Thuộc địa phận giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, Bạch Mộc Lương Tử - Kỳ Quan San có độ cao 3.046m so với mặt biển. Để chinh phục được ngọn núi này, “dân phượt” phải trải qua quãng đường khoảng 30km từ chân núi lên tới đỉnh và trải nghiệm nhiều địa hình khác nhau. Đây chính là điểm nhấn hấp dẫn những ai thích khám phá, chinh phục độ cao, đam mê du lịch mạo hiểm và thích thử thách ý chí bản thân.
Gần 2 giờ đồng hồ chạy xe, vượt qua 60km với nhiều quãng đường quanh co, trơn trượt và sương mù, chúng tôi đã tới điểm tập kết ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai để chuẩn bị cho hành trình chinh phục đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử - Kỳ Quan San.
Trên lưng mỗi “phượt thủ” là ba lô hành lý tư trang tối thiểu và cần thiết cho cá nhân, cùng sự hỗ trợ của các “porter” người Mông..., cả đoàn đã sẵn sàng cho chuyến hành trình đầy thú vị.
Ngày đầu tiên, chúng tôi chinh phục khoảng 30km đường rừng núi trơn trượt dưới trời mưa ngày một nặng hạt bằng gậy tre và gậy chuyên dụng, nhưng ai cũng cùng cảm xúc vô cùng hào hứng và thú vị bởi khám phá được nhiều địa hình khác nhau như: đồi trọc, rừng cây thảo quả và những rừng mua với thân cây nhỏ chen lẫn những bãi cỏ lớn đã ngả màu úa vàng, cho đến những vách đá cheo leo và nhiều đoạn đường dốc đứng hiểm trở.
Sau hơn 3 giờ đồng hồ đi bộ qua vùng đệm, chúng tôi đặt chân tới chân núi với những con suối nhỏ chảy róc rách, những ngọn núi thoai thoải nhìn xa ngút tầm mắt. Cả đoàn tiếp tục nối tiếp nhau vừa leo vừa nghỉ, qua rừng tre rồi qua những khu rừng tán lá thấp bao phủ cả một vùng mang màu sắc nâu vàng tuyệt đẹp, những cây cổ thụ thân thấp, xù xì mang màu xám đen ma mị...
Mưa rừng vẫn tiếp tục rơi làm nhiệt độ giảm khiến chúng tôi rơi vào trạng thái bức trong người nhưng bị cóng chân tay.
Chúng tôi vẫn tiếp tục bám theo con đường độc đạo, vượt qua những sườn núi trơn trượt, những vách đá sừng sững chắn ngang lối đi nhỏ bé. Càng vào sâu, tiếng suối rừng đổ càng mạnh, vang vọng cả núi rừng; gió như ngày một mạnh hơn, trời sầm sập càng lúc mưa càng nặng hạt khiến bước chân chúng tôi dường như chậm lại.
Sau những phút nghỉ trưa, chúng tôi tiếp tục leo khi sức lực đã hao kiệt, chân tay không còn độ dẻo như mong muốn cũng là lúc chúng tôi vượt qua dốc Tuyệt Vọng với rừng lá phong cuối thu rất đẹp. Càng leo, số lần nghỉ của cả đoàn càng tăng dần nhưng với quyết tâm chinh phục đỉnh núi và quyết tâm thử thách bản thân, cuối cùng chúng tôi đã đến với độ cao 2.100m lúc trời mờ tối.
Đêm đến, trời đổ mưa ầm ầm, gió gầm gào như cuồng giận muốn cuốn bay chiếc lán. Nhiều người trong đoàn mất ngủ một phần vì thân thể căng nhức do sự vận động quá sức trong ngày, một phần vì lo sợ lũ quét có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi toàn bộ khu đất đặt lán đã ngậm đủ nước.
Bước vào ngày thứ hai của hành trình, chúng tôi tỉnh dậy khi trời vẫn đang mưa và quyết định tiếp tục leo lên đỉnh núi khi đã nhìn thấy đường đi. Đây có thể là đoạn đường chông gai thử thách nhất trong toàn bộ chuyến đi của chúng tôi. Nhìn khu rừng xám xịt, lung lay trong gió bão, chúng tôi như nhỏ lại, mỏng manh chìm giữa khu rừng già.
