Điểm ghé thăm đầu tiên của chúng tôi là khu vực cột mốc chủ quyền đảo Thổ Châu. Đó là hai cột mốc, một do Việt Nam Cộng Hòa xây dựng năm 1956 bằng chất liệu xi măng và đá rửa đã cũ kỹ rêu phong, khẳng định chủ quyền Thổ Châu, bên cạnh cột mốc to đẹp hơn xây dựng năm 1976 và phục chế vào năm 2003. Nằm riêng biệt về phía chân núi là đền Thổ Châu, một công trình kiến trúc được khánh thành tháng 4/2013 nhằm tưởng nhớ hơn 500 dân đảo bị lực lượng Khmer Đỏ thảm sát tháng 5/1975 và những chiến sĩ hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ đảo.
Còn gì tuyệt vời hơn khi chiều chiều đạp xe theo con đường ven biển từ trung tâm xã ra phía Đông ngắm nhìn hòn Xanh, hòn Từ ngoài khơi sóng vỗ trắng xóa và những đàn chim nhạn đang lượn vòng trên con thuyền nặng trĩu tôm cá như đón người thân từ biển khơi trở về. Để rồi từ đây lại quay về trên con đường xuyên đảo rợp bóng cây rừng, lắng nghe tiếng chim hót trên vòm cây; hít hà mùi hương lan rừng thoang thoảng trong gió.
Rừng phủ kín đảo Thổ Chu là rừng nguyên sinh với hệ thực vật có trên 200 loài, chiếm ưu thế là các họ bứa (Guttifereae), đậu (Fabaceae) và hồng xiêm (Sapotaceae) được bảo vệ nghiêm ngặt, không hề có nạn phá rừng. Vì vậy rất dễ dàng bắt gặp bên đường những cây cổ thụ thẳng đứng 5-7 người ôm không hết vòng. Có đất, có rừng ắt có nước ngọt. Quả thật mạch nước ngọt trên đảo dồi dào quanh năm, không xảy ra tình trạng khô hạn.
Nếu chuyến đi rừng đã khiến tôi mê mẩn thì chuyến đi lặn biển tại hòn Từ với chủ thuyền Nguyễn Văn Hòa chuyên sống bằng nghề lặn bắt bào ngư... lại gây ấn tượng mạnh hơn, ngay cái nhìn đầu tiên dưới lòng đại dương. Đó là một thế giới huyền ảo của 99 loại san hô khác nhau bên cạnh thảm cỏ biển mà chiếm ưu thế là các giống Acropora (san hô tán/bàn), Montipora (san hô sừng hươu) cùng đàn cá đủ màu sắc, những loại ốc cờ, ốc tai tượng, bào ngư, cổ hiếu, cầu gai... đang ẩn mình dưới độ sâu từ 7-10m. Thật khó diễn tả hết bằng lời, cũng không thể chia sẻ với ai bởi lẽ có nói thành lời cũng chẳng đủ ngôn từ để mô tả. Theo các chuyên gia, đây còn là nơi lý tưởng để các loài rùa biển đang bị đe dọa trên toàn cầu như đồi mồi (Eretmochelys imbricata) và vích (Chelonia mydas) chọn làm tổ. Bởi thảm cỏ biển tại khu vực này chính là nguồn thức ăn khoái khẩu của các loài rùa biển.
