Di sản của Việt Nam được công nhận trong hội nghị lần thứ 11 của Uỷ ban Liên Chính phủ UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tại thành phố Addis Ababa, Ethiopia.
Thực hành cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu bao gồm các lễ cúng, lên đồng, hát văn, và lễ hội, tiêu biểu là lễ hội Phủ Dầy ở tỉnh Nam Định diễn ra vào ngày 3 tháng 3 âm lịch (ngày mất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Các thực hành thể hiện những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ hàng trăm năm.
Theo Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã đáp ứng các tiêu chí: Góp phần quan trọng vào việc tạo ra “sợi dây tinh thần” liên kết các cộng đồng thực hành di sản, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó ở các cấp độ khác nhau. Từ những năm 1990, các con nhang, đệ tử và người thực hành di sản này đã tự nguyện huy động, đóng góp tiền, hỗ trợ cho việc duy trì lễ hội và trùng tu di tích thờ Mẫu...
Đây là Di sản văn hóa phi vật thể thứ 11 của Việt Nam được UNESCO công nhận. Trước đó có nhã nhạc cung đình Huế, nghi lễ kéo co, dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, Hội Gióng, hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đờn ca tài tử Nam Bộ, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
"Lần đầu tiên UNESCO vinh danh người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh của Thánh Mẫu. Hồ sơ viết với chất lượng cao và là 1/18 hồ sơ được thông qua không cần thảo luận. 19 hồ sơ khác tranh luận quyết liệt kể cả di sản Yoga của Ấn Độ", ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (Bộ ngoại giao) tham dự phiên họp chia sẻ.
Cùng đợt vinh danh này có cách sản xuất 1.500 loại bia của Bỉ, điệu nhảy Rumba của Cuba và săn mồi bằng chim ưng của 18 nước đồng trình.
Nguồn: Vnexpress.net