Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700 – 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 – 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13 – 14%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 – 14%. Đồng thời, du lịch tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 – 14%/năm. Đặc biệt, về khách du lịch phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 – 14%/năm và khách nội địa từ 6 – 7%/năm.
Mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100 – 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương 130 – 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 11 – 12%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15 - 17%. Du lịch tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8 – 9%/năm. Đồng thời, phấn đấu đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 8 - 10%/năm và khách nội địa từ 5 - 6%/năm.
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho du lịch phát triển.
Đồng thời, ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để huy động nguồn lực đầu tư tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng du lịch. Thúc đẩy quan hệ hợp tác công – tư và các mô hình quản trị tích hợp các khu vực công và tư nhân, doanh nhân và cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững.
Mở rộng thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, tập trung thu hút khách du lịch từ các thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Úc, Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu, Đông Âu, Liên bang Nga.
Bên cạnh đó, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; nâng cấp, mở rộng, xây mới các cảng hàng không, cảng biển, cảng thủy nội địa chuyên dụng cho khách du lịch; cải thiện nhanh hạ tầng, chất lượng dịch vụ đường sắt để phát triển du lịch.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch, đa dạng hóa các hình thức đào tạo; tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao.
Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch...
Toàn văn Quyết định 147/QĐ-TTg
GK