Khí hậu vùng đất này tương đối dễ chịu, nắng không quá gay gắt và mưa không kéo dài nên rất thích hợp cho hoạt động du lịch. Sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, thành phố còn lưu giữ được nhiều dấu tích kiến trúc xưa và cổ vật tại các hệ thống bảo tàng. Đồng thời, nhiều công trình hiện đại nổi bật đã và đang được thành phố xây dựng, rất nhiều du khách quốc tế đến tham quan. Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh còn là nơi hội tụ cư dân từ mọi miền đất nước và khắp thế giới, góp phần tạo nên một thành phố đa dạng văn hóa và đặc sắc về ẩm thực. Tính cách con người nơi đây mang nét phóng khoáng, hào sảng, thân thiện và mến khách.
Điểm tham quan văn hóa và lịch sử
Trụ sở UBND thành phố Hồ Chí Minh
Tòa nhà được xây dựng từ năm 1898 và khánh thành vào năm 1909, do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ kính đẹp nhất của thành phố Hồ Chí Minh và hiện là nơi làm việc của Ủy ban nhân dân thành phố. Đối diện tòa nhà là tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn về quảng trường Nguyễn Huệ hay còn gọi là “phố đi bộ Nguyễn Huệ”, được đưa vào hoạt động từ năm 2015, với tổng chiều dài 640m hướng về bến Bạch Đằng cạnh bờ sông Sài Gòn.
Dinh Độc Lập
Nổi bật bởi kiến trúc độc đáo và hiện vật lịch sử được giữ nguyên, dinh Độc Lập được xây dựng trên diện tích 12ha, gồm một dinh thự nằm giữa khuôn viên rộng lớn trồng nhiều cây xanh và thảm cỏ. Dinh Độc Lập là nơi ghi dấu sự kiện thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với những giá trị văn hóa tiêu biểu, di tích đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2009. Từ dinh Độc Lập, du khách có thể dễ dàng đi bộ tham quan Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện trung tâm thành phố.
Bưu điện trung tâm thành phố
Bưu điện trung tâm thành phố Hồ Chí Minh là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố, được xây dựng vào khoảng những năm 1886 - 1891 theo bản thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Công trình này là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và phong cách trang trí phương Đông. Tòa nhà có kết cấu hình khối với mái vòm hình vòng cung phía trên các cửa ra vào. Phía mặt tiền tòa nhà được trang trí bằng các ô hình chữ nhật có hình nam nữ đội vòng nguyệt quế, đề tên một số danh nhân Pháp cùng các nhà phát minh ra ngành điện tín và ngành điện. Bước vào bên trong, du khách có thể nhìn thấy 2 tấm bản đồ được gắn hai bên vòm trần. Đó là các tấm bản đồ lịch sử “Saigon et ses environs 1892” và “Lignes téléraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge 1936”. Tại đây, các quầy phục vụ khách hàng cung cấp đủ các dịch vụ bưu điện cùng mạng lưới điện báo rộng khắp đến các địa phương tại Việt Nam và các nước trên thế giới.
Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh
Tiền thân của Bảo tàng Mỹ thuật là một dinh thự được xây dựng vào năm 1920 theo kiến trúc phương Tây. Hiện nay, Bảo tàng là một trong những trung tâm mỹ thuật lớn nhất Việt Nam với hơn 20.000 hiện vật, diện tích trưng bày đến 2.892m2 bên trong và hơn 1.623m2 diện tích trưng bày ngoài trời, gồm 4 tầng: 1 tầng trệt và 3 tầng lầu. Tầng 1, bảo tàng dành cho triển lãm mỹ thuật của những tác giả trong và ngoài nước. Tầng 2 là phòng trưng bày các tác phẩm hội họa và điêu khắc có giá trị mỹ thuật cao. Tầng 3, gồm các phòng trưng bày mỹ thuật từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 10 bao gồm tác phẩm điêu khắc Chămpa và Óc Eo, đồ cổ Việt Nam, đồ thủ công mỹ nghệ và các mảnh của bộ sưu tập nghệ thuật châu Âu tại Việt Nam trong thế kỷ 18 - 20.
Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh
Được xây dựng vào năm 1890 theo phong cách cổ điển, phục hưng của kiến trúc sư người Pháp Foulhoux, kiến trúc tòa nhà bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa đường nét Tây phương và Á Đông. Khác với dự tính ban đầu, sau khi hoàn tất xây dựng, tòa nhà được dùng làm dinh Thống đốc và nơi làm việc của chính quyền đương thời trong các giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khi đất nước thống nhất, vào tháng 8/1978, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định sử dụng tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 13/12/1999 thì đổi tên thành Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay. Tại lối vào, ở hai bên cửa chính của bảo tàng là hai bức tượng nữ thần thương nghiệp và công nghiệp thể hiện chủ ý, cũng là mục tiêu ban đầu khi bảo tàng được xây dựng là Bảo tàng Thương mại nhằm trưng bày những sản vật trong nước. Hiện nay, Bảo tàng trưng bày các hiện vật phác họa lại lịch sử của thành phố và là địa điểm chụp ảnh yêu thích của giới trẻ.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh
Được xây dựng trong khuôn viên của Thảo Cầm Viên vào năm 1929, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh sở hữu bộ sưu tập khổng lồ với hơn 37.000 hiện vật theo dấu vết lịch sử người Việt từ thời tiền sử đến thời kỳ Pháp chiếm đóng. Hiện nay, bảo tàng trưng bày một số cổ vật của nghệ thuật điêu khắc Chămpa, văn hóa Óc Eo, văn hóa cổ đồng bằng sông Cửu Long, văn hóa các dân tộc Việt Nam và một số nước châu Á, đặc biệt là những bảo vật quốc gia như: con dấu thời Lê (năm 1471), 13 cổ khí sản xuất thời Minh Mạng (năm 1839), chiếc ngọc tỷ “Hoàng đế Tôn thân Chi bảo” bằng ngà của triều Nguyễn...
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
Đây là bảo tàng chuyên đề nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về hậu quả tàn khốc của các cuộc chiến tranh mà Việt Nam đã trải qua. Kể từ khi mở cửa phục vụ cho công chúng vào năm 1975 đến nay, bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh là những bằng chứng lên án các cuộc chiến tranh phi nghĩa nhằm vào Việt Nam. Bảo tàng còn là nơi chia sẻ nỗi đau mất mát với những nạn nhân của chiến tranh, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh
Được xây dựng vào năm 1863, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh (trước đây là Bến Nhà Rồng) là chi nhánh nằm trong hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, vào năm 1911, người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành (tên thiếu thời của Hồ Chủ tịch) đã bước vào cuộc hành trình hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước. Bảo tàng hiện trưng bày những tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến tiểu sử, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà thờ Đức Bà
Được khởi công từ năm 1877, Nhà thờ Đức Bà do kiến trúc sư người Pháp Bourard thiết kế dựa trên sự mô phỏng Nhà thờ Notre Dame của Paris với bức tượng Đức Trinh Nữ Maria đặt tại quảng trường trước nhà thờ. Hầu hết nguyên vật liệu từ gạch, ngói, xi măng, kính trang trí đều được vận chuyển từ Pháp sang và hoàn thành sau 3 năm xây dựng. Trải qua hơn 140 năm với nhiều biến động chính trị, lịch sử, Nhà thờ Đức Bà vẫn là tuyệt tác của kiến trúc đô thị thành phố Hồ Chí Minh. Từ Nhà thờ Đức Bà, du khách có thể đi bộ đến dinh Độc Lập và Bưu điện thành phố.
Chùa Giác Lâm
Giác Lâm là ngôi chùa lâu đời nhất thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được thành lập năm 1744 và kiến trúc không thay đổi nhiều trong hơn 250 năm qua. Với lối kiến trúc được xem là tiêu biểu của các chùa Nam Bộ, chùa có chính điện với kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái, bốn cột chính được khắc câu đối thếp vàng. Chùa còn có 113 pho tượng cổ, chủ yếu là tượng gỗ như: tượng Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Di Lặc Bồ Tát, Thế chí Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, bộ tượng 18 vị La Hán…
Việt Nam quốc tự
Việt Nam quốc tự là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, và là nơi diễn ra các sự kiện, lễ hội quan trọng của Phật giáo thành phố. Điểm đặc sắc của chùa là bảo tháp 13 tầng, cao 63m mang ý nghĩa là công trình tôn giáo kỷ niệm cuộc đấu tranh bất bạo động đòi bình đẳng tôn giáo của Phật giáo diễn ra năm 1963. 13 tầng của bảo tháp có ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần phụng sự, thống nhất của 13 tổ chức, hội đoàn, tông phái tham gia cuộc tranh đấu bất bạo động của Phật giáo năm 1963. Bảo tháp dự kiến sẽ là nơi trưng bày tư liệu về cuộc đấu tranh lịch sử đó. Ngoài ra, nơi đây sẽ còn được dùng làm nơi thờ phụng xá lợi của hòa thượng Thích Quảng Đức - người đã tự hỏa thiêu chính mình để phản đối sự đàn áp Phật giáo khi xưa.
