Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tham gia cùng đoàn có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Đinh Thế Huynh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành cơ quan Trung ương.
Làm việc với Ban cán sự Đảng và cán bộ chủ chốt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Bộ VHTTDL là cơ quan thực hiện chức năng về quản lý văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Đây là lĩnh vực rộng lớn, phong phú, đa dạng và tinh tế, thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đến từng người, từng gia đình, mọi lĩnh vực, các ngành, các cấp.
Tổng Bí thư ghi nhận những kết quả mà Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được trong thời gian qua. Cùng với kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch đã có bước phát triển khá nhanh, mạnh về quy mô, số lượng, chất lượng các loại hình và phong trào hoạt động... thu hút sự tham gia đóng góp của toàn thể xã hội.
Trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng hội nhập nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã đặt ra nhiều vấn đề mới, nhất là vấn đề tha hóa trong lối sống, xói mòn những giá trị tốt đẹp; tệ nạn xã hội, tội phạm gia tăng; nguy cơ bị lệ thuộc, lấn át về văn hóa khi các yếu tố văn hóa ngoại lai đang du nhập ào ạt, ảnh hưởng lớn trong xã hội, nhất là thanh thiếu niên… Thực tế cho thấy văn hóa chưa theo kịp nhịp độ tăng trưởng, chưa phát triển tương xứng với yêu cầu đề ra. Tổng Bí thư yêu cầu, cần nhìn nhận, phân tích, lý giải một cách nghiêm túc, thấu đáo để có biện pháp khắc phục tốt hơn trong thời gian tới.
Về phương hướng, nhiệm vụ, Tổng Bí thư yêu cầu Ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", cùng các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về văn học - nghệ thuật; về phát triển thể dục, thể thao; về xây dụng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Đặc biệt, phải coi trọng khâu thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý của Ngành, trong đó vấn đề quan trọng nhất là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng và phát triển văn hóa. Đây là vấn đề trọng tâm cần quan tâm, đòi hỏi các ngành, các cấp phải cùng vào cuộc để đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, cần nhận thức sâu sắc việc phát triển văn hóa, thể thao và du lịch nhằm mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam về cả nhân cách, trí tuệ và thể lực. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển của đất nước, văn hóa phải đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, môi trường. Văn hóa là một trong bốn trụ cột để phát triển bền vững đất nước.
Ngoài ra, cần quan tâm và nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và tầm nhìn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa ở các cấp. Đây là vấn đề khó, cần có chiến lược và lộ trình thích hợp. Đồng thời, có quy hoạch, kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ chuẩn bị cho lâu dài một cách căn cơ, bài bản; từ đào tạo, bồi dưỡng đến quản lý, sử dụng; đặc biệt coi trọng đào tạo, bồi dưỡng về nhân cách, phẩm chất đạo đức và nghề nghiệp. Phải thực hiện tốt chính sách đãi ngộ đối với các tài năng văn hóa, các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên, huấn luyện viên; chính sách ưu đãi, thu hút tài năng cho các lĩnh vực hoạt dộng của Ngành ngay từ khâu đào tạo; có cơ chế khuyến khích, trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân có nhiều cống hiến cho đất nước.
Trong điều kiện đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, cần phải chủ động, sáng tạo hơn nữa trong việc thu hút, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư cho hoạt động này. Tránh lãng phí đầu tư cho những công trình văn hóa, sự kiện văn hóa mang nặng tính hình thức, không được xã hội đồng thuận.
Cùng với nhiệm vụ phát triển văn hóa trong nước, các hoạt động văn hóa đối ngoại phải hướng vào việc xây dựng, giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới.
Tổng Bí thư lưu ý, Ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải phối hợp tốt hơn nữa với các ngành, địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, ráo riết, quyết liệt, để đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
Làm tốt công tác xây dựng đơn vị, chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nội bộ đoàn kết, nhất trí. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ngành cần thường xuyên nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức, nhân cách, gương mẫu, đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện lối sống văn hóa.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác thăm, làm việc với Ban cán sự Đảng và cán bộ chủ chốt của Bộ VHTTDL là một sự kiện quan trọng sau gần 70 năm Ngành văn hóa, thể thao và du lịch được hình thành và phát triển. Sự kiện này là động lực, mở ra bước phát triển mới đối với Ngành văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam.
Thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ VHTTDL, Bộ trưởng đã báo cáo tóm tắt những kết quả mà Ngành đạt được trong giai đoạn 2011-2015, toàn Ngành đã có nhiều nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, góp phần ngăn chặn những biểu hiện xuống cấp về văn hóa, suy thóai về tư tưởng, đạo đức xã hội, đạo đức học đường, đạo đức trong gia đình.
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong cả nước ngày càng được nâng cao về chất lượng, kết hợp với quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại và kêu gọi đầu tư. Cả nước hiện có 130 đơn vị nghệ thuật công lập với hơn 5.000 nghệ sỹ, trên 300 doanh nghiệp tư nhân có chức năng sản xuất phim, trên 250 phòng chiếu phim, gần 300 đội chiếu phim lưu động, phục vụ hơn 20 triệu lượt người xem, hoạt động triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh có sự tăng lên về quy mô và chất lượng.
