Danh thắng Tây Thiên
Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, du khách đến Tây Thiên để hòa mình vào với thiên nhiên, tìm đến chốn linh thiêng của vùng đất du lịch tâm linh Tây Thiên – Tam Đảo để gửi gắm những ước nguyện về một cuộc sống an lành và hạnh phúc.

Tây Thiên - Tam Đảo (Vĩnh Phúc) không chỉ nổi tiếng bởi phong cảnh núi non hùng vĩ, khí hậu trong lành mát mẻ, mà còn có khu di tích danh thắng Tây Thiên với hệ thống đền thờ có từ hàng nghìn năm nay tại tỉnh Vĩnh Phúc được lập để tưởng nhớ công ơn của Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu. Ở Tây Thiên, tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo hòa quyện vào nhau, tạo thành một bầu không khí thanh tịnh, linh thiêng ít nơi nào có được. Du khách thập phương tới đây luôn tin rằng những nguyện ước của mình sẽ được chứng tâm và thành hiện thực.
Theo tục lệ hàng năm, lễ hội Tây Thiên được thể hiện qua lễ rước – lễ tế - lễ dâng hương vào ngày 15/2 âm lịch (chính là ngày giỗ của Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu) theo Ngọc phả thời Hùng Vương: Hùng Chiêu Vương thứ 7 lên núi Tam Đảo lập đàn cầu cho quốc thái dân an tại miền đất linh thiêng nhất đã gặp và kết duyên với cô sơn nữ Lăng Thị Tiêu – người con gái được sinh ra từ vùng đất Tây Thiên. Bà được sắc phong làm Hoàng phi, đã có công giúp vua mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn. Bà đã dạy dân trồng lúa, chăn tằm dệt vải trong buổi bình minh của dân tộc.
Trong lễ hội Tây Thiên, phần hội được tổ chức 3 ngày (15/2 đến 17/2 âm lịch), bao gồm các trò chơi, trò diễn của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ thời các Vua Hùng dựng nước, gắn với các làn điệu dân ca của người Việt và người dân tộc Sán Dìu định cư ở chân núi Tam Đảo; các môn thể thao truyền thống, hiện đại trong phong trào thể dục, thể thao ở Vĩnh Phúc. Một trong những điểm khác biệt với các lễ hội khác của lễ hội Tây Thiên chính là trang phục truyền thống của người dân tộc Sán Dìu.
Tại Tây Thiên - Tam Đảo còn có dấu tích Phật giáo từ rất sớm. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được xem là nơi khởi thủy của Phật giáo tại Việt Nam, có vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên, tọa lạc trên sườn núi cao, từ đây du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để thấy bao la rừng núi, đồng bằng. Đến với Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên du khách đều bị hút hồn bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ thú. Núi cao vút tận trời được phủ lên một lớp rừng già xanh thẫm với nhiều cây cổ thụ. Tại đây, du khách có thể leo núi, thả hồn trong không gian trong lành mát mẻ với những đồi thông cao vút, những vườn hoa đang nở rộ.
Với mục đích trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh, những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất trong khu di tích danh thắng Tây Thiên như bàn giao lần hai công trình Trung tâm Văn hóa Lễ hội Tây Thiên vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016 để kịp phục vụ cho Lễ hội Tây Thiên 2016 và tiếp tục bàn giao các hạng mục công trình còn lại vào năm 2016 để nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Nhờ đó, lượng du khách đến với Tây Thiên tăng cao so với các năm trước. Chỉ trong 2 tuần đầu năm, Tây Thiên đã đón hơn 250.000 lượt du khách.
Tháp Bình Sơn
Tháp Bình Sơn là một kiến trúc cổ được xây dựng từ thời Lý, Trần mà du khách không thể bỏ qua khi đến Vĩnh Phúc; nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh (chùa Then) được xây bằng gạch với độ lửa cao mà không cần vôi vữa. Tương truyền, tháp có 15 tầng, trên nóc tháp có một hình khối búp hoa sen chưa nở bằng đất nung tạo cho tháp một dáng vẻ thanh thoát. Hiện nay, tháp chỉ còn 11 tầng và 1 tầng bệ vì phần chóp đã bị vỡ với chiều cao 16,5m. Tháp cấu tạo hình vuông, nhỏ dần về phía ngọn với cạnh của tầng dưới cùng là 4,45m, cạnh tầng thứ 11 là 1,55m. Mặt ngoài ở các tầng tháp ốp gạch mịn mặt, màu vàng sậm, hoa văn trang trí và đường nét rất tinh xảo, hài hòa tạo thành khối kiến trúc hoàn hảo ở mọi góc độ. Trải qua nhiều thế kỷ, tháp đã bị nghiêng lệch và sụt lở một số chỗ và đã được trùng tu năm 1972, kiến trúc vẫn được bảo tồn như nó vốn có.
Theo dự kiến, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổ chức lễ đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt cho 2 di tích danh lam thắng cảnh Tây Thiên và di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn vào trung tuần tháng 3/2016.
Minh Tú
Tạp chí Du lịch