(VTR) - Thực hiện Đề án Đổi mới công tác cai nghiện, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 2 Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội đã được chuyển đổi mô hình hoạt động vừa cai nghiện bắt buộc, vừa cai nghiện tự nguyện, vừa điều trị thay thế bằng Methadone và tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án, kết nối các dịch vụ điều trị nghiện tại cộng đồng.
Hiện tại, các Trung tâm đang cai nghiện cho 230 người nghiện trong đó cai nghiện bắt buộc là 140 người và 90 người cai nghiện tự nguyện. Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đã được triển khai thực hiện ở tất cả các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh; trong năm 2016 đã tổ chức cai nghiện cho 750 người.
Bước đầu, tỉnh Thanh Hóa đã hình thành các dịch vụ điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người nghiện ma túy ở cộng đồng với các mô hình thí điểm như: dịch vụ tư vấn và tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ hỗ trợ sau cai nghiện, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; mô hình Quân dân Y cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội tại các xã biên giới huyện Mường Lát; mô hình Câu lạc bộ hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng ở huyện Nông Cống, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Bá Thước và huyện Quan Hóa; Điểm tư vấn hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng ở phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa…
Bên cạnh đó, chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng được mở rộng, số người tham gia điều trị và số cơ sở điều trị tăng nhanh. Tính đến ngày 31/1/2017, Thanh Hóa đã có 20 cơ sở điều trị, 6 điểm cấp phát thuốc Methadone cho 2.752 người nghiện ma túy.
Năm 2017, để đảm bảo chỉ tiêu 3.500 người nghiện ma túy được tham gia điều trị Methadone theo Quyết định 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, , tỉnh Thanh Hóa dự kiến mở thêm 6 cơ sở điều trị Methadone và 15 cơ sở cấp phát thuốc.
TH