Danh lam thắng cảnh
Khu du lịch cù lao Thới Sơn
Khu du lịch cù lao Thới Sơn nằm ở hạ lưu sông Tiền, có diện tích khoảng 1.200ha, cách thành phố Mỹ Tho 20 phút đi thuyền. Toàn cù lao được phủ bởi màu xanh của những vườn cây ăn trái xum xuê, trĩu quả. Tham quan cù lao Thới Sơn, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị khi ngồi trên chiếc xuồng ba lá men theo kênh rạch quanh co, uốn lượn, hai bên phủ đầy cây bần, dừa nước và những vườn cây ăn trái nối tiếp nhau, hưởng thức trà mật ong, tìm hiểu cách làm kẹo dừa, tham quan khu trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ cây dừa. Đặc biệt, ai đã một lần đến với Khu du lịch cù lao Thới Sơn sẽ không thể quên giọng hát mượt mà theo từng cung bậc của những nghệ nhân đờn ca tài tử.
Làng cổ Đông Hòa Hiệp
Làng cổ Đông Hòa Hiệp thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè. Làng có 6 ấp, với hơn 3.000 hộ gia đình, sinh sống chủ yếu dựa vào những vườn cây ăn trái và các nghề thủ công truyền thống như: làng cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa... Các ngôi nhà cổ ở đây không nằm sát nhau giống như ở một số làng cổ khác mà nằm đan xen với những vườn cây ăn trái xum xuê, tạo nên vẻ đẹp thơ mộng cuốn hút du khách.
Khám phá vùng Đồng Tháp Mười
Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười bao gồm 100ha khu trung tâm và 1.800ha khu đệm, với hơn 70 loài thực vật và 83 loài động vật. Đến với vùng Đồng Tháp Mười, du khách sẽ được tham quan, khám phá những vùng rừng lau sậy ngập phèn, men theo các con rạch ngắm động vật hoang dã như: chim, cò, diệc, le le... Bên cạnh đó, du khách còn được tham quan vẻ đẹp hoang sơ của những cánh rừng tràm - địa danh đã đi vào lịch sử Việt Nam qua bao cuộc đấu tranh giữ nước của nhân dân chợ nổi Cái Bè.
Chợ nổi Cái Bè
Chợ nổi Cái Bè được hình thành từ thời nhà Nguyễn, là một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam Bộ, thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè. Thuở ban đầu, nơi đây được biết đến như trạm trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh miền Tây và miền Đông. Chợ đẹp nhất lúc trời vừa hừng sáng khi các khoang thuyền đầy ắp hàng hóa được bày bán với đủ mặt hàng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày. Điều đặc biệt ở chợ nổi Cái Bè là cách chào hàng ấn tượng của người bán hàng. Họ treo món hàng lên một cây sào (còn gọi là cây bẹo) để người mua dễ nhận biết. Chính những nét đặc trưng ấy đã làm cho chợ nổi Cái Bè thu hút rất đông khách du lịch.
Khu du lịch biển Tân Thành
Khu du lịch biển Tân Thành được xem như một điểm du lịch độc đáo, mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm tại vùng đất tưởng chừng chỉ có sông ngòi và kênh rạch. Bờ biển Tân Thành dài khoảng 7km, với làn nước tươi mát, trong xanh. Đến với Khu du lịch biển Tân Thành, du khách sẽ được thưởng thức những món hải sản tươi ngon của vùng biển này, đặc biệt là món nghêu Gò Công.
Trại rắn Đồng Tâm
Trại rắn Đồng Tâm nằm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho 8,5km, có diện tích 11ha. Đây là nơi nuôi rắn lấy nọc, kết hợp với trồng nhiều cây dược liệu và nghiên cứu điều trị rắn cắn cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến với trại rắn Đồng Tâm, du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều loại rắn khác nhau như: rắn ráo, rắn nước, hổ chúa, hổ mang, cạp nong, cạp nia… Đặc biệt, nơi đây có bảo tàng rắn duy nhất ở Việt Nam, trưng bày hơn 50 mẫu rắn các loại đã được xác lập kỷ lục Guiness.
Di tích Lịch sử - Văn hóa
Tiền Giang một là vùng đất văn hóa, giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng với 22 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, trong đó có các di tích nổi tiếng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái.