Khu vui chơi giải trí
Thị trấn tuyết - Snowtown Saigon
Với diện tích khuôn viên rộng 4.000m2 phủ đầy tuyết được làm từ công nghệ Nhật Bản, Snowtown Saigon là khu vui chơi, giải trí đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh có tuyết phủ trắng quanh năm như mùa đông ở châu Âu. Đến với thị trấn, du khách sẽ được vui chơi thỏa thích cùng các hoạt động hấp dẫn trong khu vui chơi tuyết trung tâm với nhiệt độ luôn giữ ở mức 180C, khu trò chơi liên hoàn dành cho trẻ em, khu trò chơi tương tác thực tế ảo và khu thực hành thủ công. Ngoài ra, nơi đây còn có khu ẩm thực và khu tổ chức sinh nhật.
Công viên nước Đầm Sen
Công viên nước Đầm Sen có không gian hài hòa được kết hợp với những dòng sông lãng mạn làm tan đi những lo lắng buồn phiền của du khách khi trải nghiệm các dịch vụ tại đây... Với 31 thiết bị trò chơi dưới nước hiện đại cùng một hồ tạo sóng mát lạnh rộng 3.000m², nơi đây mang đến cho khách tham quan cảm giác thư giãn thú vị.
Khu du lịch Suối Tiên
Với diện tích khoảng 35ha, Suối Tiên được xem là công viên chủ đề lớn nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Kiểu kiến trúc và các thể loại vui chơi tại công viên được lồng ghép vào các hình ảnh lịch sử và truyền thuyết Việt Nam như tượng Lạc Long Quân, Âu Cơ, vua Hùng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, chín tầng địa ngục, tứ linh hội tụ (long - lân - quy - phụng), công viên nước và đặc biệt là biển Tiên Đồng - biển nhân tạo duy nhất ở Việt Nam. Đây là địa điểm thu hút khá nhiều du khách không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn từ các tỉnh, thành lân cận đến vui chơi giải trí. Vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm, tại công viên sẽ tổ chức nghi lễ giỗ tổ Hùng Vương để ghi nhớ công ơn vị vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam từ thuở khai thiên lập địa.
Hồ con rùa
Hồ con rùa tọa lạc ngay trung tâm công trường quốc tế, là nơi tập trung hơn 20 quán cà phê - một trong những “đặc sản” của thành phố. Những quán cà phê ở đây như: Napoli, The Coffee House, Highlands, Phúc Long, Papa… mang phong cách khác nhau, từ sang trọng cầu kỳ đến bình dân giản dị. Hồ là nơi lui tới thường xuyên của các thanh thiếu niên hay thương gia, khách du lịch. Khi đêm xuống, xung quanh hồ là khu vực vui chơi, thư giãn của giới trẻ với nhiều hàng thức ăn vặt hấp dẫn.
Thảo Cầm Viên
Thảo Cầm Viên là một trong những sở thú có tính đa dạng hàng đầu ở Đông Nam Á, nơi có nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm với khoảng 125 loài động vật, 260 loài cây gỗ, 23 loài hoa lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loài bonsai… và hiện đang được bổ sung thêm. Từ năm 1990, nơi đây là thành viên của Hội Động vật học Đông Nam Á. Đây cũng là công viên dành cho trẻ em với nhiều trò chơi và các hoạt động thú vị. Ngoài ra, trong khuôn viên Thảo Cầm Viên còn có 2 công trình kiến trúc đặc sắc là đền thờ vua Hùng được xây dựng vào năm 1926 và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - thành phố Hồ Chí Minh mở cửa phục vụ du khách từ năm 1929.
