Sức hút của lễ hội ở An Giang trước tiên phải kể đến đặc trưng văn hóa dân tộc. Ngoài lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là lễ hội cấp quốc gia thì nổi bật hơn cả là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer mà hội đua bò Bảy Núi được tổ chức vào dịp lễ Sen Dolta là một ví dụ điển hình. Đây được xem là một sản phẩm du lịch đặc sắc của An Giang mà các tỉnh khác không có. Ngoài ra, còn có lễ hội Ramadan – lễ hội quan trọng nhất của đồng bào người Chăm An Giang.
Chính sự độc đáo và phong phú của các lễ hội đã tạo tiền đề cho An Giang phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch lễ hội. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) An Giang, năm 2014, An Giang đón 6 triệu lượt khách du lịch, trong đó . Từ đó cho thấy, trong thành tựu chung của ngành Du lịch An Giang có sự đóng góp to lớn của loại hình du lịch lễ hội.
Nhận thấy được tầm quan trọng của việc phát triển loại hình du lịch lễ hội, trong nhiều năm qua, An Giang đã tổ chức thành công nhiều lễ hội như lễ hội Vía bà chúa xứ núi Sam, lễ Sen Dolta và hội đua bò Bảy Núi, lễ hội đền Nguyễn Trung Trực, lễ hội đền Thoại Ngọc Hầu, lễ hội mùa nước nổi Búng Bình Thiên,… Các công tác như tổ chức, quản lý lễ hội; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch lễ hội; đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội trong mùa lễ hội... cũng được các cấp chính quyền quan tâm và đạt được nhiều thành tựu.
Tuy nhiên, nhiều lễ hội ở An Giang chỉ thu hút được người dân địa phương, khách du lịch từ nơi khác đến rất ít; một số lễ hội thu hút được du khách thì hiệu quả kinh doanh du lịch còn thấp, chủ yếu từ các dịch vụ bán hàng, kinh doanh ăn uống, gửi xe, chưa có các sản phẩm đa dạng…
Để tạo sức hút và nâng cao hiệu quả của loại hình du lịch lễ hội, An Giang cần thực hiện những giải pháp sau:
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch
Triển khai thực hiện tốt các quy định quản lý du lịch (không nâng ép giá, không đeo bám chèo kéo khách du lịch, không bán hàng rong, không làm tổn hại môi trường, không phá hủy di tích, không làm mất trật tự an toàn xã hội,…). Tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm soát tình hình an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho du khách tại các khu, điểm du lịch, tại các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch lễ hội
Ưu tiên sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật trước hết tại các địa phương có lễ hội mang tầm quốc gia và khu vực.
Đầu tư xây dựng thêm hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tiện nghi, đạt tiêu chuẩn kết hợp với hệ thống lưu trú trong nhà dân; cơ sở ăn uống và các công trình dịch vụ bổ trợ cho hoạt động du lịch như khu thể thao, khu thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm, các cơ sở vui chơi giải trí, khu hàng lưu niệm,… tại nơi diễn ra lễ hội. Bên cạnh đó, cần đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích gắn liền với các lễ hội.
Xúc tiến quảng bá, tiếp thị mở rộng thị trường
Xây dựng hình ảnh, thương hiệu đặc trưng của các lễ hội tiêu biểu của tỉnh một cách thống nhất, độc đáo, hấp dẫn, làm cơ sở cho công tác tiếp thị điểm đến. Sớm thống nhất triển khai xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch lễ hội và khẩu hiệu du lịch lễ hội An Giang để công tác quảng bá tập trung và hiệu quả hơn.
Sử dụng nhiều phương tiện, hình thức quảng bá về du lịch lễ hội ở An Giang như: biên tập và xuất bản sách Cẩm nang du lịch lễ hội An Giang (theo hình thức guide book); xây dựng bản đồ chỉ dẫn đến các lễ hội truyền thống của An Giang để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tự khám phá về lễ hội ở An Giang; xây dựng website chuyên về lễ hội và du lịch lễ hội ở An Giang bằng tiếng Việt và tiếng Anh với đầy đủ thông tin, cập nhật thường xuyên để du khách trong và ngoài nước có thể tra cứu và tham khảo trên Internet; phối hợp với những đơn vị chức năng xây dựng những đoạn phim, những chuyên đề về lễ hội truyền thống và du lịch lễ hội An Giang, phát sóng qua các kênh truyền thanh, truyền hình.
