(VTR) - Ngày 3/3/2015, tại Hà Nội, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chương trình “Cùng hành động tạo sự thay đổi”, nhằm hình thành một liên minh hành động chấm dứt các hoạt động buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là sừng tê giác.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1995-2015) Hoa Kỳ và Việt Nam; nhằm tạo sự thay đổi là nâng cao nhận thức cho công chúng, làm giảm nhu cầu mua bán các sản phẩm từ động vật hoang dã; đồng thời cải thiện quan hệ song phương về an ninh môi trường. Chương trình “Cùng hành động tạo sự thay đổi” sẽ được thực hiện trên cơ sở sự phối hợp của các cơ quan chính phủ và phi chính phủ, gồm phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, khối doanh nghiệp tư nhân và các nhóm cộng đồng, thanh niên…
Phát biểu tại chương trình, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius nhấn mạnh: Sự bùng nổ của nạn buôn bán động vật hoang dã gần đây đang đe dọa đến sự sinh tồn của nhiều loài động vật quý hiếm, nhất là tê giác ở châu Phi. Hơn thế, việc vận chuyển động vật bất hợp pháp trên thế giới cũng tương tự với các hoạt động tội phạm khác như buôn người, vũ khí, ma túy qua biên giới, đồng thời tạo điều kiện cho các hoạt động khủng bố phát triển.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, để có thể bảo vệ được các loài hoang dã, bảo vệ môi trường; Việt Nam đã xây dựng mạng lưới Thực thi Luật động vật hoang dã (WEN) cùng với các hoạt động nâng cao nhận thức, nhằm ngăn chặn với vấn nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trong quốc gia cũng như qua biên giới, khu vực.
Các nhà quản lý và nhà khoa học tham dự chương trình cho rằng, nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã cần được ngăn chặn bằng nhiều biện pháp và trên nhiều phương diện khác nhau, tập trung vào hoàn thiện hệ thống luật pháp, tăng cường năng lực thực thi pháp luật. Cần tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ hoạt động bảo tồn động vật hoang dã; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và đảm bảo cuộc sống của cộng đồng dân cư tại các khu vực có động vật hoang dã sinh sống.
PV