Theo báo cáo, năm 2015, ngành Du lịch đã có nhiều dấu ấn quan trọng mang lại kết quả đáng khích lệ như: những chính sách được ban hành và triển khai tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, bước đầu khắc phục hạn chế của ngành Du lịch; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cao cấp phát triển mạnh mẽ đã thu hút du khách nghỉ dưỡng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày từ các thị trường trọng điểm; công tác liên kết, phát triển sản phẩm du lịch theo chuyên đề và vùng lãnh thổ được chú trọng; công tác xúc tiến quảng bá du lịch được tăng cường mạnh mẽ và đổi mới cả về nội dung và hình thức. Vì vậy, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng ngành Du lịch đã đạt được những kết quả quan trọng, ngăn chặn được đà suy giảm khách du lịch quốc tế trong 6 tháng đầu năm, phục hồi đà tăng trưởng, đón hơn 7,94 triệu lượt khách quốc tế (tăng 0,9% so với năm 2014), khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỷ đồng.
Năm 2016, ngành Du lịch tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm: tăng cường hoạt động quản lý nhà nước; chủ động hội nhập quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ du lịch; tổ chức và tham gia các hoạt động, sự kiện lớn (các hội chợ trong nước và quốc tế, hội thảo quốc tế về du lịch và thể thao, roadshow…); đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động liên kết phát triển du lịch; nâng cao tính chuyên nghiệp và đồng bộ trong các hoạt động.
Buổi họp báo cũng công bố 10 hoạt động, sự kiện du lịch tiêu biểu năm 2015 và bàn giao Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) phiên bản 2013 do Dự án EU-ESRT tài trợ xây dựng.
Tại buổi họp báo, Tổng cục Du lịch cũng trao đổi và trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí về công tác miễn thị thực đối với các thị trường mới; chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam; cơ hội và thách thức của ngành Du lịch khi Việt Nam gia nhập TPP; năng lực lao động du lịch Việt Nam trong xu thế hội nhập và cạnh tranh với các nước trong khu vực…
Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: năm 2016, ngành Du lịch sẽ có những đổi mới trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch, thể hiện ở những khía cạnh: tiếp tục triển khai chiến lược marketing của Du lịch Việt Nam; công bố các chương trình quảng bá xúc tiến trong và ngoài nước để các địa phương và doanh nghiệp cùng tham gia; huy động các nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch. Bên cạnh đó, ngành Du lịch tập trung các nguồn lực để xúc tiến quảng bá có trọng tâm, trọng điểm, chuyên nghiệp và mang lại hiệu quả; thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; chiến lược đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở, chất lượng dịch vụ ngày càng mạnh mẽ; chú trọng phát triển du lịch gắn với công tác truyền thông.
Vân Nhi