Tổ tiên người Khmer chọn ngày này để bắt đầu “Lễ chịu tuổi” khi mùa vụ trong năm kết thúc, xong việc đồng áng nên mọi người trong phum sóc có thời gian nhàn rỗi để vui chơi. Đây là thời điểm các tháng nắng nóng nhất trong năm, những cánh đồng đất nứt nẻ còn trơ gốc rạ và cỏ khô, bà con cần nghỉ ngơi đôi ba tháng chờ mưa xuống làm vụ mùa tới.
Người Khmer chuẩn bị đón tết cũng như người Kinh và người Hoa, nhà nào cũng lo dành dụm tiền, gạo nếp, thức ăn, quần áo mới để vui chơi trong những ngày tết. Mọi người cùng nhau quét dọn trang hoàng lại nhà cửa, bàn thờ Phật, làm bánh tét, bánh ghế, bánh gừng…, chọn hoa quả ngon, lúa thóc mang cùng vật thực đến chùa cúng dường vào ngày đầu năm mới. Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Nam Bộ diễn ra trong ba ngày, các phật tử từng chùa trong phum sóc tổ chức nghi lễ phù hợp, vui tươi và tiết kiệm.
Ngày đầu tiên, Ban Quản trị cùng các nhà sư trẻ và phật tử trong bổn sóc trang hoàng chùa chiền chuẩn bị đón tết cổ truyền. Bà con trong phum sóc với bộ đồ mới, mang nhang đèn cùng lễ vật đến chùa làm lễ rước Đại lịch (Maha Sâng Kran) mới. Dưới sự điều khiển của các vị Achar, mọi người xếp hàng tư cùng diễu hành ba vòng quanh chính điện để làm lễ đón chào Chư thiên (Têvađa) năm mới về bảo hộ cho đồng bào phật tử. Về nghi lễ đón tết cổ truyền, chùa nào cũng tổ chức đoàn diễu hành đến các điểm làm lễ trong phum sóc, để các nhà sư tụng kinh cầu an, rãi nước cam lồ chúc phúc cho đồng bào phật tử năm mới được mạnh khỏe, an vui, hoàn thành mọi công việc phật sự ở địa phương. Trong đêm, bà con tổ chức chương trình văn nghệ đặc sắc, các tiết mục do các diễn viên quần chúng địa phương biểu diễn, có chuẩn bị tập dượt và dàn dựng công phu, nên hấp dẫn đông đảo bà con trong phum sóc kéo đến xem tới nửa đêm mới về.
Ngày thứ hai, đồng bào phật tử Khmer trong các phum sóc làm lễ dâng cơm sáng và trưa cho các nhà sư tại chùa. Trước khi độ, các nhà sư tụng kinh đưa vật thực này đến những linh hồn người chết. Sau khi độ xong, các nhà sư tụng kinh chúc phúc để tạ ơn cho thí chủ có lòng từ thiện, những người làm ra vật thực mang đến chung đậu mời sư sãi. Buổi chiều, các vị Achar hướng dẫn đồng bào phật tử đắp núi cát ở tám hướng quanh chính điện. Những núi này tượng trưng cho vũ trụ, mỗi núi một hướng và núi thứ chín ở giữa (núi Sômêru) trung tâm của trái đất. Xong thắp hương đốt nến làm lễ quy y cho núi, đến sáng hôm sau làm lễ xuất thế. Đây là phong tục cổ truyền và giữ gìn theo Phật giáo Nam tông Khmer, nghi lễ này còn gọi “Phúc duyên đắp núi cát” có ý nghĩa là mong ước cuộc sống no ấm và kéo dài tuổi thọ. Đồng thời, các trò chơi đua ghe ngo trên cạn, lò cò dây, bịt mắt đập nồi đất, thi đấu bóng chuyền, kéo co, đẩy cây… cũng được tổ chức tạo thêm sinh khí vui tươi trong các ngày tết, thu hút nam thanh nữ tú trong phum sóc tham gia sôi nổi.
Ngày kết thúc, sau khi độ xong lễ dâng cơm trưa, các nhà sư tụng kinh chúc phúc để tạ ơn bà con bổn sóc, những người làm ra vật thực mang đến chung đậu mời sư sãi. Buổi chiều, đồng bào phật tử trong phum sóc tập hợp lại làm lễ tắm Phật, bà con đem nước ướp vật có hương cùng hoa và nhang thơm đến, tham gia vào đoàn diễu hành đi chung quanh chính điện chùa ba vòng, xong vào bên trong chính điện cùng các nhà sư tụng kinh cầu an trước khi tắm Phật. Tắm Phật xong, đồng bào phật tử mời các nhà sư đến bên các ngôi tháp đựng hài cốt phía sau chính điện, tập trung làm lễ cầu siêu cho vong linh những người quá cố, để tưởng nhớ công ơn sinh thành của ông bà tổ tiên. Sau khi làm lễ cầu siêu tại chùa, bà con chia tay nhau về nhà để tắm cho những người lớn tuổi. Tất cả những thành viên trong gia đình mời những người cao niên ngồi trên chiếc giường trải chiếu bông, họ hàng thân tộc quỳ xuống chắp tay lại để xin tha thứ lỗi lầm trong năm, rồi cùng nhau đọc kinh cầu an, chúc phúc. Sau đó, con cháu trong nhà đã chuẩn bị nước sạch có hoa thơm tắm cho ông bà, để tỏ lòng đền đáp công ơn nuôi dưỡng sinh thành. Đêm đến, cả gia đình tiếp tục làm lễ đón mừng Têvađa mới, cùng vui chơi múa hát tại sân nhà cho đến khuya kết thúc.
Trong ba ngày Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Nam Bộ, không khí ở các ngôi chùa và hoạt động vui chơi trong các phum sóc náo nhiệt suốt ngày đêm. Bà con ai cũng có niềm tin là năm mới Tết đến sẽ đem lại những điều may mắn, thành đạt, gia đình hạnh phúc và sung túc hơn năm cũ.
Nam Bộ có khoảng 1,3 triệu người Khmer sống tập trung ở chín tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, cư trú gần 453 ngôi chùa Phật giáo Tiểu thừa. Hàng năm, người Khmer có ba lễ tết chính: Tết Chôl chnăm thmây, lễ Sene dolta và Oóc om boc. |
Bài và ảnh: Đức Giang
(Tạp chí Du lịch)