Anh Bùi Văn Sang - con trai cố nghệ nhân Mười Lời và là chủ nhân khu vườn đưa tôi đi xem cảnh quan xinh đẹp trong “Thung lũng hoa đào”. Vườn hoa bích đào khá rộng đang nở hoa khoe sắc thắm trong khu vườn.
Anh Sang cho biết, vườn hoa đào rộng khoảng 5 sào, trong đó, gia đình anh đã sử dụng 3 sào để trồng 900 gốc đào thất thốn, Nhật Tân, đào lông Đà Lạt... Đa số cây đào trong vườn đều có tuổi đời khá cao và là những cây gắn liền với 2 thế hệ trồng đào của gia đình. Đào lớn tuổi nhất là 50 năm, còn lại hàng trăm cây đào khác có tuổi từ 20 - 30 năm. Có nhiều gốc đào xù xì nhưng vẫn có sức sống dồi dào, cành non vẫn phát lộc, bung nở những bông tươi thắm.
Đặc biệt, vườn đào Mười Lời có một số cây đào có dáng đẹp, nở hoa nhiều cánh trắng trông rất đẹp mắt. Anh Sang cho biết, đây là giống bạch đào quý hiếm có tên khoa học là Flos salicina, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Đây là một giống đào đẹp lại rất giàu dược tính, là một vị thuốc quý dùng chữa nhiều bệnh như chứng đau ở vùng ngực, bụng, hói tóc, rụng tóc…; trị những chứng tích tụ, phù thũng, trị đau xương thắt lưng, làm đẹp da…
Anh Sang tâm sự: “Cha tôi là nghệ nhân Mười Lời (tên thật là Bùi Văn Lời, sinh năm 1935). Theo lời má tôi kể, cha tôi rời làng quê Đại Lộc (Quảng Nam) từ năm 23 tuổi, vô đây lập nghiệp làm ăn. Năm 2009, cha tôi đã vĩnh viễn rời xa thung lũng hoa đào nổi tiếng do mình gây dựng. Lúc sinh thời, ông đã gây ấn tượng thú vị cho du khách về cách “chế biến” các loài cây, hoa bởi những trở ngại về khí hậu, thổ nhưỡng, môi trường…”
Thời gian qua, nhiều đoàn sinh viên đại học của Đà Lạt và từ các tỉnh phía Nam đã tìm đến “Thung lũng hoa đào Mười Lời” nghiên cứu thực hành kỹ thuật chiết ghép các loài hoa, trái…, được anh Sang tận tình chia sẻ. Ngoài ra, có nhiều nông dân ở Đà Lạt và các nơi khác đến tham quan, tìm hiểu cách chiết ghép hoa đào và được anh Sang truyền lại kinh nghiệm, bí quyết riêng của mình.
Tiên Sa