Công viên văn hóa Đầm Sen
Công viên văn hóa Ðầm Sen rộng hơn 52ha là một trong những công viên lớn và hiện đại nhất cả nước. Kiến trúc nơi đây thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Công viên có nhiều kiến trúc nổi bật như: những khu vườn mang đậm nét Đông Phương, quảng trường châu Âu được xây dựng theo kiến trúc La Mã, vườn bonsai, cầu Cửu Khúc... Nơi đây còn có nhiều trò chơi giải trí hấp dẫn thu hút khách tham quan tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và từ các tỉnh, thành lân cận nói chung. Vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm, tại công viên diễn ra nghi lễ giỗ tổ Hùng Vương để ghi nhớ công ơn vị vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam thuở khai thiên lập địa; vào tháng 5 hàng năm, công viên mang đến cho du khách những màn trình diễn văn nghệ đờn ca tài tử Nam Bộ hấp dẫn cùng những món ngon tuyệt vời thuộc khuôn khổ Liên hoan Ẩm thực Đất phương Nam thường niên của thành phố.
Khu du lịch Bình Quới
Nằm trên bán đảo Thanh Đa bên sông Sài Gòn, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 8km, Khu du lịch Bình Quới là địa điểm thú vị thư giãn vào cuối tuần, đặc biệt đối với những người yêu thiên nhiên. Tại đây có bơi thuyền, nhà hàng, hồ bơi, sân tennis, điểm cắm trại, nhà nghỉ và các trò chơi dành cho trẻ em.
Khu sinh thái Cần Giờ
Cần Giờ là khu rừng ngập mặn lớn nhất và cũng là lá phổi của thành phố Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong hệ thống các khu sinh quyển của thế giới vào tháng 1/2000. Du khách có thể ngồi thuyền máy len lỏi sâu vào rừng ngập mặn, tìm về chiến khu rừng Sác nổi tiếng một thời; dừng chân ở cầu Dần Xây, ngồi thuyền máy đi tham quan đầm Dơi tại Vàm Sát, chinh phục tháp Tang Bồng cao 28m để ngắm nhìn toàn cảnh rừng ngập mặn Cần Giờ và từng đàn cò bay về tổ vào lúc hoàng hôn. Cần Giờ, một địa chỉ đỏ trong sách bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên là điểm đến hấp dẫn du khách yêu thích dã ngoại, muốn được khám phá thiên nhiên.
Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi
Địa đạo Củ Chi là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, một công trình độc đáo với hệ thống đường hầm nằm sâu trong lòng đất, nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như mạng nhện, dài trên 200km, trong đó bao gồm nơi ăn ở, hội họp, chiến đấu… Địa đạo Củ Chi thể hiện ý chí kiên cường, trí thông minh, niềm tự hào của người dân Củ Chi, là biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, đến với thành phố Hồ Chí Minh, du khách có thể tìm cho mình một góc nhỏ đọc sách bên ly cà phê thơm nồng tại phố sách Nguyễn Văn Bình hay tìm những vị thuốc quý tại phố Đông y; du khách có thể tản bộ mua sắm các sản phẩm thời trang đến từ những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Dolce & Gabbana, Roberto Cavalli, Burberry, Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermès, Prada… tại phố Đồng Khởi; mua những bộ cánh mới, chất lượng tại phố thời trang với hàng trăm cửa hàng kinh doanh uy tín, đảm bảo hoặc có thể dạo quanh, tìm hiểu và mua một vài sản phẩm trang sức tại phố vàng, bạc, đá quý...
Lễ hội và sự kiện tiêu biểu
Đường hoa Nguyễn Huệ
Trong dịp Tết Nguyên đán, đường hoa Nguyễn Huệ được trang hoàng rực rỡ đầy màu sắc với đủ các loài hoa, cây cảnh trong cả nước. Đặc biệt, trên đường có các nhóm trình diễn nhạc cụ dân tộc, múa sạp, trò chơi dân gian. Đây là nét đẹp văn hóa của thành phố được du khách trong và ngoài nước yêu thích mỗi độ xuân về.
Lễ hội Áo dài
Diễn ra vào đầu tháng 3 hàng năm, Lễ hội áo dài gồm nhiều chương trình đặc sắc như: hội thi “Duyên dáng áo dài”, vẽ áo dài trên giấy, trình diễn thời trang áo dài… nhằm tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, vẻ đẹp dịu dàng của tà áo dài - trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Liên hoan ẩm thực món ngon các nước
Liên hoan ẩm thực món ngon các nước diễn ra vào tháng 12 hàng năm tại thành phố Hồ Chí Minh. Đến với liên hoan, du khách sẽ được tìm hiểu và khám phá những tinh hoa ẩm thực của Việt Nam và thế giới thông qua các hoạt động: hội thi nấu ăn, biểu diễn bartender... Đặc biệt, đến đây du khách sẽ có cơ hội nếm thử các món ăn ngon, thưởng ngoạn cách chế biến cũng như nghệ thuật trình bày độc đáo trong văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam và các nước.