Chùa Vĩnh Tràng
Tọa lạc trong một khuôn viên đẹp, đầy vẻ uy nghiêm, trầm mặc và linh thiêng tại xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, chùa Vĩnh Tràng được xem là ngôi chùa Việt lớn và đẹp nhất Nam Bộ. Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng theo lối kiến trúc tổng hợp, giao thoa giữa nền kiến trúc Á - Âu như kiến trúc Pháp, La Mã, Thái, Miên và Chăm; tuy nhiên, kiểu kiến trúc điêu khắc cốt lõi vẫn mang đậm truyền thống của người Việt. Phía trước chùa Vĩnh Tràng có hai cổng tam quan được xây vào năm 1933 theo lối kiến trúc cổ lầu. Điểm đặc biệt của cổng tam quan này là ở nghệ thuật ghép những mảnh sành sứ để minh họa cho lịch sử nhà Phật với đủ hình dáng của long, lân, quy, phượng, ngư, tiều, canh, mục... vô cùng ấn tượng và đặc sắc. Trong chùa còn có bộ phù điêu bát Tiên cưỡi thú, bộ tượng Tam Tôn cổ bằng đồng to, đặc biệt là bộ Thập Bát La Hán được chạm khắc bằng gỗ có một không hai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Là một công trình mỹ thuật độc đáo, chùa Vĩnh Tràng được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia năm 1984. Vào những ngày mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, đông đảo người dân hành hương đến chùa Vĩnh Tràng để gửi gắm những ước vọng bình an, trải lòng mình trong một không gian yên bình, an tịnh.
Di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút
Di tích chiến thắng lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút tọa lạc tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, cách thành phố Mỹ Tho khoảng 12km về phía Tây. Di tích là một công trình kỷ niệm ghi dấu chiến công chống ngoại xâm của nhân dân xứ Đàng Trong. Với tổng diện tích hơn 2ha, khu di tích gồm 3 nhà trưng bày: khu trưng bày tranh ghép gốm và nhiều hiện vật liên quan đến trận đánh; khu trưng bày bộ sưu tập 546 hiện vật lớn nhỏ bao gồm những phương tiện vận chuyển sử dụng và vũ khí của cả hai bên; khu nhà cổ Nam Bộ: 3 gian, 2 chái và 48 cột gỗ, mái ngói âm dương, có diện tích 225m2. Với những giá trị lịch sử quan trọng, ngày 2/12/1992, Di tích Lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút đã được Bộ Văn hóa Thông tin (này là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia và đến ngày 31/12/2014, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Khu di tích Ấp Bắc
Khu di tích Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, cách thành phố Mỹ Tho khoảng 21km về hướng Tây. Đến đây, du khách được tham quan 3 phân khu: khu 1 là khu vực tượng đài có 3 chiến sĩ gang thép, nhà mộ ba chiến sĩ gang thép và khu vực trưng bày máy bay, xe tăng…; khu 2 tái hiện thời kỳ chống Mỹ của nhân dân Tiền Giang với những ngôi nhà dân xưa, gần hội trường làm việc, nhà làm vũ khí tự tạo và hầm chiến đấu; khu 3 gồm nhà bảo tàng có diện tích 1.000m2 trưng bày hình ảnh hiện vật của trận Ấp Bắc. Ngày 7/1/1993, Di tích Ấp Bắc đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia.
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác thuộc ấp 1, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước. Thiền viện có diện tích trên 30ha được xây dựng theo mô hình truyền thống của các thiền viện thuộc phái Trúc Lâm Yên Tử với 2 khu vực biệt lập là nội viện và ngoại viện. Với tổng diện tích hơn 47.000m2, khu nội viện có diện tích gần 16.000m2, bao gồm 4 tăng đường, 1 thiền đường và 10 thất chuyên tu. Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được thiết kế gần giống với thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt nhưng có quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn nhiều di tích nổi tiếng gắn với quá khứ hào hùng của dân tộc, thu hút đông đảo du khách đến tham quan như: đình thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, lăng Hoàng Gia, đình Long Hưng, bia mộ anh hùng thủ khoa Huân, Khu tưởng niệm nhà văn Sơn Nam…
Lễ hội
Lễ hội làng cổ Đông Hòa Hiệp
Lễ hội làng cổ Đông Hòa Hiệp được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào các năm lẻ, và bắt đầu từ năm 2021, mỗi năm đều tổ chức lễ hội với nội dung phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo du khách. Đến với làng cổ Đông Hòa Hiệp, du khách sẽ có cơ hội được khám phá văn hóa đặc trưng địa phương, được hòa mình vào cuộc sống cộng đồng với những con người Nam Bộ chân chất, nhiệt tình, giàu lòng mến khách... Ngày 30/6/2017, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển Lễ hội du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Tiền Giang.
Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng
Hội Vàm Láng (hội Nghinh Ông) là Lễ cúng cá Ông, Lễ hội cầu ngư được tổ chức nhằm cầu cho biển lặng gió hòa, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt, an khang. Từ sáng 9/ 3 âm lịch, dân vùng biển Gò Công và khách thập phương hoan hỉ kéo về Vàm Láng (thuộc huyện Gò Công Ðông) dự Lễ hội Nghinh Ông. Lễ hội diễn ra rất trang trọng với lễ rước và lễ tế truyền thống. Lễ rước kiệu của Nam Hải Tướng Quân được thực hiện theo nghi thức cổ truyền bởi đoàn thuyền rồng với đầy đủ các đồ tế lễ. Cùng đi với thuyền rồng còn có nhiều ghe thuyền khác cũng được trang hoàng lộng lẫy để cùng ra biển nghinh Ông.
Lễ hội Nam Kỳ Khởi Nghĩa
Khởi nghĩa Nam Kỳ là một cuộc đồng khởi lớn ở tỉnh Tiền Giang năm 1940. Nhằm ôn lại những ký ức hào hùng của nhân dân Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung trong hành trình đấu tranh đầy cam go, vì độc lập dân tộc, ngày 23/11 các năm chẵn, tại đình Long Hưng, huyện Châu Thành, nhân dân thường tổ chức Lễ hội Nam Kỳ Khởi nghĩa. Lễ hội được tổ chức quy mô lớn với các hoạt động cắm trại, mít tinh, biểu diễn văn nghệ, thi làm bánh… thu hút hàng chục ngàn người tham gia.
Làng nghề truyền thống
Du lịch Tiền Giang nổi tiếng với những điểm đến như vườn cây trái, thành phố Mỹ Tho năng động, chợ nổi Cái Bè nhộn nhịp… Bên cạnh đó, Tiền Giang còn có các làng nghề thủ công mỹ nghệ với rất nhiều sản phẩm lạ mắt, độc đáo là điểm đến thu hút đông đảo du khách thập phương. Một số làng nghề có tiếng ở Tiền Giang phải kể đến như làng làm tủ thờ Gò Công, làng dệt chiếu Long Định…
Làng nghề làm bánh tráng, cốm ở Cái Bè
Nghề làm bánh tráng và làm cốm ở Cái Bè là hai nghề truyền thống của người dân xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè. Bánh tráng được làm từ gạo tẻ ngon. Sau các công đoạn ngâm gạo, xay bột, tráng bánh, phơi bánh thì chiếc bánh sẽ trở nên khô ráo. Bánh tráng ngon hơn khi dùng để cuốn với cá, thịt, bún, rau… dùng kèm với nước chấm. Bánh tráng cũng có thể nướng giòn ăn rất thơm ngon.
Với nghề làm bánh cốm, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ không kém làm bánh tráng. Cốm cũng được làm từ gạo đã bung to sau khi nổ cốm. Để cốm kết dính, người thợ trộn cốm với hỗn hợp đường, mạch nha và nước cốt dừa, thêm một ít hương liệu vani hay sầu riêng cho cốm thơm và ép cốm thành khuôn. Với hương thơm của vani, giòn của cốm hòa lẫn vị ngọt của đường, mạch nha, cốm Cái Bè đã thật sự chinh phục được du khách khắp nơi khi đến làng nghề làm cốm huyện Cái Bè.
Làng nghề đóng tủ thờ
Làng nghề đóng tủ thờ đã tồn tại cách đây gần trăm năm tại ấp Ông Non, xã Tân Trung, thị xã Gò Công. Người đầu tiên khởi xướng là ông Nguyễn Ngọc Hải, sinh năm 1890. Qua thời gian, công nghệ đóng tủ ngày càng tiến bộ từ chiếc tủ có 3 trụ đứng, đến nay chiếc tủ có đến 19, 21 trụ với bề mặt cẩn trai, ốc xà cừ. Tủ thờ Gò Công từ lâu đã nổi tiếng với kiểu dáng trang nghiêm, các chi tiết của tủ được người thợ kết nối với nhau bằng mộng, ngàm và chốt gỗ chứ không dùng đến đinh hay ốc vít, đặc biệt nguyên liệu để đóng tủ thờ trải qua bao đời cũng chỉ là loại gỗ xà cừ rất dân dã, vậy mà qua bàn tay khéo léo của những người thợ Gò Công, những tấm gỗ xà cừ đã lên nước, kết hợp với những màu trai hay xà cừ tạo nên vẻ đẹp huyền bí, lung linh… Sản phẩm tủ thờ Gò Công đã được nhiều nơi trong nước và trên thế giới biết đến được đặt tại đền thờ vua Hùng tỉnh Phú Thọ và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An.
