Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông Hồ Hồng Hải, ngày 28/7/2021 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Để đồng bộ cũng như kịp thời triển khai thực hiện Quyết định này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90 ngày 18/01/2022 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững và hạn chế tái nghèo.
Đồng thời, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tiếp cận mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ các huyện, các xã đặc biệt khó khăn, các xã ngang ven biển, hải đảo thoát khỏi tình trạng đói nghèo, khó khăn.
Triển khai các văn bản của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1789 ngày 26/9/2022 về Kế hoạch Tập huấn nâng cao nâng kỹ năng tuyên truyền về chính sách pháp luật cho công chức, viên chức các Sở Thông tin và truyền thông, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương về triển khai đề án 06 là một Tiểu dự án trong Dự án giảm nghèo thuộc chương trình quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Để triển khai Tiểu dự án, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều chương trình phối hợp Bộ Lao động – Thương Binh và Xã Hội, Ủy ban dân tộc, một số cơ quan báo, đài TW và địa phương truyền thông cho Đề án.
Theo chương trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai dự án giảm nghèo về thông tin. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong thúc đẩy đưa những thông tin đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm giảm khoảng cách tiếp cận về thông tin.
“Ban Tổ chức mong muốn các phóng viên, biên tập viên sẽ sát cánh cùng Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác tuyên truyền, truyền thông cho công tác xóa đói, giảm nghèo cũng như thực hiện mục tiêu chương trình theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông”, ông Hồ Hồng Hải kỳ vọng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được TS. Nguyễn Quang Hòa, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền hướng dẫn cách xây dựng chiến dịch truyền thông và lưu ý khi tổ chức chiến dịch truyền thông cần đặt ra mục tiêu, mục đích rõ ràng; xây dựng từ kế hoạch ngắn hạn đến kế hoạch dài hạn, lộ trình triển khai rõ ràng. Đặc biệt, trong chiến dịch truyền thông cần trích dẫn Nghị quyết Đại hội Đảng… để tạo điểm nhấn, dấu mốc truyền thông. “Xây dựng chiến dịch truyền thông là vai trò của Tổng Biên tập và Thư ký tòa soạn. Phóng viên sẽ theo dõi từng mảng, ngành… và bám sát theo từng nhiệm vụ của địa phương theo kế hoạch đã đề ra để tuyên truyền” - TS. Hòa gợi ý.
Trong truyền thông chính sách tới đồng bào dân tộc, TS. Hòa cũng lưu ý các phóng viên cần lựa chọn các thông tin phù hợp, tập trung truyền thông đúng trọng tâm, lựa chọn những con số tiêu biểu, hình ảnh tiêu biểu và chính sách liên quan sát sườn tới người dân…
TS. Hòa nhìn nhận: Tin không hiệu quả, bài phản ánh hơi nông nên cần phải đa dạng thể loại bài viết, cần đầu tư trí tuệ cho bài viết. Cần lưu ý viết câu đơn giản, viết bài không dùng tiếng nước ngoài lẫn vào bài viết tiếng Việt – cần tôn trọng tiếng Việt. “Tôi đã khảo sát các tác phẩm của Bác Hồ cho thấy: Di chúc có 1441 từ, 20 bài viết của Bác không dùng tiếng nước ngoài trong bài viết. Bình quân mỗi câu viết của Bác Hồ chưa đến 41 từ mỗi câu” – TS. Hòa khẳng định. Ngày nay khi công nghệ phát triển, cần truyền thông cả báo chí và mạng xã hội để tạo được hiệu quả sâu rộng.
Hội nghị cũng đã nghe Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc Phạm Chí Trung thông tin về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc trong tình hình mới…
Đoàn Hoa