Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thái Nguyên Lê Ngọc Linh đã chia sẻ một cách tổng quát các tài nguyên thiên nhiên, văn hóa thể hiện nguồn lực, tiềm năng quan trọng phát triển bền vững du lịch tỉnh Thái Nguyên. Ông Lê Ngọc Linh cũng chia sẻ các dòng sản phẩm chính Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng, khai thác trong những năm gần đây: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thái Nguyên đồng thời khẳng định phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên.
Nhằm làm sâu sắc, hiệu quả nội dung trao đổi tại buổi Tọa đàm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thái Nguyên gợi ý việc trao đổi, thảo luận tập trung vào giải pháp làm thế nào để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn bền vững, chuyên nghiệp, có chiều sâu, tạo được sức bật cho du lịch nông thôn Thái Nguyên, đặc biệt là khu vực suối Kẹm, suối Mỏ Gà; làm thế nào để kích cầu, quảng bá hiệu quả hơn nữa hình ảnh du lịch Thái Nguyên an toàn - thân thiện - hấp dẫn; chia sẻ giải pháp và hoạt động phối hợp. Ông Lê Ngọc Linh nhấn mạnh: “Sở VHTTDL Thái Nguyên mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm, các ý kiến đóng góp, sáng kiến, gợi ý của các các chuyên gia, các cơ quan thông tấn báo chí, doanh nghiệp lữ hành nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn mới”.
Tại buổi Tọa đàm, các ý kiến cho rằng Du lịch Thái Nguyên có nhiều tiềm năng, người Thái Nguyên thân thiện, tuy nhiên lại chưa làm tốt công tác quy hoạch. Các ý kiến cũng cho rằng Thái Nguyên cần có chiên lược bền vững, phát triển theo không gian xanh. Đặc biệt là đối với công tác phát triển du lịch nông thôn tại Đại Từ và Võ Nhai, cần xây dựng các mô hình, phát triển nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng dịch vụ, sản phẩm; phát huy lợi thế địa phương trong xây dựng sản phẩm, hạ tầng, vận động bà con trong giữ vệ sinh môi trường. Đáng chú ý, Giám đốc AZA Travel cho rằng, các hoạt động trải nghiệm văn hóa cho du khách Đại Từ và Võ Nhai còn khá khiên cưỡng, khiên du khách có cảm giác phô diễn hơn là trải nghiệm; việc xây dựng, thiết kế các home-stay chưa hợp lý. “Khoảng cách Thái Nguyên – Hà Nội khá gần, thích hợp cho các chương trình du lịch cuối tuần với thời lượng 2 ngày 1 đêm. Có thể nhấn mạnh truyền thông vào trọng điểm “chè Thái – gái Thái”; tổ chức cuộc thi Người đẹp xứ trà định kỳ hàng năm và người đẹp phải làm đại diện hình ảnh thương hiệu trong các hoạt động đón tiếp đoàn khảo sát, truyền thông” – ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.
Trước đó, trong 2 ngày 22-23/9, Sở VHTTDL Thái Nguyên đã tổ chức đoàn các doanh nghiệp, báo chí đến khảo sát du lịch nông nghiệp, nông thôn tại địa phương. Theo đó, đoàn đã khảo sát vùng chè Tân Cương tại TP. Thái Nguyên; suối Mỏ Gà, trải nghiệm văn hóa truyền thống người Tày, tham quan mô hình nghề thủ công và home-stay ở huyện Võ Nhai. Ngoài ra đoàn cũng tham quan vùng chè La Bằng, mô hình trồng bưởi hữu cơ, khám phá suối Kẹm, trải nghiệm home-stay ở huyện Đại Từ.
Kết luận buổi Tọa đàm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thái Nguyên Lê Ngọc Linh tiếp thu các ý kiến chia sẻ, góp ý của các doanh nghiệp, cơ quan báo chí. Phó Giám đốc Lê Ngọc Linh đồng thời bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, mở rộng, kết nối, đồng hành cùng Thái Nguyên trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thời gian tới.
Gia Khôi