Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng: toàn ngành Du lịch cần bình tĩnh, đoàn kết vượt qua khó khăn
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng chỉ đạo: Dù chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh nCoV gây ra, ngành Du lịch vẫn phải tiếp tục hướng đến những mục tiêu tăng trưởng. Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng khẳng định, sự can thiệp không cần thiết vào các hoạt động du lịch và thương mại quốc tế không phải là giải pháp. Vì vậy, ngành Du lịch cần đưa ra những kế hoạch cụ thể, tập trung trong cả thời điểm dịch đang diễn ra và sau khi khống chế được dịch nhằm ứng phó và phục hồi tăng trưởng.
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Ngay từ khi mới xuất hiện dịch bệnh, Bộ VHTTDL và TCDL đã liên tục tham gia các phiên họp về phòng chống dịch; kịp thời có văn bản khẩn cấp gửi các Sở quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch nhằm ứng phó với dịch bệnh; luôn cập nhật thông tin, tình hình chống dịch trên các kênh thông tin của TCDL.
TCDL đang xây dựng kế hoạch để ứng phó chủ động, kịp thời trước mọi kịch bản của dịch bệnh, có giải pháp kích cầu, xúc tiến du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng phục hồi ngành Du lịch. Theo dự thảo kế hoạch trình bày tại hội nghị, ngành Du lịch đề xuất 04 nhóm giải pháp cụ thể. Nhóm giải pháp về thị trường gồm đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và ASEAN; tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng như Ấn Độ; tăng cường thu hút khách du lịch từ Bắc Mỹ; duy trì và mở rộng thị trường châu Âu, thị trường Úc và Niu Di-lân; tăng cường truyền thông và triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến tại thị trường Trung Quốc sau khi công bố hết dịch; kích cầu thị trường du lịch nội địa.
Về quảng bá, xúc tiến du lịch, cơ cấu lại nguồn lực, thị trường của Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia và Chương trình Hành động quốc gia, ưu tiên kinh phí, tổ chức sớm các thị trường cần thu hút để bù đắp lại thị trường đã mất; tăng cường hợp tác công tư, phối hợp các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch; tập trung nguồn lực thực hiện các chiến dịch quảng bá trên các nền tảng truyền hình, mạng xã hội, kênh truyền thông lớn như CNN với nội dung, thông điệp khẳng định năng lực kiểm soát khủng hoảng và Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với du khách…
Giải pháp về truyền thông gồm: Cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình kiểm soát, khống chế dịch bệnh ở Việt Nam, các biện pháp phòng chống dịch bệnh tái phát, bảo đảm các biện pháp an toàn, vệ sinh dịch bệnh cho khách du lịch; Đẩy mạnh tuyên truyền về môi trường du lịch, môi trường an ninh y tế đến các thị trường khách quốc tế và trong nước. Truyền thông rộng rãi qua nhiều hình thức về việc đảm bảo an toàn khi du lịch tại Việt Nam vì tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát hoặc đã có phương pháp điều trị.
Về các giải pháp chính sách, trước mắt đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép giảm thuế, giãn thuế, chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất vay đối với doanh nghiệp du lịch (lữ hành, lưu trú, vận chuyển…). Đề nghị Chính phủ xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu… Về lâu dài, tổ chức đào tạo nhân lực cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp kiến thức xử lý khủng hoảng trong du lịch, khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh; Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khảo sát, tuyên truyền quảng bá du lịch tại các thị trường tiềm năng, thị trường du lịch mới, thị trường không bị ảnh hưởng do dịch bệnh để phục vụ phát triển du lịch sau khi dịch được kiểm soát.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với những giải pháp mà TCDL đưa ra, đồng thời đề xuất, bổ sung một số nội dung. Ý kiến các Sở quản lý du lịch, Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp đều cho rằng sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, TCDL là kịp thời và cần thiết, cần tiếp tục có thông tin chính thống từ phía cơ quan nhà nước để ổn định tình hình, tạo ra không khí của ngành Du lịch bình tĩnh, đủ khả năng xử lý và ứng phó với dịch bệnh. Theo thông tin từ một số doanh nghiệp, chỉ có những địa phương, doanh nghiệp đón khách từ một số thị trường Đông Bắc Á là thiệt hại lớn, còn lại có nhiều tỉnh, thành phố hay khách sạn vẫn hoạt động du lịch bình thường khi đón khách từ các thị trường xa như châu Âu, châu Úc, khách MICE. Như vậy đây là cơ sở để tăng cường xúc tiến, quảng bá đến các phân khúc khách này để bù đắp lại sự tụt giảm của các thị trường khác. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng đây là thời điểm mà các doanh nghiệp cần phải đề cao văn hóa kinh doanh, tương trợ lẫn nhau, đặt quyền lợi của du khách lên hàng đầu đồng thời duy trì chất lượng dịch vụ, đảm bảo tinh thần cho người lao động, hướng tới sự ổn định lâu dài.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp cùng sự phối hợp của các cơ quan báo chí trong công tác ứng phó với dịch bệnh nCoV thời gian qua. Thứ trưởng Lê Quang Tùng đề nghị toàn ngành Du lịch cần bình tĩnh, đoàn kết, đồng hành, hợp tác cùng nhau vượt qua khó khăn, đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp du lịch. Cần ứng xử văn minh với du khách, tạo hiệu ứng tốt, cảm tình về Du lịch Việt Nam không chỉ trong thời điểm này mà còn trong tương lai. Những kế hoạch, giải pháp cần triển khai sớm, trong đó các đề xuất với Chính phủ cần gấp rút hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành để phát huy hiệu quả, kịp thời.
HN