Đồi chè Mộc Châu, Sơn La
Theo ông Vũ Tuấn Phong, Phó Giám đốc Công ty Du lịch và truyền thông giải pháp cho giới trẻ (PYS Travel), các địa phương Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình với nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vỹ; văn hóa dân tộc bản địa của người Thái, Mông, Mường… vẫn giữ được những nét đặc sắc hoang sơ nguyên bản có những tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc trong bối cảnh Sapa, Mai Châu đang dần trở nên bão hòa với du khách.
Đoàn famtrip đã đi tham quan, tìm hiểu, khảo sát tiềm năng du lịch tại đồi chè Thanh Sơn, Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ); di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, những đồi chè, vườn hoa, nông trại tại Mộc Châu (Sơn La); đến thăm các bản Lìm Mông, Lìm Thái tại Mù Cang Chải (Yên Bái)…; đồng thời trải nghiệm một số sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn mới được đưa vào khai thác như nhảy dù trên đèo Khau Phạ, tắm suối khoáng nóng, tham quan lòng hồ Hòa Bình trên du thuyền… Đoàn cũng đã có hoạt động từ thiện, tặng quà cho các em nhỏ tại Trường mầm non Nà Bai (xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La); thể hiện trách nhiệm, sự chia sẻ của các doanh nghiệp du lịch đối với địa phương.
Hoạt động teambuilding tại Mù Cang Chải
Ông Bùi Minh Thắng – Giám đốc Công ty Victory Tour & Trading, một thành viên đoàn khảo sát đánh giá: tham quan lòng hồ Hòa Bình bằng du thuyền là một trong những sản phẩm đặc sắc, có sức thu hút du khách quốc tế với các ưu điểm: cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vỹ được ví như “Hạ Long trên núi”; du thuyền phục vụ du khách đều đạt tiêu chuẩn 3 sao; các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc trên du thuyền độc đáo, hấp dẫn cộng thêm sự phong phú loại hình phụ trợ như chèo thuyền kayak trên lòng hồ, tham quan bản làng, đền chùa trên các đảo tại lòng hồ…
Không chỉ có Hòa Bình, các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái đều có khả năng phát triển các loại hình du lịch thu hút khách quốc tế như: đạp xe, trekking khám phá rừng, hang động tại Vườn quốc gia Xuân Sơn; du lịch mạo hiểm – leo núi tại đỉnh Pha Luông; tìm hiểu văn hóa, lễ hội bản địa tại các bản làng người dân tộc; trải nghiệm sản xuất, thu hoạch và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp… Đối với khách du lịch nội địa, các điểm đến gắn với mùa lúa chín, mùa hoa như ruộng bậc thang tại Mù Cang Chải, Tú Lệ; cánh đồng hoa cải, đồi chè, hoa mận tại Mộc Châu, Mai Châu… sẽ tiếp tục thu hút du khách, đặc biệt là các bạn trẻ.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của đoàn khảo sát, các dịch vụ phụ trợ tại điểm du lịch còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Để phát triển du lịch theo hướng bền vững, cần có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng du lịch như đường giao thông, cơ sở lưu trú, nhà hàng, nhà vệ sinh công cộng, các điểm mua sắm – vui chơi giải trí… Các địa phương cũng cần xác định sản phẩm du lịch thế mạnh, từ đó tăng cường công tác liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp du lịch xây dựng tour, tuyến du lịch kết nối 4 tỉnh có tính cạnh tranh và sức hấp dẫn cao.
HN