Có rất nhiều bãi tắm, biển xanh, cát trắng bao bọc Thổ Chu nhưng đẹp hoang dã, tĩnh lặng như cái thuở hồng hoang phải kể đến bãi biển hòn Từ với hệ sinh thái
rất đặc sắc, khó có nơi nào sánh bằng. Hòn Từ nằm cách bãi Dong - Thổ Chu ước chừng ba cây số, nhưng đi thuyền câu trong mùa gió Tây Nam cấp 3, cấp 4 phải mất gần một giờ đồng hồ vì phải chạy vòng quanh đảo để núp sóng trước khi chúng tôi đổ bộ lên bãi biển. Đó là một bãi cát trắng tinh, hình trăng khuyết nằm phơi mình giữa rặng dừa, những loại cây phong ba, bàng vuông và làn nước trong xanh tạo thành một vịnh nhỏ kín gió. Từ bờ biển, chúng tôi vượt qua vài ghềnh đá, bắt gặp một cảnh quan kỳ thú khác: những tuyệt tác bằng đá qua hàng triệu năm sóng gió miệt mài khắc tạc, bào mòn thành vô số đá dĩa xếp lớp và bao bọc quanh nó.
Nếu bãi biển, quần thể đá hòn Từ khiến chúng tôi say mê thì lặn biển ngắm san hô, bắt ốc tại hòn Cao để lại trong tâm trí chúng tôi những ấn tượng sâu đậm. Có điều, ngày đầu tiên đi lặn biển, chúng tôi chỉ đeo kính, ngậm ống thở vì chủ yếu lặn nổi trên rạn san hô gần bờ có độ sâu 5m, vị trí đủ ánh sáng để ghi ảnh. Đêm về, nhớ lại cái thế giới đầy huyền ảo của không biết cơ man nào loại san hô cùng đàn cá đủ sắc màu ẩn mình dưới độ sâu 10m đã thôi thúc chúng tôi quyết định sáng hôm sau, thuê thuyền quay lại bãi Rạng. Lần này, để có thể lặn chìm, chụp cận cảnh thảm thực vật dưới đáy biển, chúng tôi học cách ngậm ống thở phát ra từ máy bơm ô xy trên thuyền đồng thời đeo dây bảo hiểm, đề phòng dòng chảy cuốn ra xa. Sau vài ba phút lúng túng vì chưa thích nghi, chúng tôi bắt đầu xuống độ sâu trên 8m. Thật thích thú khi tiếp cận với thảm cỏ biển, những đàn cá đang bơi len lỏi trong đám san hô sừng hươu (Montipora) hoặc kéo tụ tập quanh giống san hô tán/bàn (Acropora), thậm chí chúng tôi chỉ cần xòe bàn tay là có thể chạm được chúng.
Sau khi lặn biển chán chê, mọi người đi câu cá chạy, một kiểu buông câu trong khi thuyền đang chạy rất độc đáo, bởi câu không cần lưỡi lại không dùng cá con làm mồi như ta thường thấy câu cá chạy tại Phú Quốc. Mồi ở đây chủ yếu là miếng nylon bằng bàn tay, được xé nhỏ thành mớ bùi nhùi cột vào sợi dây cước dài khoảng 30-50m. Mỗi lần buông câu, mớ bùi nhùi được thả phía đuôi thuyền cứ chạy loáng thoáng dưới mặt nước khiến những loại cá có hàm răng lởm chởm như cá xương xanh, cá kiếm vốn rất háu ăn tưởng là con mồi đang chuyển động nên truy đuổi theo. Và khi đã đớp trúng thì hàm răng sẽ vướng chặt vào mớ nylon, khó mà thoát được.
Câu cá chạy rất hào hứng, lại dễ dàng nên chỉ trong nửa giờ đồng hồ chúng tôi đã câu được một mớ xương xanh, cùng với hơn 1kg ốc cổ hiếu bắt dưới rạn san hô sáng nay, đủ để mọi người nướng ăn chấm mắm me ngay trên thuyền. Quá đã!