Lễ giỗ tổ Hùng Vương
Vào mỗi dịp giỗ tổ, người dân dâng hương, dâng hoa ghi nhớ công ơn vị vua đầu tiên của dân tộc, người đã khai sinh đất nước và con người Việt Nam. Lễ diễu hành quy tụ hơn 4.000 diễn viên quần chúng tái hiện truyền thuyết gắn liền với các triều đại vua Hùng. Song song với các lễ là Ngày hội giao lưu văn hóa các vùng miền, các chương trình ca nhạc dân tộc, biểu diễn võ thuật, hát bội, cải lương và trò chơi dân gian đặc sắc.
Lễ hội trái cây Nam Bộ
Lễ hội trái cây Nam Bộ được tổ chức vào tháng 6 hàng năm nhằm giới thiệu các loại trái cây đa dạng, phong phú của các vùng miền. Lễ hội có nhiều hoạt động như cuộc thi tạo hình trái cây, lễ diễu hành trái cây, triển lãm trái cây với sự tham gia của các đại diện đến từ nhiều vùng trái cây nổi tiếng và các nước ASEAN. Đặc biệt, chợ trái cây kéo dài suốt 3 tháng với đa dạng các chủng loại được bán với giá đặc biệt ưu đãi dành cho khách tham quan.
Liên hoan ẩm thực đất Phương Nam
Liên hoan ẩm thực đất Phương Nam diễn ra vào tháng 5 hàng năm tại thành phố mang tên Bác. Đến với liên hoan, khách tham quan sẽ được giới thiệu và hiểu thêm về tính đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam nói chung và vùng đất phương Nam nói riêng. Ngoài ra, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục đờn ca tài tử Nam Bộ do các nghệ sĩ, các câu lạc bộ đờn ca tài tử thể hiện.
Ẩm thực
Cơm tấm sườn
Sẽ không còn là một thành phố Hồ Chí Minh trọn vẹn nếu mỗi buổi sáng thiếu vắng mùi thơm nức từ bếp than hồng đỏ lửa đang nướng sườn. Ăn thịt nướng kết hợp với những hạt gạo tấm đầy dinh dưỡng sẽ là một sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn khi đến thành phố này. Dĩa cơm trắng, bên trên đặt một miếng sườn nướng đỏ sậm âm ấm được bao phủ bởi lớp mỡ hành, thêm vài lát cà chua và dưa leo, một chén nước mắm pha chua ngọt ăn kèm đủ khiến bao người say đắm.
Bánh xèo
Bánh xèo là một trong những món ăn ngon nổi tiếng của Việt Nam, là nét văn hóa ẩm thực được du khách nước ngoài yêu mến. Với mỗi vùng miền, bánh xèo có những đặc điểm, hương vị rất riêng. Bánh xèo ở thành phố Hồ Chí Minh thường được làm theo kiểu miền Tây, có kích cỡ lớn, nhiều nhân tôm, thịt, mực, đậu xanh, có vị nước cốt dừa để thêm béo. Vỏ bánh giòn quyện với vị thơm dịu của đậu xanh ăn kèm nước mắm chua ngọt và rau sống sẽ là một món ngon mà bạn không thể cưỡng lại.
Những quán ốc
Không ai biết các quán ốc ở thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện chính xác vào thời điểm nào, người ta chỉ biết rằng tại đây có những khu phố ốc ra đời từ rất lâu. Mỗi khi nhắc đến chuyện đi ăn ốc hầu như người dân nào ở đây cũng đều hồ hởi gật đầu ngay. Khi thành phố lên đèn, người người đổ xô ra đường tìm đến các quán ốc giải khuây. “Văn hóa ốc đêm” ở thành phố Hồ Chí Minh khiến nhiều du khách thập phương không khỏi bỡ ngỡ, tưởng rằng đây là xứ ốc.
Với những thế mạnh về văn hóa, tự nhiên, những năm qua, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã và đang khẳng định vai trò, vị trí là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước với tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững, quy mô hoạt động ngày càng lớn, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước.
T.T