Sở VHTTDL An Giang cần phối hợp với các địa phương, các trường đại học lớn, các viện nghiên cứu tổ chức các hội thảo khoa học chuyên ngành nhằm kêu gọi các tác giả đóng góp những bài nghiên cứu chuyên sâu về lễ hội và du lịch lễ hội ở An Giang, trên cơ sở đó thu thập và biên tập thành sách, xuất bản rộng rãi để người dân và du khách có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu. Cần phối hợp với các công ty du lịch Campuchia, quảng bá hình ảnh lễ hội An Giang trên đất Campuchia để thu hút khách sang An Giang. Ấn phẩm quảng bá cần chú trọng đến thị trường này với thiết kế ngôn ngữ và thông tin phù hợp. Ngoài ra, cần có chiến lược quảng bá du lịch lễ hội đến các thị trường tiềm năng ở các quốc gia theo đạo Hồi như Malaysia, Indonesia và một số nước Trung Đông.
Lịch tổ chức lễ hội truyền thống ở An Giang cần được quảng bá rộng rãi và quảng bá sớm, thời gian diễn ra lễ hội cần được cung cấp theo cả âm lịch và dương lịch, đi kèm với nội dung chương trình, địa điểm làm lễ, các hoạt động hội, khu vui chơi, khu có trò diễn dân gian,… cũng như những chỉ dẫn về nơi giữ xe, ăn uống, lưu trú.
Hợp tác liên kết với khu vực và quốc tế
Tăng cường hợp tác liên kết với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, giữa các công ty du lịch, các trung tâm du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt với các nước trong khu vực Đông Nam Á nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch An Giang nói chung và du lịch lễ hội nói riêng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chương trình hợp tác và phát triển du lịch giữa 4 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Ngoài việc liên kết nội vùng, Sở VHTTDL An Giang cần đẩy mạnh công tác xúc tiến liên kết, quảng bá, đẩy mạnh hợp tác với thị trường truyền thống là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác thuộc miền Đông Nam Bộ. Ngoài ra, việc mở rộng hợp tác liên kết với các thị trường tiềm năng khác như miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc là việc làm hết sức cần thiết.
Phát triển du lịch lễ hội gắn với lợi ích cộng đồng
Tạo điều kiện để cộng đồng địa phương có thể tham gia vào lễ hội, phục vụ du khách và có thêm thu nhập thông qua các hoạt động như: cung cấp đặc sản của địa phương phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách; sản xuất, buôn bán các mặt hàng lưu niệm đặc trưng cho địa phương; làm hướng dẫn viên hướng dẫn khách tham quan; cung cấp dịch vụ lưu trú, nghỉ ngơi cho khách; vận chuyển du khách tham quan các di tích, thắng cảnh gần nơi diễn ra lễ hội bằng các phương tiện đặc thù của địa phương; sản xuất và cung cấp thực phẩm cho du khách.
Quản lý tốt an ninh trật tự trong mùa lễ hội
Tăng cường các lực lượng, phương tiện để bảo vệ, tuần tra nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách trong mùa lễ hội. Đồng thời tiến hành kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mê tín dị đoan trong dịp lễ hội. Bố trí lực lượng trực tại các địa điểm diễn ra lễ hội, sẵn sàng ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự cũng như kiểm soát, ngăn chặn tình trạng móc túi, ăn xin, chèo kéo khách du lịch.
Xây dựng và khai thác hiệu quả các tuyến du lịch lễ hội mới
Sau đây là hai tuyến du lịch mới có thể khai thác phát triển du lịch:
Tuyến 1: Long Xuyên – Chợ Mới – Phú Tân: khai thác cho lễ hội Đền Nguyễn Trung Trực hoặc lễ hội của người Chăm tùy thời điểm.
Tuyến 2: Châu Đốc – Tịnh Biên – Phnompenh – Siem Reap (đây là tuyến quốc tế): Khai thác cho lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam hoặc Lễ Sen Dolta hội Đua bò Bảy Núi tùy thời điểm.
Hai tuyến du lịch lễ hội mới này hoàn toàn có thể đưa vào khai thác phát triển vì đây là những tuyến du lịch có thể khai thác tổng hợp các loại hình du lịch ở An Giang, trong đó có du lịch lễ hội.
An Giang không chỉ được biết đến với vị trí đầu nguồn sông Cửu Long thuộc địa phận Việt Nam, với dãy Thất Sơn huyền bí mà còn được biết đến với những lễ hội đặc sắc của bốn dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. |
Tài liệu tham khảo
1. Dương Văn Sáu (2004), Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch, Nxb Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội.
2. Sở VHTTDL An Giang (2014), Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch An Giang giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, An Giang.
|
Hồ Thị Đào
(Tạp chí Du lịch)