Nhưng niềm hạnh phúc nhất của chúng tôi trong những ngày ở Thổ Chu là vượt biển đặt chân tới hòn Nhạn, cũng là điểm chuẩn A1 của đường cơ sở để xác định lãnh hải Việt Nam và là nơi chim nhạn di trú và sinh sản, cách Thổ Chu 5km về hướng Tây Nam. Hôm chúng tôi khởi hành đến hòn Nhạn, biển đang sôi sục, mặt nước chuyển dần sang màu xanh sậm, từng cơn sóng nối tiếp nhau chồm lên dữ dội như muốn dìm lấy con thuyền câu nhỏ bé. “Đành phải chạy cặp theo hòn Xanh để núp gió trước khi gối lên sóng đi tiếp ra hòn Nhạn” - anh Hòa nói thế. Hơn tiếng đồng hồ sau, Hòn Nhạn đã hiện trước mặt cùng lúc trong không gian vang lên âm thanh ồn ào từ tiếng kêu của vô vàn chim nhạn bay kín trên bầu trời, tạo nên cảnh tượng rộn ràng như muốn xua đuổi những vị khách không mời mà tới. Sóng vẫn dồn dập, thuyền vẫn nghiêng ngả, tới mức chúng tôi không thể đứng vững huống hồ là để chụp ảnh, quay phim. Tới nước này, muốn lên đảo chỉ còn cách thuyền phải neo đậu xa bờ để tránh va chạm vào đá ngầm, riêng chúng tôi ôm thùng xốp chứa túi máy ảnh, máy quay phim, cứ thế mà bơi vào. Mặc cho sóng dữ đẩy đưa, mặc cho giày dép bị trôi mất và đá ngầm thỉnh thoảng cứa vào chân, cuối cùng chúng tôi đã đổ bộ lên đảo.
Hòn Nhạn là đảo khô, vốn toàn đá tảng lớn nhỏ chồng chất lên nhau và cây cỏ chỉ sinh sôi khi mùa mưa tới, đó cũng là thời điểm từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, loài nhạn thường bay về sinh sản. Mỗi mùa nhạn thường đẻ 1-2 trứng trong những hốc đá hoặc dưới lùm cây cỏ dại. Nhạn không ấp trứng nhưng hàng ngày sau khi bay đi kiếm ăn thường bay về để xem chừng. Trong vòng 30 ngày, trứng nở, lúc ấy chúng mới mớm cho nhạn con ăn, đến khi đủ lông đủ cánh.
Trở về đất liền, chúng tôi mang theo niềm vui của kẻ khám phá ra nhiều điều kỳ thú về đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc. Nhưng vẫn canh cánh nỗi lo trong tương lai, liệu địa phương có biện pháp bảo tồn môi trường thiên nhiên tươi đẹp như hiện nay khi mà hàng ngày từng nhóm người lên đảo hòn Nhạn để lượm trứng, những con thuyền ngẫu hứng dừng đậu xung quanh hòn Từ, hòn Cao... và mỗi lần thả neo họ có nhận thức đã làm gãy vụn biết bao cành san hô…
Và, còn có một câu hỏi nữa: Sao chưa thấy phát triển du lịch? Bởi lâu nay, tuy Thổ Chu, Nam Du, hòn Khoai, hòn Chuối, đảo Hải Tặc... chẳng còn xa lạ với dân phượt; nhưng đó cũng chỉ là những chuyến đi tự phát của dân du lịch bụi, chứ ngành “công nghiệp không khói” chưa hề có dấu ấn ở đây?
Vùng biển đảo Thổ Chu (còn gọi là Thổ Châu) cách Rạch Giá 220km, gấp 2-3 lần so với chặng đường từ đất liền tới những đảo tiền tiêu ở biển Đông như Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Phú Quý…, việc đi lại còn nhiều khó khăn. Nếu muốn ra đảo, bạn chờ tàu sắt với lịch chạy là 5 ngày/chuyến và lênh đênh trên biển suốt 16 giờ, chưa kể ngủ qua đêm tại Phú Quốc. Trong trường hợp cấp bách, cần đi gấp thì dân đảo buộc phải nhờ cậy thuyền chài hoặc tàu gỗ chở hàng hóa chạy suốt 36 giờ đồng hồ.
|
Trần Thế Dũng
(Tạp chí Du lịch)