Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Đảm bảo an toàn và quyền lợi cho du khách là vấn đề ưu tiên số 1 tại thời điểm này
Trước tình huống du khách hoãn, chuyển đổi tour, di chuyển khách ra khỏi địa bàn Đà Nẵng những ngày vừa qua, TCDL thường xuyên trao đổi với Sở Du lịch Đà Nẵng để nắm bắt tình hình, chỉ đạo xử lý kịp thời; cùng với đó chỉ đạo các sở quản lý du lịch tăng cường công tác phòng chống dịch, theo dõi sát hoạt động của các cơ sở dịch vụ, các nhà hàng ăn uống, cơ sở lưu trú, địa điểm vui chơi trên địa bàn.
Trước tình hình dịch Covid-19 xuất hiện trở lại ở một số địa phương, TCDL đang nắm bắt thông tin từ các địa phương để kịp thời có chỉ đạo hướng dẫn ngành Du lịch địa phương đảm bảo quyền lợi cho du khách. Hiện nay cần có thời gian do phải trao đổi kỹ với các bên liên quan trong việc đề xuất các giải pháp phù hợp.
Ngay thời điểm này, TCDL đang tăng cường theo dõi, bám sát tình hình để tham mưu cho Bộ VHTTDL cũng như triển khai những giải pháp ứng phó kịp thời trong ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trung Khánh nêu rõ, tinh thần chung là ưu tiên đảm bảo an toàn cho khách du lịch, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tùy vào tình hình dịch bệnh, theo từng giai đoạn sẽ có kế hoạch cụ thể nhằm phục hồi thị trường du lịch.
Về định hướng hoạt động trong thời gian tới, ngành Du lịch đang chủ động chuẩn bị tất cả các kịch bản, phương án phục hồi hoạt động du lịch ngay khi điều kiện cho phép. Dự báo mức độ cạnh tranh thu hút khách sau dịch giữa các điểm đến sẽ rất quyết liệt, do vậy Du lịch Việt Nam cần chủ động lên kế hoạch, tận dụng tốt lợi thế điểm đến an toàn, thành công trong khống chế dịch để thu hút khách. Sự quyết liệt trong phòng, chống dịch và chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án phục hồi sẽ là nền tảng thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động du lịch toàn cầu ngừng trệ, tác động mạnh mẽ đến hoạt động du lịch cả nước, các địa phương và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong quý I/2020, có tới 95% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế dừng hoạt động, số doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế giảm 48% so với cùng kỳ, công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20% so với cùng kỳ…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khởi động lại thị trường du lịch nội địa, chuẩn bị sẵn sàng để đón du khách quốc tế vào Việt Nam khi điều kiện cho phép, Bộ VHTTDL đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với mục tiêu kích cầu du lịch nội địa. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của hầu hết các tỉnh, thành phố, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch trên cả nước. Mục tiêu kết nối, hợp tác doanh nghiệp du lịch, hàng không và các điểm tham quan, vui chơi giải trí được đẩy mạnh, nhiều sản phẩm du lịch mới được xây dựng với giá cả hợp lý.
Trong tháng 6, nhiều địa phương đã ghi nhận lượng khách nội địa tăng mạnh từ 1,5 - 3 lần so với tháng 5/2020 như: Sapa (Lào Cai) tăng 2,65 lần; Quảng Ninh tăng 3,23 lần; Sầm Sơn (Thanh Hóa) tăng gấp 2 lần; Quy Nhơn (Bình Định) tăng 2,8 lần; Phú Yên tăng 1,5 lần; Phú Quốc tăng 1,68 lần...
Tuy nhiên, sau thời gian ngắn có tín hiệu khởi sắc, những ngày gần đây dịch Covid-19 xuất hiện trở lại và diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương khiến du khách hủy tour hàng loạt, thị trường khách nội địa sụt giảm mạnh…
|
Hùng Nguyễn