Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Quốc Hưng cho biết: Trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng đồng bằng sông Cửu Long là một khu vực trọng điểm phát triển du lịch của cả nước, trong đó 3 địa phương Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu chiến lược đã đề ra cho vùng. Chính vì vậy, đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn là mối quan tâm và là một trong những nội dung quan trọng trong công tác chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và của TCDL.
Trong thời gian qua, hợp tác giữa ba tỉnh Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ trên 5 lĩnh vực hoạt động chủ yếu gồm: trao đổi thông tin và kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch; quy hoạch, kế hoạch, phát triển sản phẩm du lịch; xúc tiến, quảng bá và đầu tư phát triển du lịch; bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch và tạo ra một sự kiện du lịch chung. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực mà chương trình hợp tác này mang lại thì vẫn còn tồn tại những khó khăn trong quá trình thực hiện khiến cho kết quả thu được còn nhiều hạn chế, chưa phản ánh đúng tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh.
Tại phiên họp, bà Mary McKeon, Trưởng nhóm Tư vấn của Dự án EU đã cho biết cụ thể hơn về Tổ chức Quản lý điểm đến đa thành phần với ví dụ điển hình từ mô hình tổ chức Quản lý điểm đến tại 3 tỉnh duyên hải miền Trung (Huế, Hội An, Đà Nẵng). Mô hình hợp tác liên kết phát triển du lịch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long là mô hình thứ ba nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án EU.
Giám đốc Dự án EU Vũ Quốc Trí cho biết: từ nay tới cuối năm 2014, Dự án EU sẽ tiếp tục triển khai các khóa tập huấn về Du lịch có trách nhiệm, các khóa đào tạo theo tiêu chuẩn nghề VTOS, tập huấn cho cán bộ các Sở VHTTDL ba địa phương về quản lý chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, Dự án cũng sẽ tổ chức một chuyến tham quan học tập tại 3 tỉnh duyên hải miền Trung về kinh nghiệm tổ chức quản lý điểm đến.
Theo Dự án EU, để hợp tác thành công, Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động hỗ trợ của Dự án đối với 3 tỉnh trong năm 2015. Hơn nữa, 3 tỉnh cũng cần tăng cường tính chủ động và cam kết trong việc triển khai các hoạt động hợp tác; cần có sự tham gia của khu vực tư nhân vào cơ chế quản lý điểm đến thể hiện qua việc nâng cao vai trò của Hiệp hội Du lịch tại địa phương.
Kết thúc phiên họp, ba địa phương đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch, tạo cơ sở để khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của từng địa phương và thúc đẩy tăng trưởng du lịch của khu vực một cách bền vững. Thỏa thuận này tập trung vào 4 nội dung: hợp tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch địa phương, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch và hợp tác phát triển nhân lực du lịch.
Để có thể triển khai có hiệu quả các nội dung hợp tác nêu trên, Biên bản thỏa thuận cũng đánh dấu sự thành lập Ban Chỉ đạo hợp tác liên kết phát triển du lịch khu vực 3 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh. Đồng thời, Tổ thường trực và Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo du lịch cũng được thành lập theo Thỏa thuận này.
PV