Tiếp thị số thông qua hệ thống phân phối toàn cầu GDS: cơ hội nào cho doanh nghiệp Du lịch Việt Nam?
Theo ông Đinh Ngọc Đức Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch, những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trên thế giới, được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Năm 2018, Việt Nam đón 15.497.791 lượt khách, tăng 19,9% so với năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 7.295.548 lượt khách, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên, cấu phần khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không đồng đều giữa các khu vực. Du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường nguồn trong khu vực. “Một trong những lý do khiến Du lịch Việt Nam chưa thu hút được thị trường khách đa dạng, là việc triển khai tiếp thị số vẫn còn nhiều hạn chế”, ông Đức nói.
Dẫn chứng một số quốc gia trên thế giới ứng dụng thành công GDS trong tiếp thị điểm đến như Indonesia ứng dụng GDS trong chiến dịch “Wonderful Indonesia” với mục tiêu tăng 15 triệu du khách trong năm 2017; du lịch Macao ứng dụng GDS trong chiến dịch thay đổi nhận thức của du khách về Macao - từ điểm đến của các casino thành điểm đến của những trải nghiệm độc đáo về văn hóa & di sản…, ông Đức khẳng định, tiếp thị số nói chung và ứng dụng GDS nói riêng là xu hướng đang lan tỏa mạnh mẽ toàn cầu, Du lịch Việt Nam nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh không thể đứng ngoài xu hướng này.
“Đối với giải pháp GDS, chúng tôi kỳ vọng có thể ứng dụng nhằm nâng cao nhận thức của khách du lịch thông qua các nhà cung cấp dịch vụ về hình ảnh một Việt Nam mới, hiện đại, an toàn, thân thiện, hấp dẫn; điều hướng thị trường, kéo giãn khách tới các điểm đến mới, giảm tải cho các điểm đến đang có dấu hiệu quá tải; tiếp cận với các đại lý du lịch hàng đầu gửi khách tới Việt Nam tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng…”, ông Đức bày tỏ.
Giới thiệu về Travelport, ông Gary Harford, Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương Travelport cho biết, đến nay Travelport đã tiếp cận được trên 67.000 đại lý trên toàn thế giới, bao gồm các đại lý du lịch trực tuyến; 10 tỷ vé máy bay đã được đặt thông qua Travelport . “Có thể nói Travelport như một ‘google’của đại lý du lịch để thông qua đó đặt vé máy bay, khách sạn, thương mại điện tử”, ông Gary Harford nói.
Đại diện Công ty Galileo (khu vực Việt Nam - Lào - Campuchia) - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp hệ thống đặt chỗ và xuất vé toàn cầu nhận định, số doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ, khách sạn, hàng không… sử dụng tiếp thị số để quảng bá sản phẩm dịch vụ chưa có nhiều. Vì vậy, nhiều cơ hội tiếp thị quảng bá đã bị bỏ lỡ.
Theo đại diện Bamboo Airway, vấn đề đặt ra là chi phí cho GDS quá cao, nên doanh nghiệp phải cân nhắc sử dụng nguồn lực thế nào để mang lại hiệu quả. “FLC chỉ hoạt động trong phạm vi tập đoàn, không thuộc liên minh hàng không, nên mọi chi phí đều phải cân nhắc”, vị này nói.
Chia sẻ ý kiến này, đại diện VietjetAir cho rằng, GDS rất hiệu quả và ngày càng trở thành một phần tất yếu của cộng đồng doanh nghiệp, đại lý để kết nối sản phẩm của mình, không gian GDS còn rất rộng mở, tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm gì để kiểm soát được chi phí, tối đa hóa sử dụng nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Bà Anna Au –Yeung, Trưởng bộ phận Tiếp thị điểm đến toàn cầu Travelport cho biết, kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy Việt Nam có nhiều cơ hội, như chương trình dành cho du khách quá cảnh; khám phá những điểm đến nằm ngoài các thành phố cửa ngõ và du lịch nội địa; để thực hiện được các doanh nghiệp cần cung cấp thông tin và tăng cường quảng bá các hành trình mới; quảng bá các trải nghiệm khác nhau để khuyến khích tăng thời gian lưu trú tại điểm đến…
VH