Khái quát các hoạt động hội nhập của Du lịch Việt Nam đóng góp vào quá trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Hội nhập quốc tế về du lịch của Việt Nam thời gian qua được triển khai theo hướng thúc đẩy ký kết và thực hiện các hiệp định thỏa thuận hợp tác cấp chính phủ, cấp ngành song phương và đa phương, tranh thủ hợp tác, hỗ trợ của các nước thông qua các chương trình, dự án cụ thể và các cam kết mở cửa tự do hóa thương mại dịch vụ du lịch trong các khuôn khổ WTO, ASEAN, APEC, GMS.... Trong đó, ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác mà Du lịch Việt Nam tham gia sâu rộng và có hiệu quả nhất.
Du lịch Việt Nam bắt đầu tìm hiểu và tham gia các cơ chế hợp tác từ cuối những năm 1990, sau khi gia nhập ASEAN (1995). Việt Nam từng bước tham gia đầy đủ các hoạt động trong các nhóm/tiểu ban công tác du lịch từ đầu những năm 2000 và chủ động hội nhập từ cuối những năm 2000. Đối với các cam kết về thị trường, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các cam kết đối với các lĩnh vực khách sạn, dịch vụ xếp chỗ ở khách sạn, dịch vụ phục vụ ăn uống và kinh doanh lữ hành quốc tế. Năm 2009, Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Du lịch và Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) - sự kiện lớn nhất trong năm của du lịch ASEAN.
Đối với các lĩnh vực cụ thể, Việt Nam đã ký Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP) (tại ATF 2009, tại Hà Nội) để làm cơ sở cho việc phát triển nguồn nhân lực du lịch ASEAN và tạo thuận lợi cho dịch chuyển lao động trong khu vực. Du lịch Việt Nam đã chủ động đóng góp vào việc triển khai MRA-TP chung của ASEAN thông qua việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn triển khai MRA-TP (2013). Du lịch Việt Nam đã tham gia xây dựng 130 sản phẩm du lịch chung để kết nối ít nhất 2 quốc gia trong ASEAN theo các nhóm chuyên đề như du lịch thiên nhiên, du lịch văn hóa và di sản, du lịch cộng đồng, du lịch đường biển và đường sông đồng thời tích cực triển khai Chiến lược marketing du lịch ASEAN 2011 - 2015 với tiêu đề “Đông Nam Á - cảm nhận sự ấm áp” tập trung vào khai thác các thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, khách du lịch trải nghiệm và sáng tạo, khách du lịch khám phá, khách du lịch công vụ, khách du lịch lưu trú dài ngày và người cao tuổi, khách trong nội vùng ASEAN. Cùng với đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Trưởng nhóm Marketing và Truyền thông du lịch ASEAN (2013-2014), hiện đang là Phó Trưởng nhóm Chất lượng dịch vụ du lịch, điều phối phát triển sản phẩm du lịch đường sông và Dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển du lịch đường sông khu vực sông Mê Kông do UNWTO hỗ trợ ASEAN, điều phối triển khai Dự án xây dựng Hướng dẫn xây dựng và vận hành loại hình Boutique Hotel; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ ASEAN thông qua việc phối hợp cùng các quốc gia thành viên phát triển và áp dụng các bộ tiêu chuẩn chung trong ASEAN như tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN, cơ sở lưu trú nhà dân ASEAN, nhà vệ sinh công cộng ASEAN, dịch vụ Spa ASEAN, tiêu chuẩn thành phố du lịch sạch ASEAN, tiêu chuẩn du lịch cộng đồng, hướng dẫn an ninh và an toàn du lịch ASEAN cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và lộ trình du lịch ASEAN ứng phó với biến đổi khí hậu...
