Theo ghi nhận của phóng viên, tại các bãi tắm Mỹ Khê và các quán ăn hải sản dọc biển Đà Nẵng, vẫn đông người dân, du khách tham quan, du lịch và thưởng thức các loại hải sản của thành phố.
Để có được kết quả này chính là sự vào cuộc rất khẩn trương, quyết liệt và đầy trách nhiệm của lãnh đạo và các ngành chức năng của thành phố Đà Nẵng. Ngay từ ngày 26/4 khi có thông tin người dân phát hiện có vài con cá chết trôi dạt vào bờ biển Đà Nẵng, các ngành chức năng đã tiến hành lấy mẫu phân tích chất lượng nước biển. Chiều 28/4, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã báo cáo kết quả kiểm tra lấy mẫu phân tích chất lượng nước ven biển Đà Nẵng. Theo đó, các thông số về hàm lượng các chất trong nước đều nằm ở giới hạn cho phép, đảm bảo phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước.
Cùng thời gian này, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành cùng xuống biển tắm để khẳng định biển Đà Nẵng rất an toàn, tạo sự yên tâm cho người dân và du khách. Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, ông vẫn giữ thói quen tắm biển mỗi ngày.
Chiều 29/4, sau khi dự khai trương chương trình mùa du lịch biển Đà Nẵng 2016, ông Cường cùng bạn bè xuống tắm biển với người dân. Ngay trong ngày 29/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng đã chủ trì buổi đối thoại tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân và các tiểu thương; tổ chức cho ngư dân, các chủ nậu cam kết, khai rõ nguồn gốc hải sản đánh bắt, nguồn nhập, chất lượng sau đó công bố rộng rãi, từ đó xây dựng niềm tin về hải sản sạch, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.
Dù là ngày nghỉ lễ 1/5, lãnh đạo thành phố vẫn có cuộc họp khẩn với lãnh đạo các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện để bình ổn thị trường, giúp ngư dân đánh cá bình thường, tạo tâm lý an tâm cho người dân và du khách khi đến Đà Nẵng.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng khẳng định nhiệm vụ cung cấp được nguồn hải sản an toàn, tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi, tiểu thương buôn bán. Muốn làm được điều này, ông Dũng nhấn mạnh phải kiểm soát chặt chẽ đầu vào và khâu vận chuyển.
Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Sở đang tiến hành truy xuất nguồn gốc hải sản. Bắt đầu từ ngày 2/5, tàu thuyền ra khơi đều có sổ nhật ký ghi chép nơi đánh bắt, ngư trường, kết hợp với định vị của cơ quan chức năng để kiểm soát. Khi về cảng, Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng sẽ tiến hành kiểm tra. Đồng thời, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sẽ tiến hành kiểm nghiệm chất lượng hải sản để thông báo cho người tiêu dùng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huỳnh Đức Thơ vừa có Văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng khẩn trương hướng dẫn ngư dân vùng khai thác hải sản, quản lý chặt các phương tiện đánh bắt hải sản, bảo đảm việc đánh bắt ở các vùng biển không nghi ngờ về ô nhiễm nguồn nước.
Bên cạnh đó xác lập quy định, quy trình để quản lý chặt chẽ các nguồn hải sản nhập vào thành phố Đà Nẵng phải đảm bảo vệ sinh tuyệt đối. Lập thủ tục cần thiết để xác nhận sản phẩm an toàn cho các cơ sở khai thác, thu mua, chế biến hải sản trên địa bàn thành phố bắt đầu từ ngày 4/5.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với các đơn vị thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản trên địa bàn thành phố (các doanh nghiệp) để bàn biện pháp đẩy mạnh thu mua, chế biến xuất khẩu hải sản; yêu cầu các doanh nghiệp không được lợi dụng tình hình để ép giá, gây khó khăn cho bà con ngư dân; có biện pháp hỗ trợ cho các hoạt động này của các doanh nghiệp.
Sở cũng chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền đến ngư dân tuyệt đối không đổ cá chết xuống sông, biển gây ô nhiễm nguồn nước, tạo tâm lý hoang mang dư luận xã hội... Nghiên cứu tình hình thực tế, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Công thương tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố có hướng hỗ trợ khó khăn cho bà con ngư dân vào thời điểm này.
Sở Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập sản phẩm khai thác hải sản ở các tỉnh phía Bắc vào thành phố Đà Nẵng. Hình thành các điểm bán hải sản tập trung tại các chợ và một vài địa điểm lưu động trên địa bàn thành phố bắt đầu từ ngày 4/5.
Đồng thời, các đơn vị chức năng phản ánh tình hình chính xác, kịp thời; thông tin tuyên tuyền các nội dung chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về vấn đề này để người dân an tâm sử dụng sản phẩm hải sản; thực hiện thông tin, thông báo các địa điểm bán sản phẩm hải sản tập trung theo đề nghị của Sở Công thương; tổ chức các xe lưu động tuyên truyền sâu rộng đến tận người dân. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan trắc, lấy mẫu nguồn nước biển và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tất cả sự vào cuộc đầy trách nhiệm và khẩn trương của lãnh đạo, các ngành chức năng nhằm khẳng định môi trường Đà Nẵng vẫn an toàn, đặc biệt về bãi tắm và thức ăn hải sản.
Anh Trần Anh Tuấn (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng gia đình chọn quán hải sản lớn ở tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp để thưởng thức bữa tối chia sẻ, mặc dù nhìn thấy biển trong xanh, hải sản tươi rói nhưng phải đến khi có kết luận chính thức của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng thì chiều nay gia đình anh mới thoải mái tắm biển và thưởng thức hải sản. Anh vui vẻ cho biết, những kết luận nhanh, kịp thời, rõ ràng của lãnh đạo thành phố đã giúp chuyến nghỉ dưỡng của gia đình anh thực sự yên tâm.
Chị Nguyễn Hồng Uyên (Bắc Ninh) cùng gia đình du lịch tại Đà Nẵng cho biết, qua theo dõi, cập nhật tin tức hàng ngày về vụ cá chết ở các tỉnh miền Trung, chị Uyên chỉ thực sự yên tâm khi đọc kết quả kiểm tra lấy mẫu phân tích chất lượng nước ven biển Đà Nẵng./.
Nguồn: TTXVN