Tất cả sốc lại tinh thần, vượt qua những con dốc không kém ngày đầu tiên cho đến khi phải đu người qua vách đá bằng dây thừng và băng qua đỉnh ngọn núi trống trơn với cơn rét làm co cứng toàn bộ khối cơ ai cũng cảm nhận rõ nhất sự trải nghiệm của du lịch mạo hiểm và vượt qua thử thách bản thân là như thế nào.
Càng lên cao, những tầng cây cổ thụ như thấp hơn, thân xù xì và nhiều rong rêu bám, tán cây rung lên bần bật theo từng đợt gió cuốn. Lúc này, cảm giác gió trên cao như lạnh hơn, mây dày đặc quấn lấy như muốn kéo phăng mọi thứ xuống chân núi. Thân nhiệt mọi người bắt đầu giảm dần, tê cóng là lúc chúng tôi bắt đầu hành trình vượt qua “sống lưng khủng long” - con dốc dài, ngoằn ngoèo, vách đá gần như dựng đứng dưới trời mưa trơn trượt, mây mù bủa vây bốn hướng, gây khó khăn với chính cả “porter” bản địa.
Chúng tôi men theo những vách núi đá bằng dây thừng treo lơ lửng, những sườn dốc đất trơn trượt, trườn theo khe vách ngập lá rừng xốp không chỗ bám chân. Lúc này, trò chơi đu lăng dây qua vực hoặc đi úp mặt vào vách núi được chúng tôi sử dụng tùy theo năng lực và kinh nghiệm của từng thành viên trong đoàn. Ai ai cũng thận trọng trong từng bước chân, tìm điểm tựa chống gậy có độ chính xác cao để có độ an toàn tuyệt đối.
Nghỉ ngơi sau bữa trưa rồi tiếp tục băng qua khu rừng cây Than đang mùa nụ hứa hẹn một mùa hoa tím bạt ngàn bên cạnh rừng cây cổ thụ không lớn là khoảnh khắc chúng tôi vô cùng thích thú, để rồi háo hức băng qua khu rừng trúc xanh biếc, dày đặc để có thể chạm đỉnh 3.049m - Kỳ Quan San.
Tin vui khi biết gió và mưa bão giảm dần, bước chân chúng tôi xuống núi như có phần nhẹ hơn, những ngọn núi bám đầy rêu vàng hùng vĩ như đẹp hơn trong ánh nắng chiều le lói một vài tia cuối ngày. Những thân cây cổ thụ rất nhiều loài rong rêu bám chặt tạo ra nhiều hình dáng độc đáo ma mị mà chuyên gia thực vật - thành viên đoàn chúng tôi khẳng định đây là thảm thực vật đặc biệt quý hiếm của Việt Nam như muốn mời gọi chúng tôi nán lại.
Lại vượt qua những con dốc, những vách núi theo đường cũ, những tiếng ồ, à rồi tiếng chúng tôi gọi nhau khi trời ngớt hẳn mưa, mây tầng tầng lớp lớp bồng bềnh dưới chân. Những tia nắng trên độ cao này đẹp tựa thiên thần xuất hiện ngay trước mắt chúng tôi. Đứng trên tầng cao nhìn những ngọn núi hùng vĩ nối tiếp nhau đến tận cuối chân trời, tiếp nhận không khí trong lành đến vô tận len lỏi vào từng thớ thịt đang đau nhức, cảm nhận mạch sống ào ạt của đất trời mới biết niềm đam mê của những người yêu rừng và thích khám phá.
Đặt chân tới đỉnh muộn nên chúng tôi trở về lán trong bóng đêm mịt mù của núi rừng. Những ánh đèn leo lắt như những ngọn đèn dầu trong đêm tối đầy ma mị. Thiếp đi trong đêm tối để rồi sáng hôm sau chúng tôi xuống núi khi cơ bắp như bị dồn nén, mỏi rã rời. Những con dốc ngày cuối vẫn đầy thử thách với chúng tôi.
“Phượt” để cảm nhận bằng tất cả các giác quan vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên ở những độ cao đặc biệt và sợ hãi kinh hoàng trước sức mạnh của tạo hóa vẫn luôn cuốn hút nhưng chỉ dành cho những người thích trải nghiệm mạo hiểm và “Leo núi không phải cho thế giới thấy bạn mà cho bạn thấy thế giới kỳ diệu của chính mình”. Và, chúng tôi đã kết thúc hành trình chinh phục đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử - Kỳ Quan San như thế!
May Li
Ảnh: Hùng Lekima