Đắk Lắk đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19
Nhằm khắc phục hậu quả của dịch bệnh Covid-19, đồng thời khắc phục sự suy giảm khách du lịch quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 3887/KH-UBND tổ chức Chương trình kích cầu du lịch khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, đến hết quý III/2020, tỉnh Đắk Lắk sẽ tích cực tham gia Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam năm 2020 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức với các nhiệm vụ cụ thể như: Tham gia Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam và tuyên truyền vận động doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động kích cầu du lịch Việt Nam; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng và vệ sinh để thu hút khách du lịch đến với địa phương; xây dựng, phát triển các sản phẩm mới, đặc thù và chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh để tạo sức hút, điểm nhấn riêng cho du lịch địa phương; liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành, hàng không và các đơn vị tham gia Chương trình kích cầu du lịch tại địa phương để thu hút khách du lịch.
Song song với đó, cho đến hết năm 2020, tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức nhiều hoạt động kích cầu du lịch tại địa phương như: Xây dựng hình ảnh Du lịch Đắk Lắk là điểm đến an toàn, tuân thủ đúng theo những tiêu chí an toàn khi phục vụ khách du lịch để tuyên truyền, quảng bá nhằm thúc đẩy nhu cầu khách du lịch đến du lịch tại Đắk Lắk; Thường xuyên thanh, kiểm tra việc đảm bảo chất lượng dịch vụ theo tiêu chí du lịch an toàn của Hiệp hội du lịch Việt Nam; Khuyến khích các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch (nhà hàng, lưu trú, vận chuyển, điểm đến, quán cà phê,...) thực hiện quy trình đảm bảo an toàn cho khách du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng các thị trường khách đa dạng và phong phú; Hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát, tuyên truyền quảng bá du lịch tại các thị trường tiềm năng, thị trường du lịch mới, thị trường không bị ảnh hưởng do dịch bệnh để phục vụ phát triển du lịch sau khi dịch được kiểm soát; Tập trung tuyên truyền, phổ biến về công tác, phòng chống dịch Covid-19, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý và nhân viên trong ngành du lịch.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn thực hiện chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp du lịch như: Xem xét giãn thuế, giảm thuế kịp thời cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đúng quy định của Luật Thuế và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế; Giảm lãi suất cho các dự án đầu tư cơ sở vật chất du lịch và phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp du lịch; Hỗ trợ nguồn lực để tập trung công tác quảng bá xúc tiến khôi phục thị trường trọng điểm...
Gia Lai chủ động kịch bản phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn
Thông tin trên báo Gia Lai điện tử cho biết, sau thời gian tạm ngừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch dự báo sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai đã có sự điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch du lịch năm 2020, chủ động một số kịch bản để sớm phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn này.
Cụ thể, dựa trên dự báo lượng khách đến từ nay đến cuối năm, ngành du lịch Gia Lai xác định hai phương án phục hồi du lịch sau đại dịch nhằm tái khởi động chương trình kích cầu, hướng vào thị trường khách nội địa, đó là tăng trưởng du lịch dự kiến trong trường hợp dịch bệnh kết thúc vào giữa tháng 5 hoặc dịch bệnh kết thúc trong tháng 6. Mục tiêu đặt ra là đón 760-845 ngàn lượt khách trong năm 2020 (giảm 10% hoặc tương đương năm 2019). Để đảm bảo mục tiêu này, ngành xúc tiến thực hiện chương trình du lịch giá rẻ cuối tuần như: khai thác các điểm đến tại trung tâm TP. Pleiku và những điểm có cự ly gần, kết hợp với tỉnh bạn Kon Tum; khai thác các điểm tham quan tại trung tâm TP. Pleiku và vùng lân cận (Biển Hồ, đồng chè và hàng thông trăm tuổi, chùa cổ Bửu Minh, Công viên Đồng Xanh, Khu du lịch sinh thái Hoàng Vân, chùa Minh Thành, Thủy điện Ia Ly, Khu du lịch thác Phú Cường, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG, núi lửa Chư Đang Ya-vết tích nhà thờ cổ).
Ngoài ra, du lịch giá rẻ chú trọng khai thác các điểm du lịch sinh thái, văn hóa vốn là thế mạnh của Gia Lai. Loại hình này hướng đến đối tượng trẻ, ưa thích mạo hiểm, khám phá, yêu thích thiên nhiên và văn hóa bản địa. Hiện tại, Gia Lai có các tour: leo núi Chư Nâm-núi Chư Đang Ya (huyện Chư Pah), khám phá Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Mang Yang, Kbang), du thuyền trên sông Sê San-thác Mơ (huyện Ia Grai), tìm hiểu văn hóa bản địa tại Làng kháng chiến Stơr, Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra (huyện Kbang), làng Kép (huyện Chư Pah)…
Trước mắt, để đảm bảo chất lượng chương trình giá rẻ, các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch giữ nguyên gói giảm giá cho tất cả các dịch vụ đã đăng ký trước đó. Dịch vụ khách sạn, nhà hàng, các tour nội tỉnh được giảm giá từ 10% đến 50% từ nay cho tới cuối năm 2020...
Lâm Đồng xây dựng kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025
Sở VHTTDL Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch 31/KH-VHTTDL về phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Theo nội dung Kế hoạch, quan điểm phát triển lĩnh vực du lịch được xác định: Phát triển du lịch theo hướng bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh; xây dựng Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, là điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng"; chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, hình thành các khu du lịch trọng điểm; đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các địa phương trong nước và quốc tế nhằm thu hút khách đến Lâm Đồng.
Mục tiêu cụ thể mà kế hoạch đặt ra, đó là: Tăng tỉ trọng ngành du lịch - dịch vụ trong GRDP toàn tỉnh đến năm 2025 đạt trên 37%. Tốc độ tăng trưởng khách lưu trú du lịch bình quân 9%/năm, trong đó khách quốc tế chiếm 10%. Ngày lưu trú bình quân đạt trên 2,4 ngày. Đến năm 2025: Số phòng lưu trú đạt chuẩn cao cấp từ 3-5 sao chiếm trên 20% trong tổng số phòng lưu trú toàn tỉnh. Thu hút khoảng 15.000 lao động trực tiếp, trong đó có 85% được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ.
Để đạt được các mục tiêu trên đây, các nhiệm vụ giải pháp được đưa ra gồm: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch phát triển của cả nước và tỉnh Lâm Đồng; Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị băn hóa đặc sắc của dân tộc, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; Tăng cường hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch thông qua các chương trình, đề án, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư
Đồng thời, ưu tiên phát triển du lịch thông minh; Tập trung khai thác thị trường khách du lịch nội địa, đặc biệt là các thị trường khách du lịch nội địa truyền thống của tỉnh; Tiếp tục tập trung thu hút khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường như các nước ASEAN, Đông Bắc Á, Đông Á..., mở rộng phát triển các thị trường tiềm năng; Tiếp tục phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh, đa dạng các phương thức liên kết hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước, ưu tiên hợp tác liên kết khu vực để phát triển sản phẩm, quảng bá điểm đến chung; quảng bá xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch...
Nguồn: toquoc.vn