Tên gọi “Nhã nhạc” được các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời nhà Hồ dùng với những nội hàm khác nhau: khi để chỉ âm nhạc cung đình nói chung, lễ nhạc cung đình nói riêng, khi để chỉ một tổ chức âm nhạc, thậm chí một dàn nhạc cụ thể.
Âm nhạc cung đình Việt Nam chính thức hình thành với sự lên ngôi của triều Nguyễn vào đầu thế kỉ 19. Thời kỳ hưng thịnh là nửa đầu thế kỷ XIX. Những năm 90 của thế kỷ XX, âm nhạc cung đình Huế bước vào giai đoạn phục hưng. Từ đó tới nay loại hình nghệ thuật này đã được đưa đi giới thiệu ở nhiều nơi trên thế giới.
Xưa kia nhạc cung đình Huế bao gồm nhiều thể loại, mười một điệu múa cung đình còn tồn tại đến ngày nay. Trong hệ thống các bản ca nhạc cung đình, nhiều bản nhạc đã bị thất truyền, chỉ còn lời ca. Những bản nhạc ngày nay còn bảo tồn được bao gồm: Mười bản ngự (Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng...) và một số bài khác trong hệ bài bản của ca nhạc thính phòng như Nam Bình, Nam Ai…
Các dàn nhạc cung đình triều Nguyễn cũng gồm nhiều loại có biên chế khác nhau nhằm phục vụ các nghi lễ và nhu cầu giải trí trong cung: Nhã nhạc, Huyền nhạc, Ti trúc tế nhạc, Tiểu nhạc, Đại nhạc, Cổ xuý, Đại nhạc, Nhạc thiều, Bát âm, Ty chung, Ty khánh, Ty cổ... Âm nhạc cung đình Huế là sự kế thừa và phát triển lên một đỉnh cao mới những thành tựu của dòng nhạc cung đình Thăng Long đã được xây dựng từ nhiều thế kỉ trước, và tiếp thu, Việt hóa những yếu tố nước ngoài. Đặc trưng của âm nhạc cung đình Huế là sự hội nhập, tiếp biến văn hóa Trung Hoa, Chăm Pa và những ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo. Múa cung đình có quan hệ mật thiết với nghệ thuật tuồng (hát bội).
Năm 2003, UNESCO đã công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Thu Thảo