TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh hoạt động can thiệp đối với tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp
UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế và đẩy mạnh triển khai việc xác định, chẩn đoán và điều trị tình trạng nghiện, các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai các biện pháp dự phòng và điều trị cho người sử dụng, người nghiện ma túy tổng hợp tại cộng đồng và tại các cơ sở xã hội, cơ sở điều trị nghiện ma túy, trong đó tập trung triển khai chủ yếu các biện pháp giáo dục, hỗ trợ thay đổi hành vi cho nhóm đối tượng này; chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục về tình hình và tác hại của việc sử dụng ma túy tổng hợp gây ra cho bản thân và cộng đồng.
Công an TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo Công an các quận, huyện trên địa bàn thành phố tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ buôn bán, tàng trữ ma túy tổng hợp và xử lý nghiêm các vụ vi phạm.
Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy, đặc biệt tập trung tuyên truyền về tác hại của ma túy tổng hợp đến các đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy tổng hợp gây ra cho bản thân và cộng đồng.
UBND các quận, huyện cần tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục về tình hình và tác hại của việc sử dụng ma túy tổng hợp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy, nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện, tố giác các tụ điểm, đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; nâng cao ý thức, vai trò trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục các thành viên về tác hại của ma túy và tham gia đấu tranh phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng..
Cũng trong thời gian này, UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận hỗ trợ UBND tỉnh Bình Dương tiếp nhận học viên cai nghiện ma túy của tỉnh đã có quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của tòa án nhân dân cấp huyện đã có hiệu lực pháp luật vào quản lý, chữa bệnh, giáo dục tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy của TP. Hồ Chí Minh, với số lượng 250 người/năm từ năm 2017 đến năm 2020.
TH