Chọn đường tắt, chúng tôi đi thẳng lên bãi Mimosa, vừa đi vừa hát vang trời. Đoạn đường chỉ hơn 1.500m nhưng khá dốc, lại trơn trượt do rêu và lá thông khô. Trở lại sau mấy năm, Mimosa chẳng có gì mới, vẫn chiếc cầu treo và mấy căn nhà rông. Cuộc sống là vậy, khi “Mình dừng lại, thiên hạ sẽ vượt qua”. Các đội tiếp tục hành trình, chia nhau dìu mấy người yếu. Chặng nghỉ tiếp ở ngã ba Yên Ngựa, còn gọi là ngã ba Hướng Đạo, cách Mimosa hơn 2km. Ngã ba có đường rẽ vào đỉnh Radar, có đường vòng lên đỉnh Yên Ngựa, nơi có vách đá để leo núi bằng dây rất lý tưởng. Tôi đã đến đây hơn chục lần nhưng chỉ nghĩ giản đơn: “Lên đỉnh cao nhất chắc cũng không khó gì”.

Thực tế, tôi đã lầm. Đoạn từ ngã ba Yên Ngựa lên đỉnh Ông chỉ chừng 3km nhưng khó khăn gấp bội. Trước đó chỉ rừng thông thoáng gió, vào đây toàn rừng rậm bán nhiệt đới, càng về sau càng dốc đứng, có đoạn hơn 60 độ. Đường hẹp, trơn và nhiều cây gai cản lối. Bởi chủ quan nên không ai mang giày bộ đội - loại giày vô địch khi leo Fansipan, cũng không mang miếng bọc gối, bọc gót, sôcôla, phô mai… Ai cũng tay không nên từ từ thấm mệt. Bùn, sình, đất vàng quánh lại, không có cầu thang và tay vịn như Fansipan. Mấy bạn cầm nhầm dây gai, la oai oái. Ai cũng bị vài vết cứa. Có chỗ phải trèo qua cả thân cây to chắn ngang đường.

Lên đây mới thấy sự đa dạng của thảm thực vật Langbiang. Những gốc cây chò sót, chò nước, long não… mấy người ôm chưa xuể. Nhiều loại đặc hữu như pơmu, ngo tùng, thông năng, thông chàm, thông tre, thông lông gà... Có loài quý hiếm như thông 2 lá dẹt, thông 5 lá… Ước tính có hơn 300 loại lan rừng, nào thành lan, hoàng lan, hồng lan, vân hài, bạch phượng, mắt trúc, tuyết ngọc… cùng nhiều loài hoa dại khoe sắc lạ, đủ hình đủ dạng. Một mùi hương khó tả phảng phất, trộn lẫn giữa đất trời. Nếu may mắn ta có thể gặp chim mi Langbiang - tên khoa học là Crosias Langbanis - loài chim quý hiếm vừa được phát hiện vào năm 2009 hoặc loài ếch ma cà rồng, da màu nâu đỏ, có thể “bay” từ cao xuống thấp nhờ hai chân có màng lớn. Khi còn là nòng nọc, loài ếch này có chiếc răng nanh dài nhìn rất ghê.

Gần 11 giờ, nhóm đầu tiên lên tới đỉnh. Có người còn “thồ” theo cả cây đàn guitar để anh em quây quần ca hát. Ai cũng tranh thủ làm người mẫu, chụp mấy tấm ảnh thay “giấy chứng nhận”. Đỉnh Ông cao 2.169m, là bãi đất phẳng, rộng hơn 60m2, cỏ tranh êm như nệm, là điểm cắm trại lý tưởng qua đêm để đón bình minh. Từ đây, có thể thỏa thích chiêm ngắm toàn cảnh Đà Lạt, đỉnh núi Bà (Bidoup) và xa hơn là núi rừng Đắk Nông… Trưa, nắng càng rực rỡ, gió mát rượi. Chúng tôi hát vang, sau đó bắt tay tổng vệ sinh đỉnh núi trước sự ngạc nhiên của mấy người nước ngoài. Tôi thầm nghĩ, sẽ thật tốt nếu trên đỉnh đặt một tấm bia - giống đỉnh Fansipan - để du khách chụp ảnh làm kỷ niệm; cũng cần đặt thùng rác trên đỉnh và dọc đường lên xuống; dọn đường rộng hơn một chút và phát quang các loại gai; dọc đường cần có vài trạm nghỉ chân, chụp ảnh và ngắm cảnh.
Giữa trưa, đoàn xuống núi. Đường càng khó đi vì trơn trợt. Trên đỉnh Yên Ngựa, cả đoàn dùng bữa trưa dã ngoại thật ngon với bánh mì kẹp thịt, xôi chả và trái cây rồi tách thành hai nhóm. Nhóm “lính cũ” về trước để chuẩn bị chương trình ngày mai. Nhóm “lính mới” ở lại, tiếp tục với thử thách xuống vách núi thẳng đứng bằng thiết bị chuyên dùng. Dù đã được hướng dẫn tận tình về lý thuyết nhưng mọi người vẫn hồi hộp. Mặc đai, đội nón bảo hiểm, đeo găng tay rồi từng người một thực hành xuống vách thẳng đứng cao chừng 30m.
Đứng trên mỏm đá cheo leo, vừa run vừa móc dây và thả người song song với mặt đất để xuống vách. Có bạn nhắm nghiền mắt vì sợ! Mấy bạn mặt tái mét nhưng vẫn xoay người chụp hình với… nụ cười méo xẹo. Cảm giác ban đầu là rất sợ nhưng sau đó thì… quá đã. Chúng tôi rời Langbiang trong hoàng hôn.
Ngày hôm sau, từng đội thi trang trí xe đạp đôi và diễu hành kêu gọi “Chung tay bảo vệ môi trường”, kết hợp sưu tầm các loại hoa và cây đặc trưng Đà Lạt. Hồ Xuân Hương vừa thay nước, màu đẹp hơn nhưng có mùi khang khác, bởi các cống xả vẫn y nguyên? Hồ Xuân Hương thoáng qua tưởng vậy nhưng khi tản bộ, nhìn kỹ hơn thì có nhiều rác ẩn trong cỏ. Các đội thu nhặt được nhiều túi nilon, vỏ chai nước suối, vỏ bánh kẹo, vỏ chai rượu, bao và tàn thuốc lá…
Buổi tối các đội thi làm chuột lửa, hoạt cảnh thần lửa, chơi lửa trại… Bên ánh lửa bập bùng, chúng tôi cùng ca hát, tâm tình và chia sẻ. Tất cả vừa cùng nhau vượt qua “Thử thách Langbiang”, cùng học được nhiều bài học lý thú…
Núi Langbiang thuộc huyện Lạc Dương, là điểm du lịch lý thú của Lâm Đồng. Du khách có thể leo bộ, đi xe jeep hai cầu hoặc chơi dù bay, dù lượn… để lên đỉnh núi này. Tuy nhiên, phải lên tới đỉnh Ông, đỉnh cao nhất của Langbiang - 2.169m, bên cạnh đó là đỉnh Bà, cao 2.159m thì mới được gọi là thực sự chinh phục thành công Langbiang.
|
Nguyễn Văn Mỹ
Tạp chí Du lịch