Việc trao trả hiện vật này được thực hiện Công ước của UNESCO năm 1970 về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc xuất nhập cảnh và buôn bán trái phép các tài sản văn hóa mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Theo đó, năm 2013, trong cuộc điều tra tại bang Indianna, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) đã phát hiện công dân Donald Miller (hiện đã qua đời), tự xưng là nhà từ thiện và nhà khảo cổ nghiệp dư đã lưu giữ trái phép bộ sưu tập lớn cổ vật và hài cốt của gần 500 người người Mỹ bản địa và của nước ngoài. Năm 2014, FBI đã thu hồi hơn 7.000 đồ vật/hiện vật, Donald Miller sau đó từ bỏ quyền sở hữu với các đồ vật này, hợp tác với FBI, mong muốn các đồ vật được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. Ngày 27/2/2019, FBI công bố thông cáo báo chí trên website của FBI, tuyên bố mong muốn trao trả các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp về với cộng đồng mà chúng thuộc về, đồng thời kêu gọi các chính phủ nước ngoài liên hệ và cử chuyên gia giám định liên hệ với FBI.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã gửi Bộ VHTTDL thông báo về việc FBI đề nghị trao trả một số cổ vật được xác định là có nguồn gốc Việt Nam. Ngày 6/5/2022, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL đã gửi văn bản đến Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và các cơ quan liên quan khẳng định việc Bộ VHTTDL tiếp nhận số cổ vật trên là đúng quy định theo điều 45 Luật Di sản văn hóa và giao Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiếp nhận số cổ vật trên qua đường ngoại giao và lưu giữ, quản lý theo quy định.
Ngày 5/8/2022, được sự đồng ý và ủy quyền của Bộ VHTTDL, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tiếp nhận số cổ vật từ FBI. Ngày 31/8/2022, tại Washington DC, Hoa Kỳ, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã bàn giao cho Vụ Châu Mỹ (Bộ Ngoại giao) trực tiếp mang về Việt Nam để bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ngày 4/10/2022, tại Vụ Châu Mỹ (Bộ ngoại giao), đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cùng thành viên Hội đồng Giám định cổ vật của Bộ VHTTDL đã xem xét, giám định hiện vật và nhận bàn giao tổng số 10 hiện vật trên từ Vụ Châu Mỹ (Bộ ngoại giao) gồm: 1 rìu đá Hậu kỳ đá mới, 4 hiện vật (3 rìu đồng, 1 nồi gốm) văn hóa Đông Sơn, 3 tượng cá sấu đá thế kỷ I - II, 2 tẩu đồng thế kỷ XVII - XVIII.
Phát biểu tại lễ trao hiện vật, Tham tán Thông tin - Văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam bà Pamnella De Volder đã cảm ơn Chính phủ Việt Nam với sự cam kết chặt chẽ trong hợp tác quốc tế trong việc chống lại tội phạm liên quốc gia có tổ chức, đặc biệt là những tội phạm liên quan tới văn hóa và nghệ thuật.
Đại diện cho Chính phủ Hoa Kỳ trao trả những cổ vật này cho Việt Nam, bà Pamnella De Volder cho biết: “Với sự cam kết mạnh mẽ, chúng tôi nhấn mạnh khẳng định rằng Chính phủ Hoa Kỳ luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc điều tra, nghiên cứu, thu hồi, hoàn trả lại những cổ vật đã bị buôn bán trái phép cho quốc gia có quyền sở hữu chính đáng. Và sự cam kết này đã được thể hiện trong Biên bản ghi nhớ phòng chống tội phạm liên quốc gia được ký bởi Bộ Công an Việt Nam và Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ”. Bên cạnh hỗ trợ phòng chống tội phạm liên quốc gia trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật, Chính phủ Hoa Kỳ cũng hỗ trợ các quốc gia khác trong lĩnh vực văn hóa, tài trợ bảo tồn văn hóa. Một trong những chương trình lớn nhất là Quỹ bảo tồn văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ. Tới nay, Hoa Kỳ đã hỗ trợ hơn 1,2 triệu USD tại Việt Nam để hỗ trợ bảo tồn cổ vật và di sản quốc gia, đã có 16 dự án được thực hiện ở Việt Nam...
Tại buổi lễ, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – TS. Nguyễn Văn Đoàn đánh giá: Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa khi chúng tôi đang hướng đến kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời để Bảo tàng với chức năng nhiệm vụ của mình tiếp tục có cơ hội sưu tầm, bổ sung thêm sưu tập hiện vật, hoàn thiện đầy đủ hơn, thực hiện tốt việc bảo tồn phát huy di sản văn hóa của dân tộc”.
Chúng tôi sẽ có trách nhiệm bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị hiện vật mà Chính phủ Hoa Kỳ trao lại. Mong rằng trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, chia sẻ của các bạn để chúng tôi tiếp tục đón nhận được những hiện vật của Việt Nam...” - TS. Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan cho biết, đây là sưu tập thứ hai mà Bảo tàng tiếp nhận từ nước ngoài. Điều này thể hiện sự nỗ lực, vượt qua những khó khăn khi nước ta chưa có quy định cơ chế rõ ràng để hồi hương cổ vật... Dưới góc độ khác, khi cổ vật về tới Việt Nam, về đến Bảo tàng, không chỉ bổ sung cho sưu tập hiện vật của Bảo tàng, mà còn mở ra cánh cửa sưu tập các hiện vật ý nghĩa, trong nước rất cần sưu tầm bổ sung để có những trưng bày phong phú, hấp dẫn hơn, phản ánh đúng giá trị văn hóa Việt Nam.
Tuấn Hải