Cứ cuối mùa mưa, tôi lại muốn trở lại Châu Giang, trở lại vùng đất linh thiêng nhưng chỉ để kiếm tìm những điều giản dị, kiểu như bàn tay thon dài người con gái Chăm chậm rãi kéo chiếc khăn trùm màu đen che kín đôi má hồng trong ánh nắng phương Nam, gặp những người đàn ông mặc váy có nước da đen sạm hay cúi đầu mỗi khi gặp người lạ…
Có đận nước về nhiều, dâng cao chừng 3m, cuối năm rồi mà chưa rút đi, nghe đài và ti vi cứ ra rả suốt ngày mùa lũ năm nay bất thường, rằng có thể do sự biến đổi khí hậu toàn cầu, và dòng sông mẹ Mê Kông đang bị đe dọa nghiêm trọng. Lúc ấy, ngồi cùng tôi ngay gần bến phà Châu Giang, sát bên bờ sông Hậu, trong căn nhà sàn gỗ tràm già bóng lẫy màu thời gian, ông Cả, người lớn tuổi, uy tín nhất ở làng Chăm Phước Thái cười hề hề bảo, chỉ những ai chưa từng đến Châu Giang, chưa đặt chân tới đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu mới gọi mùa nước nổi là nước… lũ. Mặc dù cùng là hiện tượng nước mưa tự nhiên phía thượng nguồn đổ về hạ lưu qua những dòng sông nhưng như một đặc ân của thượng đế từ ngàn năm qua, nước ở các dòng sông khác có thể là những cơn lũ cuốn đi tất cả thì nước ở vùng đồng đất châu thổ này lại hiền hòa, là nguồn sống, là cứu cánh bao đời. Vì thế, người dân mong chờ mùa nước nổi, một trong những mùa mưu sinh chính của người nghèo nơi đây với rất nhiều sản vật đặc trưng. Ngày nay, cuộc sống không còn phụ thuộc vào tự nhiên một cách thuần túy như xưa nhưng đối với người Chăm nói riêng, cư dân châu thổ nói chung, mùa nước nổi vẫn là mùa được mong chờ, dù có thể ruộng vườn, nhà cửa đều chìm trong mênh mông nước.
Hầu hết các căn nhà sàn gỗ ở Châu Giang đều có tuổi đời cả trăm năm. Thậm chí, nhiều căn nhà sàn có từ thuở sơ khai vùng đất này, cách đây hơn hai, ba trăm năm, khi những cư dân người Chăm đầu tiên đến đây lập nghiệp. Nếu ở những vùng đất khác, điều này có thể khá bình thường nhưng ở vùng đất mà mỗi năm có tới 4 - 5 tháng chìm trong nước nổi như Châu Giang thì việc những căn nhà này cứ tồn tại qua những mùa nước lại hết sức đặc biệt. Có lẽ đúng như ông Cả từng tâm sự, vì nguyên liệu làm nhà là gỗ tràm, loài cây mọc trong nước, có thể chìm trong nước cả năm không mục nên tuổi thọ nhà sàn của người Chăm mới lâu như vậy.
Có điều rất lạ lùng là mặc dù hầu hết những ngôi nhà gỗ đặc trưng của người Chăm đều rất đơn sơ, cấu trúc đơn giản, ít họa tiết trang trí mà hướng tới sự bền bỉ của công trình thì những thánh đường, kiến trúc công cộng của người Chăm, lại luôn được thiết kế rộng lớn, uy nghiêm và phảng phất những nét văn hóa của người Hồi giáo, tín ngưỡng mà những người Chăm đang thờ phụng. Tôi đã may mắn ghé qua hầu hết các thánh đường của người Chăm vùng Châu Giang. Các thánh đường với kiến trúc hình củ tỏi có chóp nhọn cao vút chĩa thẳng lên trời và bên trong là một căn thánh đường rộng mênh mông để tất cả đàn ông người Chăm có thể hành lễ.
Tôi không có nhiều người quen ở Châu Giang nhưng lại giữ rất nhiều hình ảnh về con người, mảnh đất nơi này, đặc biệt là những đứa trẻ cả nam lẫn nữ đều mặc váy, những người già hay cởi trần để râu dài luôn đội khăn thêu kiểu ca-rô màu đen trắng trùm ngang lưng, những phụ nữ vạch trần ngực cho con bú còn vẫy tay chào khách cho tới những cô gái Chăm mắt lúc nào cũng thăm thẳm buồn mà miệng thì như đang hát. Những điệu hát vừa xa lạ, vừa thân quen trôi trôi trên dòng sông Hậu ngoài kia.
Có lần, cũng mùa mưa, trời đã chiều nhưng tôi vẫn mải miết chạy từ phía làng Chăm ở Châu Phong ngược theo sông Hậu, lên mấy làng Chăm khác ở Quốc Thái, Khánh Hòa, Nhơn Hội sát biên giới hơn, nằm bên rìa hồ Nước Trời rộng lớn chỉ để xem cuộc sống cuối ngày của những cư dân người Chăm. Ở đó, khi hoàng hôn le lói những tia nắng cuối cùng trong ngày cũng là lúc những chàng trai người Chăm vội vã về nhà sau một ngày thả lưới, những phụ nữ Chăm buông khung dệt để nấu những món ăn đậm đà luôn có màu vàng óng nhưng cay xè cho gia đình trong bữa tối. Dường như, cái yên bình và nhẹ nhàng chính là điều làm nên cuộc sống của người Chăm bao năm qua, dù ngày nay, rất nhiều thứ đã thay đổi ở vùng đất này.
Có điều thật lạ, tuy chung sống trên vùng đất tồn tại nhiều sắc màu văn hóa, nhiều tín ngưỡng, nhiều dân tộc như vùng thượng nguồn Châu Giang này, nhưng nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của người Chăm vẫn không hề bị mai một. Nghĩa là sau mấy trăm năm, cộng đồng người Chăm, một cộng đồng vừa cởi mở, vừa khép kín với những quy định khắt khe của giới luật luôn giữ được gần như nguyên vẹn những gì cha ông để lại… Và chính điều đó đã làm nên sức hút cho vùng đất này.
Đoàn Đại Trí