Ấy là dòng Đà giang ngạo nghễ “độc Bắc lưu” còn nguyên trong lời cổ ngữ của vùng đất này:
Đường lên Mường Lễ bao xa
Trăm bảy mươi thác, trăm ba mười ghềnh
Sau này, khi người Pháp mở núi, xẻ con đường vòng ruột gà đưa những chuyến xe ngựa vượt ra khỏi võng núi Sơn La, con đường huyết mạch huyền thoại ấy lại trở thành một chứng nhân tin cậy. Tựa như một dòng sông trên cạn, nó đã góp phần sinh thành ra những chiến binh anh hùng, những nhà văn và đặc biệt là những đặc sắc văn hóa hiếm có không thể nào quên.
Giờ đây khi du khách ngược quốc lộ 6 lên Tây Bắc, chỉ còn cảm nhận được mặt đường mịn màng dưới bánh xe và bị hút mắt với những khúc cua, những thung lũng xanh mướt ngô, lúa dưới nắng vàng, mù mịt sương mù mỗi độ giá rét. Nhưng, không vì thế mà ta quên được đã từng có một khúc đường 6 cũ nằm dưới chân con dốc Cun, con dốc đầu tiên nâng bổng cốt đường, từng là nơi anh hùng Cù Chính Lan quả cảm với trái thủ pháo tiêu diệt xe tăng địch. Cảnh vật Giang Mỗ (Bình Thanh - Hòa Bình) vẫn còn nguyên sơ với những ruộng vườn hiền hòa bên con suối nhỏ. Nơi đây từng một thời vang tiếng hổ gầm mỗi chiều, từng lốc cốc tiếng người ngựa mỗi sớm từ các bản Mường, Dao trong sương mù mịt.
Ngược con đường ấy, trực chỉ hướng Tây, ta lại đứng trước sự lựa chọn giữa hai nẻo về đầy quyến rũ. Ngả sang trái, là đất Mường Động xưa. cứ thế ngược dòng Bôi rồi ra đến cửa biển. Còn nếu muốn quả quyết với hướng đi đã chọn, là lên đất Mường Bi, Vang mời gọi và hun hút Tây Bắc theo những dặm dài cột cây số. Cái ngã ba ấy cũng chính là cửa ngõ vào đất Mường cổ.
Cũng như các dòng sông sinh hạ nên những xóm làng, con đường cổ đã tạo nên một kỳ tích văn hóa. Ấy là khi một bản Thái đã tự đứng riêng ra thành một kiến trúc phố chợ nức tiếng cả vùng. Bản Lác đã có tuổi đời trên 700 năm cứ bình dị mà trường tồn bằng thanh âm lách cách của thoi dệt, của tiếng người bán hàng thổ cẩm nhỏ nhẹ giới thiệu từng nét hoa văn dưới gầm sàn. Đêm đến, trong ngôi nhà sàn ấm cúng ấy là miên man những điệu xòe Thái. Bản du lịch mà tự nhiên như cuộc sống, những kỷ vật lưu niệm theo du khách đi khắp nơi bằng sự đam mê thêu hoa, dệt vải, bằng điệu múa đắm say.
Con đường không chỉ là nơi thông thương, là cái cớ rất hữu ý để mời gọi khách du lịch mà còn là lối đi vào những chiều sâu văn hóa, tìm thấy những sự giao thoa đáng chú ý. Đã lên Tây Bắc, phải lên đến Châu Mộc (Mộc Châu), Châu Thuận (Thuận Châu), Mường Lay (Sơn La)… để đêm về bên bếp nhà sàn được nghe kể về Chương Han, nghe đọc những thi phẩm Nhớ vợ, Em tắm, Cầu vào bản… vang bóng một thời.
Khi đã lên tới tận cùng con đường 6 cổ xưa, chợt thấy Tây Bắc vẫn còn e ấp như cô gái Thái trong vạt khăn piêu. Những giá trị văn hóa đọng lại trên con đường ngót trăm năm tuổi là những gì đã phôi phai theo thời gian, là những gì còn sót lại. Nhưng có lẽ, chỉ khi đặt chân trên con đường ấy, ngắm những thung lũng ngô xanh phớt, đồi chè xanh thẳm, lắng nghe lốc cốc tiếng mõ trâu chiều mới giật mình tự hỏi sao ta có thể lãng quên một điểm đến hấp dẫn như thế.
Bùi Việt Phương
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)