh rạch vùng sâu vùng xa. Do đó, có thể nói, hoạt động thương hồ trải rộng khắp các sông rạch đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt là ở xứ “gạo trắng nước trong”.
Du khách đến từ các thành phố lớn, nơi quen dùng máng lăn để bốc dỡ, chuyển tải; đến đây họ được chứng kiến cảnh người bán đứng bên ghe này, người mua đứng bên ghe kia “thảy - bắt” một cách nhịp nhàng, chuẩn xác và kiến hiệu. Cách chuyển hàng từ người bán sang người mua thường làm cho khách đến từ các nước công nghiệp nhìn một cách đầy ngạc nhiên. Đôi lúc ở đầu ghe một dây chuyền gồm 2 người đàn ông, phía sau ghe một dây chuyền gồm 2 người phụ nữ. Khi ghe bên bán đã vơi đi, hàng bên mua càng đầy, họ không thấy người phía bán đâu cả, chỉ thấy hàng hóa cứ bay lên từ phía đáy và bên mua cứ chụp hàng mà không thấy đối tác.
Trong buôn bán và sinh hoạt thường ngày, người trên chợ nổi đã hình thành nên những nguyên tắc và ký hiệu riêng, chỉ cần giơ tay lên làm hiệu, thì từ đâu đó xuất hiện một chiếc xuồng con mang thức ăn thức uống đến phục vụ, và việc chuyển tô hủ tiếu, ly cà phê đá từ xuồng thấp dưới nước lên chiếc ghe cao nghệu là cả một kỹ năng mang tính nghệ thuật, khi cả hai người đều chòng chành do sóng khi có chiếc xà lan đi qua.
Văn hóa thương hồ là một khái niệm văn hóa mới, mang tính đặc trưng cao. Đây là một di sản văn hóa gắn bó chặt chẽ với môi trường thiên nhiên sông nước, khả năng bị tổn hại và biến mất là rất lớn. Do đó, chúng ta không thể phát triển theo hướng chung chung mà cần phải định hướng phát triển theo hướng du lịch bền vững, xác định đối tượng khách hàng mục tiêu là khách có khả năng chi trả cao nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Sản phẩm du lịch đại chúng không thể khai thác tốt đặc trưng của di sản này mà không có tác động tiêu cực đến di sản. Chỉ có du lịch chuyên đề mới có khả năng phát triển hiệu quả nét độc đáo của loại hình du lịch này mà vẫn bảo vệ được nét độc đáo của văn hóa thương hồ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Trọng Nhân (2012), Một số nhận định về phát triển du lịch chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long và Du lịch chợ nổi ở Thái Lan, khoa KHXH-NV, trường ĐH Cần Thơ
2. Nhâm Hùng (2009), Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long, NXB Trẻ
3. Phan Trung Nghĩa (2012), Khách thương hồ, NXB Văn hóa văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh.
4. Sơn Nam (2009), Từ U Minh đến Cần Thơ, NXB Trẻ
5. Trần Phỏng Diều (2009), Văn hóa sông nước Cần Thơ, NXB Văn Nghệ...
|
TS. Trần Thúy Anh
ThS. Đào Thị Tuyết Linh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)