Tổng cục Du lịch đồng hành cùng WWF Việt Nam về giảm cầu ngà voi trong hoạt động du lịch
Theo đó, dự án nhằm mục tiêu đóng góp cho việc giảm áp lực săn trộm voi trong tự nhiên bằng cách giảm nguồn cung ngà voi và giảm cầu ngà voi tại các thị trường châu Á. Dự án được thực hiện với 2 cách tiếp cận chính gồm: Giảm cầu ngà voi và ý định mua những sản phẩm ngà voi thông qua các hoạt động tập huấn, truyền thông thay đổi hành vi của những nhóm đối tượng mục tiêu; giảm nguồn cung và khả năng tiếp cận đến ngà voi thông qua việc tăng cường thực thi pháp luật và phối hợp với các bên liên quan (bao gồm các cơ quan chính phủ và khối tư nhân) để vận động khuyến nghị chính sách.
Tại buổi tiếp, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu cho biết, TCDL hoan nghênh dự án của WWF Việt Nam vì đã góp phần vào sự phát triển du lịch bền vững, nâng cao trách nhiệm về xã hội, môi trường trong hoạt động du lịch. Đồng thời, TCDL luôn sẵn sàng là một đối tác đồng hành ngay khi dự án chính thức triển khai. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, TCDL sẽ có chỉ đạo, kết nối từ Trung ương đến địa phương nhằm góp phần tạo thuận lợi cho dự án.
Phó Tổng cục trưởng cũng nhận định, với cách tiếp cận bằng truyền thông nâng cao nhận thức, dự án cần đẩy mạnh, tạo ấn tượng với người dân, khách du lịch qua các trang mạng xã hội, diễn đàn, hội nghị...
"Việc nâng cao nhận thức bằng thông tin chỉ là một phần, dự án phải làm thế nào để người dân, du khách có thái độ tích cực với việc bảo vệ môi trường, thiên nhiên và đặc biệt là khơi dậy "tình yêu" đối với môi trường", Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết.
Nhu cầu tiêu thụ ngà voi là nguyên nhân chính gây ra vấn đề săn trộm voi, làm giảm đáng kể số lượng quần thể voi tại châu Phi. Trong những năm qua, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ nhiều ngà voi nhất.
Mặc dù thị trường ngà voi tại Trung Quốc đã đóng cửa vào tháng 12/2017, tuy nhiên Trung Quốc vẫn là quốc gia tiêu thụ ngà voi chính trên toàn cầu với 6,8% khách du lịch Trung Quốc mua ngà voi khi đi du lịch ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Trong đó 46% lượng mua bán này diễn ra tại Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Trong khi đó, theo một nghiên cứu đã chỉ ra rằng du khách thu thập thông tin về địa chỉ mua ngà voi trên mạng và/hoặc từ các nguồn cá nhân trước khi đi du lịch, nhưng hướng dẫn viên địa phương thường là người gợi ý ghé thăm các cửa hàng bán ngà voi trong chuyến đi.
Theo báo cáo của GlobeScan “Beyond the Ivory Ban - Research on Chinese Travelers While Abroad” (Tạm dịch: Đằng sau Lệnh cấm Ngà voi: Nghiên cứu về Du khách Trung Quốc ở nước ngoài), xuất bản tháng 10 năm 2020, 11% trong số 3.011 du khách được khảo sát trả lời rằng họ có dự định mua ngà voi trước chuyến đi. Ngoài ra, khảo sát này đã được chia ra theo 7 địa điểm du lịch, 21% du khách có dự định mua ngà voi trước khi đi du lịch Thái Lan, cao hơn nhiều so với những quốc gia khác. Thái Lan đã mở cửa biên giới đón khách du lịch vào tháng 11 năm 2021 và theo dự kiến, lượng khách du lịch tới quốc gia này sẽ đạt gần đến mức trước covid vào cuối năm 2022.
Mặc dù năm 2020 và 2021, lượng khách du lịch đã giảm 88% so với năm 2019 do các hạn chế liên quan đến dịch bệnh COVID-19, nhưng đã có khoảng 6 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đã ghé thăm Việt Nam vào năm 2019, và con số này tại Thái Lan thậm chí còn gần gấp đôi.
Về kế hoạch hoạt động, ông Vương Quốc Chiến - Quản lý chương trình Giảm cầu ngà voi cho biết, dự án sẽ triển khai trên một số địa bàn chính thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Dự kiến, dự án sẽ bắt đầu từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2025, trong đó diễn ra nhiều hoạt động như hội thảo, tập huấn, triển lãm... nâng cao nhận thức về giảm cầu và ngăn chặn việc tuồn ngà voi bất hợp pháp vào các thị trường hợp pháp.
Trong đó, để dự án được nhiều người biết đến, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh về cách truyền thông cho dự án, ngoài việc đưa thông tin trên mạng xã hội, dự án có thể thông qua 2 kênh truyền thông chính thức của Tổng cục Du lịch đó là Tạp chí Du lịch và Trung tâm Thông tin Du lịch. Ngoài ra, dự án nên chọn thêm KOL - người có sức ảnh hưởng chuyên về mảng môi trường tham gia đồng hành cùng để truyền thông mạnh mẽ hơn tới công chúng.
Để đồng hành cùng dự án, Phó Tổng cục trưởng giao Vụ Hợp tác Quốc tế làm đầu mối triển khai hợp tác với WWF Việt Nam.
Thảo Anh