Tổng cục Du lịch làm việc với các doanh nghiệp inbound về hướng khôi phục thị trường du lịch quốc tế

Thời điểm hiện tại, song song với việc kích cầu du lịch nội địa, từng bước phục hồi hoạt động du lịch theo Kế hoạch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành, ngành Du lịch cũng đồng thời xây dựng những kế hoạch hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá nhằm sẵn sàng đón và phục vụ khách quốc tế khi đến thời điểm thích hợp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu nhấn mạnh những đề xuất về các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trực tuyến, tăng cường ứng dụng công nghệ số quảng bá du lịch tới khách quốc tế. Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu mong rằng buổi làm việc sẽ là cầu nối giữa TCDL với các doanh nghiệp lữ hành inbound, qua đó xây dựng được các phương án, giải pháp sát với thực tế để khôi phục thị trường khách quốc tế vào thời điểm thích hợp, đảm bảo môi trường an toàn và chất lượng dịch vụ tốt.
Chia sẻ về kế hoạch xúc tiến quảng bá của TCDL sau dịch Covid-19 dựa trên các dự báo kịch bản khác nhau về thời điểm dịch được khống chế như vào cuối tháng 6, cuối tháng 8, hay hết năm 2020…, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch TCDL Đinh Ngọc Đức nhấn mạnh, giai đoạn hiện tại tập trung tăng cường truyền thông, khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn và có đủ năng lực đảm bảo an toàn đón khách du lịch quốc tế. Các chiến dịch truyền thông hướng tới khách quốc tế thời gian qua như “#VietnamNow” hay “Stay home with Vietnam” trên trang vietnam.travel nhằm giữ kết nối và truyền cảm hứng tới du khách trong giai đoạn toàn thế giới đang chống dịch cũng được bạn bè quốc tế đánh giá cao. TCDL đồng thời cũng có kế hoạch triển khai các hoạt động giới thiệu quảng bá du lịch online tới các thị trường quốc tế; tổ chức cuộc thi clip quảng bá Du lịch Việt Nam; đẩy mạnh quảng bá du lịch qua công nghệ số như mạng xã hội Trung Quốc, màn hình led lớn ở Hàn Quốc, qua CNN… Khi dịch bệnh được khống chế, tùy thời điểm thích hợp sẵn sàng xúc tiến lại các thị trường, tham dự các hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức roadshow quảng bá du lịch, đón các đoàn famtrip đến khảo sát du lịch Việt Nam.
Trao đổi và thảo luận tại buổi làm việc, các doanh nghiệp đã cập nhật tình hình khai thác những thị trường khách quốc tế trọng điểm của Việt Nam như Đông Bắc Á, Tây Âu, Đông Nam Á, Ấn Độ, Mỹ, Australia…; đồng thời đưa ra các nhận định, đánh giá về thị trường giai đoạn hiện nay để đề xuất các giải pháp hành động cụ thể với từng nhóm thị trường. Theo nhóm doanh nghiệp khai thác thị trường châu Âu nhận định, thị trường khách Đức có khả năng quay lại sớm ngay khi dịch kết thúc và đường bay được nối lại, như Handspan có tỉ lệ đặt lại các tour đã hủy do dịch lên tới 67% và vẫn có khách đặt tour mới, và đã hoàn thành được các sản phẩm đón khách Đức đến tháng 4/2022. Đối với thị trường Mỹ, một vài khảo sát đưa ra Việt Nam hiện nằm trong top 5 nước mà khách Mỹ sẽ chọn quay trở lại. Thị trường Ấn Độ được các doanh nghiệp nhận định là có khả năng trở lại sớm, tuy nhiên chủ yếu là khách lẻ và khách gia đình, còn thị trường tiềm năng khách MICE cần xác định về dài hạn hơn. Đối với thị trường Hàn Quốc, các doanh nghiệp cho rằng bên cạnh các kế hoạch truyền thông, xúc tiến quảng bá, cần quan tâm tới chính sách visa cho khách du lịch Hàn Quốc để khuyến khích trở lại nhu cầu du lịch Việt Nam của họ…
Các doanh nghiệp cũng nhất trí đề xuất cần đẩy mạnh hành động và tăng cường truyền thông du lịch Việt Nam an toàn, thể hiện bằng những hình ảnh, video súc tích, chân thực từ các cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm du lịch, dịch vụ… truyền tải thông điệp an toàn và chất lượng tới du khách. Bên cạnh đó, cần tăng sức cạnh tranh của Du lịch Việt Nam với các nước khác trong khu vực, định vị đối tượng khách phù hợp, xây dựng các sản phẩm mục tiêu, giảm giá dịch vụ để kích cầu, tăng cường các khóa đào tạo chuyển đổi công nghệ số… Qua đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn TCDL kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành nhiều hơn trong bối cảnh chưa thể khai thác thị trường khách quốc tế như hiện nay, đề xuất các bên liên quan hỗ trợ giảm giá dịch vụ vận chuyển, miễn giảm vé thắng cảnh tại các điểm du lịch tại các địa phương… Theo các doanh nghiệp, nếu biết tận dụng, đây là thời điểm “vàng” để tăng cường quảng bá xúc tiến Du lịch Việt Nam là điểm đến an toàn khi dịch bệnh được Chính phủ kiểm soát tốt.
Để thực hiện được điều đó, “TCDL với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch luôn cùng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như kết nối, cập nhật thông tin đến các doanh nghiệp về các kế hoạch triển khai để doanh nghiệp kịp thời tham gia hưởng ứng nhằm khôi phục thị trường khách quốc tế, hướng tới sự phát triển chung của ngành Du lịch Việt Nam” - Vụ trưởng Vụ Thị trường Đinh Ngọc Đức nhấn mạnh.
Hạ Tinh