Du lịch đô thị biển tạo sức cạnh tranh cho điểm đến Hạ Long
Thành phố Hạ Long là nơi đăng cai tổ chức hàng loạt các sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế, trong đó có nhiều sự kiện chuyên ngành Du lịch lớn như Hội nghị đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững trong khuôn khổ của chương trình năm APEC 2017, Năm Du lịch quốc gia 2018, Lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, Chương trình nghệ thuật Carnaval Hạ Long… Những sự kiện được tổ chức thành công đã chứng tỏ năng lực và sức hấp dẫn của đô thị du lịch biển Hạ Long.
Với định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt các chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung và thành phố Hạ Long nói riêng. Kể từ năm 2014 đến nay, nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại thành phố Hạ Long đã được triển khai, đi vào hoạt động và mang lại diện mạo mới cho đô thị ven biển này như một số công trình khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế như Vinpearl Ha Long Bay Resort, Mường Thanh Quảng Ninh, Paddington Halong Bay View, hàng loạt các nhà hàng sang trọng đáp ứng mọi yêu cầu của thực khách… Hạ Long còn có công viên Lán Bè nằm ở trung tâm với đường đi bộ trên cao, hệ thống thảm cỏ, cây hoa lạ mắt; công trình Cột đồng hồ vô cùng tráng lệ là điểm check-in của khách du lịch và nổi bật gần đây là con đường bao biển đẹp thơ mộng, thu hút rất đông du khách.
Đến Hạ Long hiện nay, du khách thích thú tham quan chợ cá, cảng cá để tìm hiểu văn hóa địa phương, thưởng thức đặc sản biển và mua sắm. Du lịch đêm của Hạ Long cũng phong phú các hoạt động hơn với chợ đêm, vũ trường, quán karaoke, trải nghiệm câu mực trên du thuyền, dịch vụ massage chân, siêu thị ốc Hạ Long… Sự phát triển của những điểm du lịch gần thành phố Hạ Long như Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Osen Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, du lịch Vân Đồn, du lịch Quảng Yên sẽ càng tăng thêm sức hấp dẫn của trung tâm đô thị du lịch biển Hạ Long, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch từ các chương trình kết nối các điểm đến.
Với sự phát triển của hệ thống các tuyến đường cao tốc như Hà Nội – Hạ Long, Móng Cái – Hạ Long và sắp tới là Bắc Giang – Hạ Long, Lạng Sơn – Hạ Long sẽ mở ra cơ hội phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa cho thành phố này.
Những áp lực và giải pháp cho phát triển đô thị du lịch biển Hạ Long
Hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ đã và đang mang lại hiệu quả tích cực về nhiều mặt cho thành phố ven biển Hạ Long. Tuy nhiên cũng tạo ra những áp lực cho đời sống cộng đồng dân cư và môi trường xã hội. Các công trình dịch vụ du lịch ven biển như hệ thống nhà hàng, khách sạn; gia tăng phương tiện giao thông; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường… ảnh hưởng tới không gian công cộng, tình trạng ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm, gia tăng dân số cục bộ, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông của cả khách du lịch và người dân địa phương dễ dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn xã hội giữa cộng đồng và hoạt động du lịch. Việc quy hoạch ven biển Bãi Cháy đã làm mất đi cảnh quan tự nhiên của bãi biển trước đây. Bãi tắm nhân tạo mới chứa đựng nhiều nguy cơ mất an toàn do chưa ổn định và an toàn giao thông cho khách du lịch khi băng qua đường xuống tắm biển. Du lịch cũng tạo áp lực đối với hạ tầng xã hội cho thành phố Hạ Long bởi việc gia tăng nhu cầu sử dụng điện, nước và xử lý chất thải, nước thải. Điều này dẫn tới tình trạng cắt điện, nước ở nhiều khu dân cư; quá tải trong thu gom và xử lý chất thải khiến môi trường đô thị và vùng phụ cận cũng bị ảnh hưởng. Sự phát triển đô thị du lịch cũng làm gia tăng giá cả sinh hoạt, gián tiếp làm tăng khoảng cách giàu nghèo... và từ đó dẫn đến sinh mâu thuẫn giữa cộng đồng địa phương và khách du lịch.
Để du lịch đô thị biển Hạ Long phát triển bền vững cần tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư địa phương tham gia đóng góp vào công tác quy hoạch phát triển đô thị và các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng nói chung, du lịch nói riêng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích phát triển du lịch và đời sống của người dân, tạo ra tiện ích sống và sự đa dạng trong quá trình phát triển. Bài học từ việc hình thành và đi vào hoạt động của bãi tắm dân sinh Hòn Gai và con đường bao biển đẹp nhất thành phố Hạ Long đã không chỉ tạo thêm điểm du lịch hấp dẫn cho Hạ Long mà còn đem lại sự tin tưởng, yêu mến của cộng đồng, khiến cho mỗi con người Hạ Long tự hào về vẻ đẹp của quê hương, tình yêu đối với du lịch Hạ Long.
Công tác quy hoạch đô thị, đặc biệt là quản lý không gian ven biển cần được thực hiện chặt chẽ, khoa học với tầm nhìn dài hạn. Tổng thể không gian của đô thị du lịch Hạ Long là cảnh quan mặt tiền hướng biển, do vậy cần hạn chế tối đa hoạt động lấn biển để xây dựng các khu đô thị ven biển, làm mất cảnh quan chung của toàn thành phố. Ngoài ra, những khu vực dịch vụ, mua sắm, vui chơi giải trí cần được quy hoạch riêng biệt ở khu vực Hồng Gai để có đủ điều kiện phục vụ khách du lịch 24/24h. Qua đó đẩy mạnh chủ trương phát triển kinh tế đêm, mang lại hiệu quả cao hơn từ du lịch trong khi hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng tới cuộc sống của dân cư.
Tháng 12/2018, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án kiến trúc thành phố thông minh. Do đó, thành phố Hạ Long cần đẩy nhanh các dự án phát triển thành phố thông minh, tăng cường ứng dụng công nghề 4.0 nhằm tạo ra các tiện ích và tính hấp dẫn đối với khách du lịch. Đồng thời tăng cường ứng dụng các công nghệ tiết kiệm điện, nước; tái chế, tái sử dụng chất thải trong dịch vụ du lịch, đặc biệt là chất thải trên biển; nâng cao năng lực quản lý đô thị, kiến thức về du lịch, biến đổi khí hậu cho các cấp quản lý, doanh nghiệp và người dân nhằm đảm bảo phát triển bền vững, đưa Hạ Long không chỉ là đô thị du lịch biển hiện đại mà còn là thành phố đáng sống, là niềm tự hào của người dân Quảng Ninh.
Tài liệu tham khảo:
1. TS. Võ Quế, ThS. Bùi Thị Trang, Bàn về chính sách phát triển du lịch đô thị, Tạp chí Du lịch Việt Nam tháng 4/2019
2. ThS. Nguyễn Thị Lan Hương, ThS. Đỗ Thị Thanh Hoa, ThS. Trương Nam Thắng, Phát triển sản phẩm du lịch đô thị ở Việt Nam, Tạp chí Du lịch Việt Nam, tháng 9/2019.
3. Dương Liễu, Xu hướng kinh tế biển thế giới, Tạp chí Du lịch tháng 7/2018...
ThS. Lê Minh Thủy
(Tạp chí Du lịch tháng 6/2022)