Là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa, với thành phần đa sắc tộc, mỗi dân tộc đều có những bản sắc riêng biệt tạo nên một bức tranh văn hóa vô cùng đặc sắc. Sự cộng cư của các dân tộc Tày, Nùng… tạo nên sự giao thoa văn hóa đa dạng. Không những thế, Bắc Sơn nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phong phú. Đây chính là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút du lịch riêng cho Bắc Sơn nói riêng và Lạng Sơn nói chung.
Với mong muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu dịch vụ của địa phương, thời gian qua huyện Bắc Sơn đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu nói trên, cụ thể như phối hợp với Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) xây dựng Đề án phát triển du lịch huyện Bắc Sơn giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025; cùng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lạng Sơn xây dựng các điểm du lịch nổi bật, hình thành làng văn hóa du lịch cộng đồng, phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện cũng như kết nối tour, tuyến với các điểm du lịch của huyện Bình Gia và khu vực lân cận…
Mới đây nhất, đoàn khảo sát du lịch gồm 15 doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế cùng một số cơ quan báo chí đã có chương trình khảo sát tại Bắc Sơn để triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch cụ thể, cũng như đẩy mạnh thông tin quảng bá du lịch Bắc Sơn đến nhân dân, du khách trong nước, quốc tế.
Trực tiếp dẫn đoàn khảo sát đến các điểm du lịch mới của huyện,ông Hoàng Thế Vinh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin Bắc Sơn cho biết, thế mạnh của Bắc Sơn không chỉ là cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa (14 điểm di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1 điểm di tích quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh) mà còn là nơi các nhà khảo cổ phát hiện những dấu tích của người Việt cổ.
Vòng cung núi đá vôi Bắc Sơn - Ngân Sơn chạy qua hầu hết các xã trong huyện đã tạo nên một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, đặc biệt là các hang động trong lòng các dãy núi đá.
Điển hình như hang KeengTao (nằm trên địa bàn thôn Hoan Trung 1, xã Chiến Thắng, Bắc Sơn) với chiều dài trên 300 m, vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ, kỳ ảo, gây ấn tượng đặc biệt với du khách. Dòng nước tự nhiên từ lòng núi chảy xuyên qua hang tạo thành dòng suối Mỏ Mắm ngày đêm róc rách khiến cho không gian trở nên sinh động, hấp dẫn vô cùng.
Bước vào hang, cảm nhận đầu tiên là không khí mát mẻ đầy sảng khoái. Trong lòng hang, nhũ đá mang nhiều hình thù kỳ dị được kết hợp với hệ thống chiếu sáng dịu nhẹ khiến sự lung linh huyền ảo tăng lên bội phần. Không ít du khách ồ lên đầy kinh ngạc trước những dải thạch nhũ từ trên vòm đá cao rủ xuống. Cấu trúc hang khá phức tạp, có đoạn nhũ đá từ trần hang đột ngột chắn ngang lối đi, phải cúi gập người mới qua được, hay có ngóc ngách chỉ một người đi lọt, lại có chỗ dốc dựng đứng, phải leo lên bằng thang tre. Thiên nhiên đã tạo nên vô vàn nhũ đá hình thù khác lạ trong hang núi cùng với tiếng nước chảy róc rách tạo nên điệu nhạc nước khá vui tai khiến du khách ngẩn ngơ “quên lối về”…, phía cuối hang, một khe hở tự nhiên giữa vách núi thông lên trời, tạo một điểm nhấn đặc sắc kết thúc hành trình khám phá hang…
Một điểm đến khác không kém phần đặc sắc là vườn quýt Hang Hú. Leo qua một hẻm núi cao chừng 20 m, một vườn quýt đẹp như cổ tích hiện ra trước mắt. Chủ vườn là ông Hoàng Công Vinh, một cựu chiến binh đã khai phá, trồng vườn quýt trên 2 ha từ cách đây 30 năm. Gần đây, được sự vận động của huyện Bắc Sơn, phòng Văn hóa – Thông tin, ông Vinh đã kết hợp mô hình sinh thái nông nghiệp và du lịch. Du khách tới thăm vườn quýt vào mùa trái chín có thể thưởng thức hương vị thơm ngon của quýt tại vườn, mua quýt về làm quà, thưởng thức các món ẩm thực mang đậm hương vị của đồng bào dân tộc…
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn là nơi lý tưởng để du khách trải nghiệm bản sắc văn hóa của người Tày. Từ mô hình thử nghiệm năm 2010 với vài hộ gia đình tham gia làm du lịch, phục vụ khách du lịch lưu trú khi đến thăm thung lũng Bắc Sơn, đến nay loại hình lưu trú homestay phục vụ du khách khá nhiều.
Nét độc đáo của làng Quỳnh Sơn là hơn 500 ngôi nhà sàn cổ đều quay về một hướng. Núi ôm quanh nhà, nhà ôm quanh ruộng lúa, tạo thành không gian hài hòa với cảnh quan núi non, đồng ruộng xung quanh.
Đêm Quỳnh Sơn, đoàn khảo sát được thưởng thức những món ẩm thực đặc sản của vùng đất này (lợn quay, bánh chưng đen, xôi cẩm, rượu ngô men lá…và hòa mình vào những điệu hát Then, đàn Tính đậm đà bản sắc.
Đến Bắc Sơn mà không lên đỉnh Nà Lay thì quả là điều đáng tiếc bởi đây là địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn từ trên cao. Từ nơi đây, “bức tranh thiên nhiên” Bắc Sơn được thu vào tầm mắt với dòng sông uốn lượn giữa sắc vàng óng ả của lúa, những ngôi nhà sàn giản dị của đồng bào dân tộc Tày, Nùng nằm nép mình dưới chân núi…
Bên cạnh những thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi, người dân Bắc Sơn đã và đang nỗ lực xây dựng thêm nhiều điểm đến mới, hấp dẫn du khách. Có thể kể đến dự án du lịch sinh thái cộng đồng hồ Vũ Lăng, hay dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và gắn nông nghiệp Vườn cam Tân Hương của công ty cổ phần Phú Lộc – Phú Tài, với vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng…
Chắc chắn, trong tương lai gần, Bắc Sơn sẽ trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn du khách gần xa…
VH