Làng nghề bánh, bún hủ tiếu Mỹ Tho
Làng nghề bánh, bún, hủ tiếu Mỹ Tho có trên 100 năm tuổi nằm ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho. Ngày xưa, bánh hủ tiếu Mỹ Tho chính hiệu phải được làm từ gạo thơm Gò Cát, trồng tại xã Mỹ Phong. Gạo Gò Cát còn là nguyên liệu làm bún, bánh tráng, bánh nghệ nổi tiếng trong vùng hơn nửa thế kỷ, trải qua nhiều thăng trầm, đến nay làng nghề vẫn tồn tại. Đến đây, du khách sẽ tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất bánh, bún hủ tiếu như cán bánh, phơi bánh, cắt bánh…
Nghề làm mắm tôm chà
Từ thời nhà Nguyễn, mắm tôm chà ở Gò Công được xem là một trong những mỹ vị không thể thiếu trong các bữa tiệc của vua chúa hay tầng lớp quan lại. Chính vì vậy, nó được mệnh danh là món tiến cung trong hàng trăm loại đặc sản của ba miền. Mắm tôm chà được chế biến từ thịt tôm bạc đất, có hương vị thơm ngon đặc biệt. Đây là nghề cha truyền con nối, mỗi người làm đều có bí quyết riêng của mình. Đã đặt chân đến Tiền Giang, du khách nhớ ghé thăm làng nghề làm mắm tôm chà và đặc biệt đừng quên mua món ăn đặc sản này về làm quà cho người thân.
Làng nghề dệt chiếu Long Định
Làng nghề dệt chiếu Long Định thuộc xã Long Định, huyện Châu Thành, nổi tiếng khắp vùng miền Tây Nam Bộ với nghề dệt chiếu hoa. Nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nên ngoài thị trường trong nước, chiếu Long Định còn được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Ngoài cách làm chiếu thủ công truyền thống bằng tay, nhiều hộ dân đã đầu tư máy móc để làm chiếu theo hướng công nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Nghề dệt chiếu do cư dân vùng chiếu nổi tiếng ở Kim Sơn - Ninh Bình di cư vào Nam từ năm 1954. Vì vậy, kỹ thuật làm chiếu ở đây cũng có nhiều nét khác biệt so với kỹ thuật làm chiếu ở miền Nam, dày hơn, màu sắc, hoa văn tươi tắn và đẹp hơn.
Ẩm thực
Tiền Giang không chỉ có những cánh đồng thẳng cánh cò bay xanh mênh mông, miệt vườn trĩu nặng quả đầy thơ mộng mà còn nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú. Nếu đã một lần đặt chân lên đất Tiền Giang, du khách đừng bỏ qua những sản vật là sự hòa quyện đậm đà giữa nguyên liệu từ vùng sông nước và sự tinh tế của bàn tay con người nơi đây như: vú sữa Lò Rèn, hủ tiếu Mỹ Tho, sơri Gò Công, xoài cát Hòa Lộc, Thanh Long, sầu riêng Ngũ Hiệp, bưởi, khóm Tân Phước, bánh giá chợ Giồng - Gò Công Tây, mắm tôm chà Gò Công, mắm còng cù lao Tân Thới - Tân Phú Đông...
Có thể nói, đến với Tiền Giang là du khách đến với cảnh quan vùng đồng bằng sông Cửu Long, với đồng lúa, sông nước miệt vườn, đến với các di tích lịch sử - văn hóa đặc trưng của địa phương; được trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống cộng đồng, làm quen với những con người Nam Bộ chân chất, nhiệt tình, giàu lòng mến khách… Tất cả tạo nên một bức tranh nhiều sắc màu, hiền hòa và sinh động của miền đất Tiền Giang.
T.T