Tham dự hội thảo có sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, các đại biểu đại diện cho UBND TP. Hồ Chí Minh, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và các chuyên gia nghiên cứu du lịch…
Hội thảo đã đi sâu vào việc đánh giá, phân tích các vấn đề về lý luận và thực tiễn của ngành Du lịch Việt Nam trong bối cảnh hiện nay qua 6 phiên thảo luận, với 28 tham luận báo cáo xoay quanh các nội dung chính như: Toàn cầu hóa - Địa phương hóa du lịch - Những vấn đề lý luận; Toàn cầu hóa - Địa phương hóa du lịch và Du lịch Việt Nam; Toàn cầu hóa - Địa phương hóa trong hoạt động lữ hành (khu vực Nam Bộ); Toàn cầu hóa - Địa phương hóa du lịch trong hoạt động lữ hành (khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ); Toàn cầu hóa - Địa phương hóa du lịch và hoạt động nhà hàng - khách sạn; Toàn cầu hóa - Địa phương hóa du lịch và đào tạo nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao sáng kiến và những nỗ lực hợp tác chung của Trường Đại học Lille 3 (Pháp) và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn trong việc tổ chức hội thảo khoa học quốc tế quan trọng này. Những ý tưởng, những sáng kiến tại hội thảo lần này sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hợp tác du lịch trong và ngoài khu vực, sớm đưa mục tiêu chung trở thành hiện thực, để du lịch thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực quan tâm chỉ đạo ngành Du lịch phát huy tối đa những tiềm năng con người và thiên nhiên, lợi thế về biển đảo, các thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch.
Du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây và đang từng bước hướng đến một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động từ đô thị đến nông thôn, từ vùng ven biển, hải đảo đến vùng núi rừng cao nguyên. Sự phát triển du lịch góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho các tầng lớp dân cư trong xã hội. Để du lịch góp phần cải thiện cuộc sống, cần có sự cam kết và hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ các nước. Với sự đồng lòng hiệp lực và đẩy mạnh hợp tác xây dựng phát triển sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn, hỗ trợ nhau trong công tác tuyên truyền quảng bá thu hút du khách, cùng quan tâm đến vấn đề xóa đói giảm nghèo, tích cực đẩy mạnh xã hội hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, thu hút rộng rãi sự tham gia của cộng đồng để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo sức hấp dẫn du lịch cho từng vùng miền, từng tiểu khu vực, huy động sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế…
Tại phiên bế mạc hội thảo, Trường Saigonact và Trường Đại học Lille 3 (Pháp) cũng đã tiến hành ký kết Bản ghi nhớ với các trường đại học châu Âu để ra thông báo chuẩn bị cho một hội thảo quốc tế về du lịch mà theo dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2017.
Tin và ảnh: Thu Hương