Tổng kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng giai đoạn 2010 - 2015
Theo báo cáo, sau 5 năm triển khai, Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã thu được những kết quả khả quan, thể hiện trên 4 lĩnh vực hợp tác như: cơ chế chính sách, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, năm 2015, lượng du khách đến 8 tỉnh Tây Bắc đạt 15.578.000 lượt, doanh thu từ du lịch đạt 9.949 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân lượng khách trong giai đoạn 2010 - 2015 đạt 10,03%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt 29,9%/năm.
Trong 5 năm qua, các 8 tỉnh đặc biệt quan tâm thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch, với tổng số vốn trên 25.000 tỷ đồng; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù từng khu vực; xây dựng sản phẩm du lịch theo 2 tiểu vùng: tiểu vùng sông Hồng - sông Đà và tiểu vùng sông Đà. Các tỉnh trong khu vực tích cực phối hợp quảng bá, xúc tiến du lịch tại các hội chợ lớn. Xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình đào tạo tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành du lịch có trách nhiệm cho cộng đồng, cơ sở lưu trú và doanh nghiệp lữ hành, các hoạt động đào tạo nghề du lịch.
Tại hội nghị, đại diện Dự án EU đã Báo cáo tóm tắt kết quả hỗ trợ phát triển du lịch có trách nhiệm tại 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gia đoạn 2011 – 2015; đồng thời đề xuất một số giải pháp cơ bản để sự hợp tác, liên kết của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tiếp tục bền vững sau khi dự án kết thúc: tiếp tục duy trì Ban Chỉ đạo hợp tác khu vực Tây Bắc mở rộng; thành lập các tổ công tác về phát triển sản phẩm du lịch; thành lập quỹ hoạt động du lịch chung cho 8 tỉnh…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình hợp tác phát triển 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng Đặng Xuân Phong khẳng định: Sau 5 năm hợp tác phát triển, diện mạo du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã có những chuyển biến tích cực, thu được nhiều kết quả. Tuy nhiên, để thúc đẩy du lịch các tỉnh Tây Bắc phát triển hơn nữa, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với chính phủ các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển du lịch; tiếp tục nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của khu vực; mở rộng thị trường khách du lịch và xây dựng chiến lược xúc tiến riêng cho từng sản phẩm, tour, tuyến; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch; tăng cường hoạt động đào tạo kỹ năng nghề du lịch theo tiêu chuẩn VTOS cho các tỉnh trong khu vực.
PV