Khai trương và đi vào hoạt động từ năm 2018, Công viên Thiên đường Bảo Sơn (tọa lạc trên một không gian rộng lớn và thoáng đãng chỉ cách Trung tâm hội nghị Quốc gia 6km dọc theo Đại lộ Thăng Long) là địa điểm vui chơi giải trí đa năng, tổng hợp cả lĩnh vực kinh tế và du lịch. Mang vẻ đẹp nên thơ kết hợp hài hòa, khéo léo giữa thiên nhiên và nhân tạo, giữa kiến trúc cổ và kiến trúc hiện đại, Công viên Thiên Đường Bảo Sơn cũng đồng thời là nơi lưu giữ nét đẹp văn hoá truyền thống trong sự lựa chọn tinh hoa và hội tụ, là thiên đường của văn hoá nghệ thuật, sinh thái, giải trí và ẩm thực, cũng như không ngừng tiếp cận công nghệ hiện đại.
Trong suốt thời gian hoạt động đến nay, Công viên Thiên Đường Bảo Sơn là điểm đến thu hút đông đảo lượng du khách nội địa đến vui chơi, giải trí và trải nghiệm, với đa dạng hạng mục như: tổ hợp Safari - vườn thú hoang dã; thuỷ cung; công viên nước; tổ hợp vui chơi giải trí cảm giác mạnh; khu phố cổ tái hiện kiến trúc của phố cổ Hà Nội; khu làng nghề truyền thống; phim trường Kỳ quan thế giới; dịch vụ lưu trú; hệ thống nhà hàng; hội trường sự kiện - hội nghị...
Với mục tiêu tăng cường thu hút thêm dòng khách quốc tế trong năm 2020, Công viên Thiên đường Bảo Sơn tập trung đầu tư hoàn thiện và đẩy mạnh hoạt động của khu Làng nghề truyền thống; đầu tư mới nhiều hạng mục, trong đó đặc biệt là hệ thống 3 phòng chiếu phim mới với công nghệ hiện đại, kỳ vọng trở thành một trong những sản phẩm điểm nhấn thu hút du khách trong năm 2020.
Nhằm khảo sát sản phẩm mới và góp ý phương án thu hút dòng khách quốc tế tới Công viên Thiên đường Bảo Sơn, đoàn công tác TCDL do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Thị Thanh Hương dẫn đầu đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội khảo sát tại Thiên Đường Bảo Sơn vào ngày 9/1/2020. Tại dịp này, đoàn đã trực tiếp tham quan không gian làng nghề truyền thống đã được cải tạo mới phù hợp hơn dành cho khách du lịch. Khu vực làng nghề được thiết kế với các không gian riêng biệt quy tụ những sản phẩm thủ công đặc sắc của các làng nghề miền Bắc như lụa Hà Đông, tranh thêu Quất Động, tranh đá quý Lục Yên, gốm Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, nón làng Chuông… Tại mỗi làng nghề riêng biệt đều có các gian hàng trưng bày và không gian trải nghiệm thực tế dành cho du khách tìm hiểu quy trình sản xuất và cách thức làm ra những sản phẩm thủ công truyền thống, cùng các dịch vụ quà lưu niệm mới được bổ sung. Chính giữa khu vực làng nghề là không gian đình làng, nơi du khách có thể thưởng thức các buổi diễn văn hoá nghệ thuật truyền thống như hát chầu văn...
Ngay sát khuôn viên làng nghề là khu vực phòng chiếu phim hiện đại gồm 3 phòng chiếu: phòng chiếu phim lịch sử, văn hóa Việt Nam với những thước phim ngắn mang tới cho du khách cái nhìn toàn cảnh về lịch sử Việt Nam từ thời dựng nước, giữ nước cho đến ngày nay; phòng chiếu phim sa bàn giới thiệu cho du khách toàn cảnh hình ảnh văn hoá du lịch đặc sắc các vùng miền đất nước con người Việt Nam trải dọc từ Bắc đến Nam; và đặc biệt phòng chiếu phim bay với công nghệ hiện đại đưa khán giả trở thành những du khách chiêm ngưỡng các điểm đến và danh lam thắng cảnh khắp đất nước Việt Nam từ trên không. Khán giả sẽ cảm giác được bay qua qua những đỉnh núi, ruộng bậc thang Tây Bắc hùng vĩ, những dòng sông, những cánh đồng lúa cho đến khắp biển đảo Việt Nam…
Theo đại diện Công viên Thiên đường Bảo Sơn, các sản phẩm mới sẽ ra mắt du khách ngay sau dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, với nhiều gói dịch vụ dành riêng cho từng đối tượng khách khác nhau. Đại diện Công viên Thiên đường Bảo Sơn cũng đề nghị TCDL tạo điều kiện hỗ trợ trong công tác xúc tiến quảng bá; đưa các đoàn doanh nghiệp, báo chí về khảo sát, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm của Thiên đường Bảo Sơn, đặc biệt là với du khách, các hãng lữ hành, báo chí quốc tế.
Sau khi khảo sát, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương cùng đoàn công tác đánh giá cao tính tích cực và mới lạ của sản phẩm giải trí được Công viên Thiên đường Bảo Sơn đầu tư cũng như hoạt động thiết thực tại khu vực hoạt động các làng nghề truyền thống. Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương lưu ý Thiên đường Bảo Sơn các vấn đề liên quan đến lịch sử khi trình chiếu cần có sự đồng thuận của cơ quan chức năng chuyên môn; bên cạnh đó tăng cường thêm hướng dẫn viên tại khu vực hoạt động các làng nghề truyền thống.
Đối với công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm mới thu hút du khách quốc tế, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương giao Vụ Lữ hành, Vụ Thị trường Du lịch lưu tâm nghiên cứu các sản phẩm của Công viên Thiên đường Bảo Sơn để đưa ra những hỗ trợ cần thiết; xây dựng kế hoạch khảo sát cụ thể cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế tới khảo sát trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy tăng cường cơ cấu khách quốc tế tới Thiên đường Bảo Sơn.
Hạ Tinh