Hàng năm, Du lịch Việt Nam tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế TRAVEX bên lề Diễn đàn Du lịch ASEAN, tham gia và có đóng góp tích cực tại các phiên họp định kỳ và họp chuyên đề. Bên cạnh ATF năm 2009, Việt Nam cũng đã đăng cai tổ chức thành công cuộc họp chuyên đề về Marketing và Phát triển sản phẩm du lịch ASEAN (2013) và sẽ tiếp tục tổ chức phiên họp các nhóm công tác du lịch dự kiến vào tháng 4/2016. Bên cạnh các nội dung hợp tác du lịch ASEAN nói chung, Việt Nam còn tích cực và chủ động trong các cơ chế hợp tác du lịch tiểu vùng và giữa ASEAN với các nước, tổ chức đối tác. Các khuôn khổ hợp tác phổ biến là: Hợp tác kinh tế ACMECS (hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam); Hợp tác GMS (còn gọi là chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc); Hợp tác CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam); Hợp tác giữa ASEAN với các nước và tổ chức đối tác (ASEAN với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; ASEAN với Nga, ASEAN với Ấn Độ, ASEAN với Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO, ASEAN với Ngân hàng phát triển châu Á ADB...), và hợp tác du lịch song phương để đóng góp vào cơ chế hợp tác du lịch trong ASEAN.
Hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, mang lại những tác động trực tiếp và gián tiếp đến mọi đối tượng trong ngành du lịch và đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen. Ý thức rõ vai trò quan trọng của hợp tác du lịch ASEAN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế chung của đất nước cũng như AEC, từ năm 2012, Tổng cục Du lịch đã thành lập Nhóm hợp tác du lịch ASEAN để tăng cường triển khai và phối hợp hoạt động hợp tác trong Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan. Mặt khác, Tổng cục Du lịch cũng đã triển khai hai đề án “Nghiên cứu, đánh giá nguồn nhân lực và nâng cao năng lực triển khai thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch ASEAN” và“Tăng cường hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN trong lĩnh vực Du lịch” với mục tiêu phân tích, đánh giá thực trạng hội nhập AEC trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam, thông qua đó nâng cao nhận thức của các chủ thể liên quan đến quá trình hội nhập kinh tế nói chung và hội nhập trong lĩnh vực du lịch nói riêng.
Tác động của việc hội nhập AEC đối với Du lịch Việt Nam
Qua quá trình hợp tác lâu dài cũng như những kết quả và lợi ích mang lại, có thể khẳng định rằng ASEAN cũng như AEC có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Du lịch Việt Nam. Với dân số hơn 500 triệu dân, trong những năm qua, các thị trường nguồn du lịch thuộc khu vực ASEAN đóng góp khoảng 20% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Một số nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia vừa là thị trường nguồn, vừa đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Hợp tác du lịch với các nước ASEAN là quan hệ cùng có lợi khi các nước cùng hợp tác, bổ sung cho nhau về tất cả các khía cạnh trong phát triển du lịch, hỗ trợ nhau đồng thời cũng là hỗ trợ chính mình. Tuy nhiên, đây là quá trình vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, theo đó lợi ích đối với mỗi nước phụ thuộc vào nỗ lực và khả năng của từng nước. Mặc dù vậy, lợi ích của nước này không làm ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác mà ngược lại tạo cơ hội cho các nước khác.
Mặt khác, quá trình hợp tác để hình thành AEC đã góp phần nâng cao sự hiện diện và uy tín của Du lịch Việt Nam trong khu vực. Đồng thời, Du lịch Việt Nam được tiếp cận nhiều thông tin và bài học kinh nghiệm quý báu về phát triển du lịch và nhận được sự hỗ trợ tích cực của các nước có ngành Du lịch phát triển hơn như Thái Lan, Malaysia, Singapore… AEC đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện yêu cầu “gắn thị trường du lịch Việt Nam với thị trường du lịch khu vực và thế giới” như Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra.
Hội nhập AEC mang lại những tác động tích cực đối với Du lịch Việt Nam đồng thời tạo ra một môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn trong lĩnh vực du lịch, trong đó việc phát huy những tác động tích cực của quá trình hội nhập sẽ quyết định hiệu quả của quá trình hội nhập du lịch trong AEC. Những tác động trên một số lĩnh vực chủ đạo được khái quát như sau:
- Do yêu cầu của quá trình hội nhập du lịch trong AEC mà hệ thống các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến phát triển du lịch như các quyết sách và giải pháp ưu tiên phát triển du lịch của Chính phủ, các chính sách nới lỏng về thị thực nhập cảnh và tạo điều kiện thuận lợi đi lại trong ASEAN, chính sách tạo môi trường đầu tư tại Việt Nam minh bạch, thông thoáng hơn và các vấn đề phối hợp liên ngành đã được cải thiện đáng kể và cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hội nhập khu vực ASEAN.
