Sân khấu “Tinh hoa Bắc Bộ” nằm ngay dưới chân núi Thầy trên mặt hồ nước rộng 4.300m2, với phông nền phía sau hài hòa phong cảnh núi non, đồng lúa, làng quê của Sài Sơn. Những liền anh, liền chị quan họ, những cô bác thôn quê trong chiếc áo nâu dân dã chúng tôi bắt gặp bên những quán xá xinh xắn giữa những bụi chuối, mái tranh bán bánh giò, bánh nếp, kẹo dồi, kẹo lạc, xôi gói lá sen lá chuối thơm nồng… ở chợ quê ngoài kia, giờ trở thành những diễn viên trên sân khấu thực cảnh. Qua những âm thanh, ánh sáng hiện đại lung linh trên mặt nước, hơn 200 diễn viên - phần lớn là những người nông dân bản địa bước lên sân khấu kể về chính cuộc đời mình.
Lấy ý tưởng từ cốt truyện về thiền sư Từ Đạo Hạnh, đạo diễn Hoàng Nhật Nam dần dẫn dắt du khách bước vào thiên nhiên, đời sống tinh thần phong phú của người dân đất Việt trong “Tinh hoa Bắc Bộ” qua 6 phần nội dung: “Thi ca”, “Cõi Phật”, “Hoài cổ”, “Nhạc họa”, “An vui” và “Ngày hội”. Mỗi phần thể hiện văn hóa, tín ngưỡng, tinh thần của người Việt trong lao động, học vấn, tri thức, hội làng cùng các lĩnh vực nghệ thuật như điêu khắc, kiến trúc, mang tới cảm nhận đa dạng nhưng gần gũi cho khán giả. Mất 10 năm dàn dựng, “Tinh hoa Bắc Bộ” tái hiện những hoạt động thường ngày của người dân vùng châu thổ sông Hồng theo phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên yếu tố dân gian, ấp ủ quảng bá những nét văn hóa tinh túy của miền Bắc bằng ngôn ngữ nghệ thuật.
Điểm ấn tượng của sân khấu là một thủy đình nổi lên từ dưới mặt nước, bắt đầu phân đoạn kể chuyện sự xuất hiện của thiền sư nổi tiếng Từ Đạo Hạnh trong những lời ca điệu nhạc dân gian. Những bông sen vàng nở rộ lấp lánh dưới nước, những người nghệ nhân gắn rối nước trên vai bước đi nhịp nhàng. Câu chuyện về nghệ thuật múa rối nước bắt đầu bằng những động tác, ánh sáng và sắp đặt ngoạn mục trên mặt nước… thu hút được những tiếng trầm trồ thán phục của đông đảo khán giả. Hình ảnh 4 cô tố nữ bước ra từ trong tranh mở đầu phần 4 “Nhạc họa” với 4 loại nhạc cụ truyền thống sáo, đàn tỳ bà, đàn nhị và đàn nguyệt… trong hiệu ứng 3D đan xen khắc họa những tinh túy của làng nghề tranh dân gian Bắc Bộ tạo yếu tố bất ngờ cho du khách.
Trên hồ, từng bối cảnh cứ lần lượt hiện ra với âm thanh côn trùng, tiếng gà gáy trong trẻo, tiếng hò, tiếng khua mái chèo trên mặt nước. Yếu tố thời tiết Bắc Bộ cùng những cơn mưa, tiếng ve kêu mùa hè hay chiếc áo mưa được đan từ rơm cũng được đưa vào sân khấu một cách chân thực. Người dân quăng lưới bắt cá, những cô thôn nữ mặc áo yếm tát nước đầu đình, những chàng trai gặt lúa xay thóc, trai gái đối đáp, gõ mạn thuyền, trẻ con thi nhau vè, sĩ tử bưng lều chõng đi thi tú tài và được lên kinh đô diện kiến nhà vua… Những chiếc xe đạp chở đầy đó đan sáng lấp lánh như bầy đom đóm vàng rực, luồn giữa không gian đông đảo khán giả tạo sự cảm nhận chân thực nhất. Khung cảnh càng như lung linh hơn dưới ánh trăng tỏa sáng soi rõ chân trời xa xa những vạt mây trắng ẩn hiện phía trên những hàng cây vách núi mờ ảo trong đêm.
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi nhận ra những người nông dân có thể làm được mọi thứ. Họ không phải là diễn viên chuyên nghiệp nhưng khi luyện tập hàng ngày, đặc biệt là khi có khán giả tới xem, ánh sáng âm thanh nổi lên, họ nhập vai thật tự nhiên". Chính những tràng vỗ tay không ngớt, nụ cười thân thiện của những du khách trong nước và quốc tế đến xem vở diễn ngày một tăng lên đã trở thành sự cổ vũ, động lực cho những diễn viên bản địa vốn là những người nông dân ngày một tự tin, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đến với vở diễn với niềm đam mê và niềm vui lan tỏa văn hóa cộng đồng.
“Tinh hoa Bắc Bộ” từng bước chạm đến trái tim của người xem khi mang lại cảm giác bình yên trở về thuở ấu thơ cho những người sinh sống và làm việc ở đô thị qua lời ru con Bắc Bộ hay những điệu vè của trẻ em “Nu na nu nống”, “Dung dăng dung dẻ”… hay khi hòa mình vào tín ngưỡng đạo Mẫu, cuộc sống của những người nông dân, trực tiếp hòa cùng những diễn viên nông dân trong không gian lễ hội, nhảy sạp rộn ràng… Thêm vào đó là những làn điệu dân ca quan họ mượt mà của “Mười nhớ” hay “Người ơi người ở đừng về” cùng những cái vẫy tay lưu luyến…
“Khát khao chạm đến trái tim” không chỉ là tên của video được gửi tham dự giải thưởng Stevie châu Á - Thái Bình Dương năm 2018 như một lát cắt hấp dẫn về vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”, mà đó cũng chính là lời mong mỏi muốn đưa vở diễn thực cảnh đậm đà bản sắc Việt này ngày càng đi vào lòng người, là cầu nối để du khách thêm yêu văn hóa Việt, trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế khi đến với thủ đô.
Bài viết giới thiệu về show thực cảnh của hai tác giả Dan Tham và Kate Springer được đăng tải trên CNN (Mỹ) ngày 18/6/2018 đánh giá: “Bắt đầu đón khách từ cuối năm 2017 tại Hà Nội nhưng “Tinh hoa Bắc Bộ” đã tạo được ấn tượng của một chương trình nghệ thuật có những yếu tố để vươn tới tầm đẳng cấp thế giới. Mục tiêu chính của show là thể hiện lịch sử, văn hóa, di sản của vùng đất Bắc Bộ - miền đất nông nghiệp phía Bắc Việt Nam.” |
Vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam “Tinh hoa Bắc Bộ” vừa được vinh danh tại giải thưởng Stevie châu Á - Thái Bình Dương năm 2018, với giải Vàng ở hạng mục “Đổi mới trong Truyền thông, Truyền thông thị giác và Giải trí trực quan” (Award for Innovation in Media, Visual Communications & Entertainment). |
Hoa Trang
(Tạp chí Du lịch tháng 8/2018)