Tìm kiếm cung đường
Bản đồ trực tuyến ở Việt Nam đã là sân chơi mặc định của Google Maps, Apple Maps và Here Maps bởi những bản đồ này được tích hợp trực tiếp ngay trong điện thoại thông minh phổ biến. Trước đây, VietBando, Diadiem hay VietMaps khá ấn tượng với khả năng tìm và chỉ dẫn đường ở những thành phố lớn, nhưng hiện tại dòng sản phẩm bản đồ Việt đang phải khó khăn để tìm chỗ đứng cho mình trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các sản phẩm quốc tế.
Các bản đồ trực tuyến của Việt Nam không thể chiếm ưu thế do dữ liệu cập nhật chưa nhanh và chưa chính xác. VietMap có khả năng dẫn đường tốt cho xe hơi nhưng dữ liệu còn thiếu và ít chi tiết do chậm cập nhật, một phần là do sản phẩm này chỉ được tích hợp trong các thiết bị chỉ đường. Dữ liệu bản đồ của VietBando và Diadiem được đặt ở trên các máy chủ có thể cập nhật liên tục, tuy nhiên khả năng tương tác với người dùng là chưa cao. Trong khi đó, các sản phẩm quốc tế bản đồ trực tuyến hiện nay có khả năng linh hoạt và tương tác với người dùng tốt. Google Maps được xem là phổ biến và dễ sử dụng nhất bởi có hình ảnh chi tiết. Apple Maps và Here Maps chưa có tính địa phương hóa cao như bản đồ của Google.
Xét về khả năng tương tác và dễ sử dụng thì bản đồ trực tuyến Google Maps có hình thức tìm kiếm đơn giản hơn rất nhiều khi không yêu cầu thông tin địa chỉ chính xác. Với tùy chọn khác nhau cho hình thức di chuyển (bao gồm cả đi bộ và phương tiện công cộng), các hướng dẫn điều hướng trên Google Maps là vượt trội so với nhiều đối thủ. Một điểm hạn chế của tất cả các bản đồ trực tuyến hiện nay là không hỗ trợ xe máy - phương tiện giao thông phổ biến nhất ở Việt Nam.
Không chỉ giúp du khách dễ dàng để tìm đường đi, phần lớn các bản đồ đều trang bị dịch vụ dựa trên địa điểm. Đây được xem như một trong những nguồn thu chủ yếu của dòng sản phẩm này. Người dùng có thể tìm thấy rất nhiều thông tin về nhiều doanh nghiệp khác nhau từ nhà hàng cho đến trạm xăng hay máy ATM...
Tìm kiếm khách sạn
Ứng dụng tìm phòng khách sạn là một phần của dịch vụ dựa trên địa điểm tương tự như tìm kiếm và đánh giá địa điểm ăn uống. Những người đi du lịch đã quá quen thuộc với AGODA, TripadVisor hay HotelsCombined. Các ứng dụng đặt phòng bên thứ 3 này đều ký hợp đồng trực tiếp với hàng loạt các khách sạn để người dùng luôn có thể đặt phòng với mức giá thấp nhất. Phần lớn các ứng dụng này tại Việt Nam phục vụ phần lớn cho khách nước ngoài. TripadVisor như một cuốn cẩm nang điện tử với kho dữ liệu, thông tin du lịch khổng lồ cho người đi du lịch. Du khách có thể đặt phòng, đăng ký chuyến bay, đặt bàn ăn tại rất nhiều thành phố nổi tiếng, nơi bạn chuẩn bị đặt chân tới. TripAdvisor còn giúp du khách tham khảo lời khuyên, ý kiến và số điểm đánh giá của các thành viên trên thế giới về dịch vụ hoặc khách sạn mà bạn có ý định sử dụng. Agoda.com đã đưa vào sử dụng phiên bản tiếng Việt từ năm 2010 và với hơn 3.000 khách sạn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Cuộc chơi của ứng dụng tìm kiếm khách sạn cũng có tính cạnh tranh cao khi các ứng dụng Việt cũng mang đến sức ép không hề nhỏ. Chudu24.com, iVIVU.com hay Vinabooking.vn là những cái tên đáng chú ý. Tuy nhiên, những khó khăn trong việc thanh toán là bài toán khó đối với các ứng dụng Việt.
Đối với việc đặt phòng trực tuyến thông qua các ứng dụng bên thứ 3 thì người dùng thận trọng trong việc thanh toán. Ví dụ như AGODA sẽ yêu cầu bạn thanh toán trước bằng thẻ tín dụng trước 3 ngày, nếu hủy đăng ký sẽ mất một số tiền nhất định. Các ứng dụng nước ngoài hiện tại chưa có đơn vị điều hành hay thiết lập văn phòng Việt Nam nên việc xử lý khiếu nại hay phương thức hoàn tiền khá mất thời gian.
Du khách cần kiểm tra chắc chắn giá của phòng khách sạn đã có bao gồm phí dịch vụ và thuế VAT hay chưa bởi phần lớn các ứng dụng đặt phòng trực tuyến tách riêng các khoản tiền này, làm khách hàng dễ lầm tưởng giá phòng trên mạng rẻ hơn, nhưng khi tính thêm các phụ phí thì trong một số thời điểm, mức giá cuối cùng có thể còn cao hơn cả việc đặt trực tiếp ở khách sạn.
PV