- Nhìn chung, hội nhập về sản phẩm du lịch trong ASEAN đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Việt Nam hiện nay và tranh thủ được các nguồn khách nối tour trong khu vực để qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch khu vực ASEAN nói chung và khả năng kết nối khách giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và ngược lại. Mặt khác, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch của Việt Nam cũng đã tăng lên rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch trong và ngoài khu vực ASEAN về cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ lưu trú du lịch, chất lượng dịch vụ, chất lượng và sự đa dạng của ẩm thực trong sản phẩm du lịch, đặc biệt là đối với phân đoạn thị trường chất lượng cao, tập trung ở các trung tâm du lịch lớn trong nước.
- Việt Nam đã tranh thủ được khá tốt hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong khu vực để thu hút khách du lịch đến Việt Nam do tham gia đầy đủ các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chung trong ASEAN. Hình ảnh và vị thế của Du lịch Việt Nam trong khu vực ASEAN được nâng lên do sự chủ động tổ chức và khởi xướng các sự kiện, hoạt động xúc tiến du lịch liên kết với các nước ASEAN. Thương hiệu quốc gia từng bước được cải thiện do tác hoạt động tích cực của ngành Du lịch và các hoạt động xúc tiến quảng bá.
- Triển khai MRA-TP là cơ hội rất tốt để Du lịch Việt Nam có động lực nâng cao chất lượng nhân lực du lịch trong nước đủ điều kiện làm việc hiệu quả tại các nước khác trong khu vực đồng thời cũng góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong bối cảnh phát triển nhanh của du lịch trong nước, tranh thủ được nguồn lao động chất lượng cao trong khu vực. Bên cạnh việc các doanh nghiệp du lịch đã quan tâm hơn tới công tác đào tạo nhân lực của mình thì khối các cơ sở đào tạo về du lịch cũng đã không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo du lịch góp phần phát triển liên tục nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong thời gian qua, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về số lượng và từng bước cải thiện chất lượng phù hợp với nhu cầu hội nhập khu vực ASEAN.
- Đối với các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp lữ hành ngày càng lớn mạnh về số lượng, đa dạng về loại hình, cải thiện chất lượng, phù hợp với trình độ phát triển và nhu cầu trong khu vực ASEAN, một số doanh nghiệp lớn đã từng bước khẳng định được thương hiệu trong khu vực trên cơ sở sự đa dạng của sản phẩm và đảm bảo về chất lượng. Các cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) được đầu tư phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về loại hình dịch vụ, chất lượng được nâng lên tầm khu vực ở nhiều phân khúc đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn chung của sản phẩm du lịch ASEAN và Việt Nam nói riêng. Năng lực cạnh tranh trong khu vực của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng được nâng lên trên cơ sở sự liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo mô hình Lữ hành - Hàng không - Khách sạn. Các loại hình doanh nghiệp khác tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch như vận chuyển (hàng không, đường bộ, đường biển, đường thủy), nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí… ngày một gia tăng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu kết nối giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN cũng như góp phần đảm bảo năng lực cung ứng dịch vụ du lịch và gia tăng tính hấp dẫn, đa dạng của sản phẩm, dịch vụ du lịch khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Việc Việt Nam chính thức gia nhập AEC sẽ có những tác động trực tiếp và gián tiếp đến tất cả các đối tượng trong ngành Du lịch, từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cơ sở đào tạo, người lao động và thậm chí cả khách du lịch nội khối cũng như khách du lịch quốc tế đến khu vực. Khi Việt Nam gia nhập AEC, Du lịch Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen. Vấn đề đặt ra là phải tận dụng được các cơ hội đồng thời vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển với tốc độ cao và tránh được nguy cơ tụt hậu, nhất là so với các nước có ngành Du lịch phát triển trong khu vực./.
Trần Phú Cường