Sự đa dạng hệ sinh thái và động thực vật
VQG U Minh Thượng là rừng ngập nước của khu hệ động thực vật và hệ sinh thái vô cùng phong phú, trong đó có nhiều loài có giá trị bảo tồn trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như: mèo cá, rái cá lông mũi, rái cá vuốt bé, sóc lửa, cầy giông đốm lớn, càng đước, cua đinh… VQG U Minh Thượng có số lượng loài dơi rất lớn, chiếm khoảng 10% số lượng dơi được biết đến ở Việt Nam. Đặc biệt, U Minh Thượng là sân chim của cả nước, với các loài chim quý hiếm như bồ nông chân xám, quắm trắng đầu đen, diệc lửa, cò cổ rắn… Ngoài ra, U Minh Thượng còn là vựa cá đồng của khu vực có giá trị kinh tế cao.
U Minh Thượng có hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn, hệ sinh thái rừng tràm trên đất sét, hệ sinh thái rừng hỗ giao, hệ sinh thái đồng cỏ, hệ sinh thái trảng trống và hệ sinh thái kênh rạch.
Bồn bồn U Minh
Di tích lịch sử
VQG U Minh Thượng là khu căn cứ cách mạng trải qua thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây là Trung ương cục miền Tây Nam Bộ, cơ quan đầu não của tỉnh Kiên Giang; nơi đóng quân chủ lực của Quân khu 9, cung cấp lương thực, sản xuất vũ khí, điểm tập kết của tuyến đuờng chiến lược Giao - Bưu Vận C1 tiếp nhận sự chi viện của trung ương và Quân khu 9 để cung cấp cho chiến trường Tây Nam Bộ. Nơi đây cũng từng là nơi hoạt động của nhiều vị lãnh đạo cấp cao như: Võ Văn Kiệt, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Đức Anh, Lê Duẩn...
Tại xã Minh Thuận thuộc VQG U Minh Thượng nay còn dấu tích của văn hóa nền chùa thuộc nền văn hóa Óc Eo ngày xưa. Quy hoạch phát triển du lịch VQG U Minh Thượng có kế hoạch phục hồi cho khách tham quan, tìm hiểu cũng như nghiên cứu khoa học.
VQG U Minh Thượng là nơi có nguồn tài nguyên động, thực vật phong phú và quý hiếm, nhiều loài có giá trị bảo tồn cao, cần được bảo vệ nghiệm ngặt; đặc biệt là hệ sinh thái rừng tràm úng phèn đặc trưng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; hệ sinh thái ở đây tạo ra cảnh quan vừa mang nét hoang sơ vừa mang đậm nét hùng vĩ của vùng Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ nơi đây chưa được đầu tư một cách hợp lý; công tác xúc tiến quảng bá còn yếu, các thông tin về tài nguyên, tuyến điểm, dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế…
Hồ Hoa Mai (VQG U Minh Thượng)
Đề xuất loại hình khai thác du lịch
Hiện tại, VQG U Minh Thượng đang khai thác các sản phẩm du lịch như: thuê xuồng câu cá giải trí; tham quan rừng nguyên sinh – tái sinh, sân chim, máng dơi, trảng bồn bồn; đạp vịt.
Với tiềm năng tài nguyên tự nhiên và nhân văn hiện có, VQG U Minh Thuợng cần nghiên cứu xây dựng thêm nhiều loại hình du lịch gắn với sinh thái đa dạng, hấp dẫn như: du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch cắm trại qua đêm tại rừng, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh, du lịch mua sắm các sản phẩm khô từ cá đồng. Đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái chuyên đề "ngắm chim và ngắm buớm" nhằm vào các đối tượng chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên chuyên ngành sinh thái.
Mặt khác, VQG U Minh Thuợng đã được công nhân là Di tích lịch sử cấp quốc gia và sự tồn tại của nền văn hóa Óc Eo tại đây có thể khai thác các loại hình du lịch văn hóa như: du lịch chuyên đề "Trở lại chiến truờng xưa", dã ngoại, về nguồn và du lịch tìm hiểu nền văn hóa Óc Eo.
Là một trong bốn vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Kiên Giang, VQG U Minh Thượng cần xây dựng nhiều sản phẩm để thu hút du khách và lưu trú qua đêm, góp phần không chỉ vào sự phát triển du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang nói chung, mà còn góp phần bảo tồn tốt một trong những hệ sinh thái đặc trưng nhất của khu vực Nam Bộ.
Thái Đắc Tửng
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Kiên Giang