Tổng cục Du lịch làm việc với Công ty Le Bros về phương án truyền thông Du lịch Việt Nam hậu Covid-19
Chia sẻ một số nghiên cứu của Le Bros, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch điều hành của Le Bros cho biết, đại dịch Covid-19 làm tê liệt ngành Du lịch thế giới, dự báo Du lịch châu Á - Thái Bình Dương phải kéo dài giai đoạn hồi phục đến năm 2022. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), "ngành công nghiệp không khói" ước tính tổn thất 300 - 450 tỷ USD đối với hoạt động du lịch quốc tế trong năm 2020. Thực trạng Du lịch Việt Nam giảm 80% thị trường quốc tế đến cuối năm, tuy nhiên Việt Nam là thị trường tích cực và có khả năng phục hồi nhanh nhất sau dịch Covid-19.
Chiến dịch truyền thông Du lịch Việt Nam của Le Bros tập trung vào thông điệp “Tận hưởng Việt Nam bình yên”, hashtag #VietnamSafe, nhằm truyền tải Việt Nam là điểm đến an toàn nhất, đất nước đầu tiên khống chế được Covid-19 với thành tích ấn tượng, đồng thời tiếp tục duy trì tinh thần cảnh giác cao độ với những giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch. Ba nội dung trụ cột được nhấn mạnh: điểm đến an toàn và tin cậy; đảm bảo sự hài lòng của du khách; ý thức phòng chống dịch cao.
Theo đó, Le Bros xác định thị trường du khách mục tiêu cả nội địa và quốc tế là nhóm khách độ tuổi từ 35 - 55, sống ở đô thị lớn, thu nhập từ trung cao đến cao, thích đi du lịch nhưng hạn chế đến nơi quá ồn ào náo nhiệt; cần cảm giác an toàn và thoải mái; sẵn sàng chi trả cao hơn và có điều kiện chi trả cao hơn để có những kỳ nghỉ tận hưởng sau tình trạng ngủ đông vì Covid-19. Phân đoạn hóa các thị trường khách gồm: khách du lịch nội địa (tập trung vào phân khúc trung lưu; thu nhập trung và cao cấp; gia đình; nghỉ dưỡng); khách du lịch các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á (nhóm khách hàng thu nhập cao; có nhu cầu giải trí, thư giãn sau lockdown căng thẳng mùa dịch; golf, du lịch biển, du lịch thư giãn); khách du lịch từ Trung Quốc (phân khúc có thu nhập cao; đi theo gia đình hoặc nhóm nhỏ; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; nhu cầu cao); khách du lịch từ châu Âu và Bắc Mỹ (thu nhập trung bình; tìm kiếm sự an toàn và bình yên; đi từng nhóm nhỏ, gia đình hoặc bạn bè).
Đề án xây dựng dựa trên kịch bản 4 giai đoạn phục hồi: Kích cầu du lịch nội địa (6/2020); Kích cầu du lịch inbound hạn chế (8/2020); Kích cầu du lịch inbound (12/2020); Kích cầu du lịch outbound (6/2021). Mỗi giai đoạn, mỗi thị trường lựa chọn những hình ảnh thu hút đặc trưng, lựa chọn kênh truyền thông chủ đạo khác nhau. Chiến dịch truyền thông cần có sự tham gia của tất cả các lĩnh vực: hàng không; khách sạn resort; lữ hành; vận tải hành khách; nhà hàng, dịch vụ giải trí; bán lẻ; dịch vụ văn hoá; dịch vụ đặc biệt; viễn thông internet…
Đặc biệt, đề án nhấn mạnh chiến dịch ứng dụng công nghệ video cá nhân hoá (personalized video) để truyền tải nội dung tác động vào cảm xúc; qua đó toàn dân hỗ trợ ủng hộ kích thích du lịch nội địa; doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy marketing thông qua dữ liệu khách hàng; kích thích nhu cầu du lịch nội địa; mở rộng chiến dịch cho du lịch inbound. Điểm mạnh của video cá nhân là khả năng sản xuất hàng chục ngàn video trong cùng thời điểm, tính tương tác và kết nối cao với người dùng… Ví dụ, chiến dịch #VietnamStrong kêu gọi cộng đồng tham gia sản xuất video để cảm ơn y bác sỹ và người tình nguyện trên tuyến đầu chống dịch Covid-19, đã thu hút 3.045 video được sản xuất trong 72 giờ. Bên cạnh đó, truyền thông qua các kênh KOLs quốc tế (những người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng); hot fanpages; mạng xã hội Instagram, Facebook, Twitter, Youtube…; website, microsite…
Một số ý tưởng truyền thông được Le Bros đưa ra như “Hành trình tự hào Việt Nam”, “Hành trình bình yên Việt Nam”; kêu gọi các doanh nghiệp liên minh thành các chương trình hợp tác theo nhóm: Du lịch Việt Nam - Bình yên trời biển; Du lịch Việt Nam - Bình yên miền sơn cước; Du lịch Việt Nam - Bình yên tâm linh. Mục tiêu trong vòng 1 năm thì có thể lấy lại thị trường.
Góp ý về Đề án truyền thông của Le Bros, đại diện các Vụ chức năng của TCDL nhất trí việc thay đổi cách tiếp cận truyền thông, tận dụng công nghệ và phải truyền thông ngay; đồng thời cho rằng đề án cần đề xuất được nguồn lực khởi động, đưa ra được giải pháp truyền thông, nội dung truyền thông truyền tải cảm xúc yên bình nhưng phải tạo ra hứng khởi để khách đi du lịch.
Đánh giá cao ý tưởng truyền thông toàn diện của Le Bros, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh nhất trí cần triển khai truyền thông ngay hình ảnh, thông điệp Việt Nam an toàn nhằm phục hồi du lịch nội địa và tiến tới mở cửa du lịch quốc tế; song song với việc cần thay đổi cách thức chuyên nghiệp, bài bản hơn phù hợp với xu thế ứng dụng nền tảng công nghệ số. Về quan điểm thực hiện, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, TCDL sẽ chỉ đạo chiến dịch truyền thông, Le Bros sẽ tư vấn và triển khai, các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ cũng như huy động nguồn lực người dân tham gia cùng, tạo nên một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ giai đoạn hậu Covid-19. Trước mắt, cần chia nhỏ các phân đoạn để thực hiện ngay và phải nhìn thấy hiệu quả, chuyến biến hồi phục trong từng tháng. Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh kiến nghị Le Bros phối hợp với Vụ Thị trường du lịch hoàn thiện đề án để báo cáo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Chính phủ để triển khai ngay và có kế hoạch dài hạn hơn.
Hạ Tinh