NHÌN LẠI NĂM 2008
Bên cạnh vi���c thực hiện các nhiệm vụ chính trị, lĩnh vực Văn hóa tiếp tục phát huy vai trò l“nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”; các hoạt động giao lưu đối ngoại được tổ chức thành công tại Anh, Nga, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc… góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, để lại ấn tượng tốt đẹp cho bạn bè quốc tế; Bộ VHTTDL đã tổ chức thành công các ngày hội văn hóa, festival, lễ hội văn hóa – du lịch, Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc – VESAK 2008, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008, cuộc bầu chọn vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, đỉnh Phanxiphăng là kỳ quan thiên nhiên thế giới…
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị |
Nhiều hoạt động được triển khai hưởng ứng các cuộc vận động lớn về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” thu hút sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ trên cả nước. Lĩnh vực Thể thao đạt nhiều thành tích nổi bật cả trong thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao: đạt huy chương Bạc môn cử tạ tại Olimpic Bắc Kinh, vô địch nội dung Kata Giải Karatedo thế giới 2008, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam vô địch AFF Suzuky Cup 2008, tiếp tục giữ vững vị trí là một trong ba nước đứng đầu khu vực, nâng cao vị thế trên đấu trường châu lục và thế giới… Du lịch Việt Nam vẫn giữ vững mức tăng trưởng với gần 4,3 triệu lượt khách quốc tế, 20,5 triệu lượt khách nội địa, không bị sụt giảm trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu; từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mới…
Bên cạnh những thành quả đạt được, một số lĩnh vực hoạt động của Bộ vẫn còn những vấn đề tồn tại như: tình trạng vi phạm di tích, danh lam thắng cảnh còn xảy ra; tại một số lễ hội lớn, trung tâm du lịch trọng điểm vẫn chưa xử lý triệt để các hiện tượng bán hàng rong, nâng, ép giá dịch vụ đối với du khách...; hoạt động du lịch còn mang tính mùa vụ, sự chuyên nghiệp và chất lượng của các dịch vụ du lịch chưa cao; trong lĩnh vực thể thao, nạn bạo lực trong thi đấu chưa được ngăn chặn hiệu quả và có chiều hướng gia tăng; một số vận động viên được cử đi thi đấu ở nước ngoài đã có những biểu hiện yếu kém về đạo đức nghề nghiệp, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh Thể thao Việt Nam đối với người hâm mộ trong nước và trên đấu trường quốc tế.
NĂM 2009 – THỰC HIỆN 10 NHÓM NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Năm 2009, Bộ VHTTDL xác định là năm có nhiều khó khăn do hậu quả suy thoái kinh tế toàn cầu, sự bất ổn về chính trị - xã hội của một số quốc gia trong khu vực ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của một số lĩnh vực hoạt động do Bộ quản lý. Do vậy, Bộ VHTTDL đã xác định tập trung triển khai thực hiện hiệu quả 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong các lĩnh vực hoạt động: xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “Tiếp tục xây dựng và phát triển Văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ mới”; tiếp tục đẩy mạnh Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; triển khai hiệu quả các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo sự điều hành của Chính phủ; phấn đấu hoàn thành căn bản các chỉ tiêu phát triển của Bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng X và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung hoàn thiện thể chế, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, triệt để thực hành tiết kiệm, xây dựng các dự án luật; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; tổ chức thành công và đạt thành tích tốt nhất tại AI Games 3, tham dự và đạt thành tích cao tại SEA Games 25; triển khai các chương trình, hoạt động hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp cấp bách kích cầu du lịch, chống suy giảm tiến tới phục hồi tăng trưởng của Du lịch Việt Nam, phấn đấu đón 25 triệu lượt khách, trong đó có 4,3 triệu lượt khách quốc tế…
|
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao tặng Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ cho 12 đơn vị có thành tích xuất sắc năm 2008 |
Đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những thành tựu của Bộ VHTTDL đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động của Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bám sát đường lối của Đảng, nghị quyết của Chính phủ trong năm 2008; Bộ đã xây dựng nhiều văn bản tham mưu cho Chính phủ… Đối với việc thực hiện nhiệm vụ năm 2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Bộ VHTTDL nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy lợi thế, tích cực đổi mới cách nghĩ, cách làm, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, các mục tiêu phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch… Cụ thể về lĩnh vực Văn hóa, có tới 9 nội dung mà Bộ cần tập trung hướng tới: cụ thể hóa và đưa văn hóa dân gian vào trong trường học, quyền tác giả trong những tác phẩm văn học nghệ thuật, rà soát các khu di tích đang chịu ảnh hưởng do những mối đe dọa từ các hoạt động phát triển kinh tế; đồng thời có báo cáo về vấn đề môi trường tại các di tích, có kế hoạch triển khai cuộc thi sáng tác các tác phẩm về cuộc kháng chiến của dân tộc… Đối với hoạt động du lịch, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ cần có những giải pháp hợp lý để phát huy 5 lợi thế: nền văn hóa giàu bản sắc, tiềm năng thiên nhiên phong phú và đa dạng, chi phí lao động thấp, nền chính trị - xã hội ổn định, lợi thế về vị trí địa lý và hạn chế yếu kém trong công tác quản lý cũng như sự thiếu hụt về lực lượng hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ cần triển khai chương trình quảng bá, xúc tiến nhằm mở rộng thị trường, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả của lĩnh vực du lịch đối với nền kinh tế quốc dân…
Bộ VHTTDL đã trao tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, của Bộ VHTTDL, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2008.
Bài và ảnh: HẢI LÊ