Đến nay, đã có 102 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT; 458 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT; có 226 Nghệ sĩ Nhân dân; 1.935 Nghệ sĩ Ưu tú.
Các cơ sở đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự phát triển của Ngành. Hiện cả nước có 446 cơ sở đào tạo văn hóa, thể thao và du lịch, và khoảng 1000 trung tâm dạy nghề, câu lạc bộ... với quy mô đào tạo hơn 80 nghìn học sinh, sinh viên.
Công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần cung cấp lý luận và thực tiễn vào việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển ngành. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã đạt được kết quả quan trọng, cả nước hiện có 20 di sản thế giới, 48 di tích quốc gia đặc biệt, 67 bảo vật quốc gia, 3.211 di tích quốc gia, 69 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 145 bảo tàng lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu hiện vật.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chuyển biến tích cực, nhiều gương điển hình tiêu biểu được tôn vinh. Hết năm 2013, cả nước có 17.776.262/21.246.844 gia đình văn hóa; nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình có bước chuyển biến quan trọng và sự phối hợp liên ngành trong công tác gia đình bước đầu đạt kết quả tốt.
Toàn Ngành đã tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, tăng cường xúc tiến quảng bá, phấn đấu đến năm 2020, du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong 9 tháng năm 2014 lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 6 triệu lượt, tăng hơn 10%; khách du lịch nội địa đạt trên 32 triệu lượt, tăng 7,6%; tổng thu từ du lịch đạt 179 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2013, tạo ra gần 2 triệu việc làm, chiếm 3,6% tổng số lao động toàn quốc.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển rộng rãi, cả nước có 27,2% dân số, 18,6% tổng số hộ gia đình luyện tập thể dục thể thao thường xuyên; thể thao thành tích cao có nhiều chuyển biến tích cực, thành tích ở một số môn thể thao Olympic được nâng cao, kết quả thi đấu các mônt hể thao trọng điểm, có thế mạnh tại các kỳ Đại hội thể thao và các giải thể thao cấp khu vực…
Nhằm đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Bộ VHTTDL kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch đã được ghi trong các văn bản, nghị quyết của Đảng; quán triệt, cụ thể hóa nội các nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết số 33-NQ/TW thành các nội dung, nhiệm vụ cụ thể trong nghị quyết Đại hội Đảng các cấp “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, thực sự trở thành mục tiêu của sự phát triển; tăng tỷ trọng đầu tư cho văn hóa, thể thao tương ứng với tăng trưởng kinh tế, đầu tư cho giáo dục thể chất trong trường học, cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; xây dựng hạ tầng thể dục thể thao theo Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự đều nhất trí với nội dung báo cáo tóm tắt do Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh trình bày, đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện lệch lạc, chống suy thóai đạo đức lối sống, đặc biệt trong giới trẻ, cần tránh hình thức, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Đinh Thế Huynh, việc tổng kết sâu rộng, toàn diện, cầu thị kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Ngành văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện đã góp phần giúp nhìn lại những kết quả đạt được, thực trạng còn hạn chế và nguyên nhân... Từ đó có căn cứ, cơ sở tham mưu để Bộ Chính trị, Trung ương ra nghị quyết mới về phát triển văn hóa với tinh thần lớn nhất, trọng tâm cốt lõi của văn hóa là xây dựng con người, tạo môi trường văn hóa lành mạnh.
Trong giai đoạn sắp tới, nhu cầu phát triển của đất nước đặt ra yêu cầu cao hơn đối với công tác quản lý Nhà nước về văn hóa; tạo dựng cơ chế sử dụng hiệu quả các công trình, thiết chế văn hóa; xây dựng đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa có uy tín, am hiểu sâu sắc; thu hút nguồn lực, sự quan tâm của cả xã hội vào lĩnh vực văn hóa thể thao…
Theo Phó Thủ tướng - Vũ Đức Đam, bên cạnh việc gìn giữ, phát huy, quảng bá những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, thì cần khắc phục kịp thời những bất cập hạn chế, nguy cơ mai một bản sắc, đồng thời sáng tạo những giá trị mới bồi đắp vào truyền thống văn hóa dân tộc.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải có những giải pháp toàn diện, đồng bộ, để tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong lĩnh vực VHTTDL như: Thể chế hóa, xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể cho đội ngũ hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao; tăng cường công tác nghiên cứu về văn hóa; khai thác tốt hệ thống cơ sở vật chất; phát động các phong trào văn hóa, thể dục thể thao sâu rộng trong toàn xã hội.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, đặc biệt là các vấn đề về nhận thức, thể chế hóa, công tác cán bộ, huy động nguồn lực, trú trọng xã hội hóa, phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra, văn hóa đối ngoại, xây dựng tốt tổ chức nội bộ… Tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức và người lao động Ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ cố gắng, tận tuỵ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao; đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, đồng tâm, hiệp lực, để tiếp tục đưa công tác VHTTDL có những bước phát triển mới, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)