Tạp chí Du lịch Việt Nam những ngày đầu...
 |
Kỷ niệm ngày nhận giấy phép xuất bản Tạp san Du lịch 9/01/1981 |
Đối với nhà báo Thụy Chương, ngoài niềm đam mê thơ, còn có một thứ đã trở thành "nghiệp" lớn của cuộc đời chị, đó là nghề làm báo. Không chỉ là Trưởng Ban Biên tập, chị còn là một trong những người có công đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Tạp chí Du lịch Việt Nam.
Giờ đây, kể về những ngày tháng khởi nghiệp của Tạp chí Du lịch Việt Nam, nhà báo Thụy Chương vẫn còn rất xúc động, bởi đó là một trong những kỷ niệm khó quên nhất cuộc đời chị. Vốn là cô nữ sinh học giỏi văn của Trường Lê Khiết (Quảng Ngãi), ngay từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Thụy Chương đã ấp ủ ước mơ trở thành một phóng viên thực thụ. Rồi chị trở thành bộ đội Liên khu V. Lúc bấy giờ, báo Tiền Phong, một tờ báo của tỉnh Quảng Ngãi đang tuyển gấp phóng viên, thật nhanh chóng, Thụy Chương lọt vào con mắt tinh tường của người tuyển chọn. Như "cá gặp nước", với tinh thần hăng hái, nhiệt huyết của tuổi trẻ, nữ phóng viên Thụy Chương nhỏ nhắn nhưng gan góc sẵn sàng tới bất cứ nơi đâu cần đến ngòi bút của người làm báo.
Tập kết ra Bắc, nhà báo Thụy Chương được giao nhiệm vụ giảng dạy tại một trường miền Nam. Thời điểm này, Thụy Chương theo học khoa Báo chí Trường Đại học Nhân dân, sau đó tiếp tục tốt nghiệp khoa văn Trường Đại học tại chức Lê Quý Đôn. Người phụ nữ ham học hỏi và giàu cá tính ấy vẫn cảm thấy cuộc đời của một giáo viên không đủ sức níu giữ khát vọng được đi đó đi đây để khám phá tận cùng vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Thế là, cô giáo Thụy Chương trở thành phóng viên của Báo Thống Nhất. Trong vai trò một phóng viên thời chiến tranh, Thụy Chương lại tìm thấy chính mình: bản lĩnh, hăng say và tràn đầy sức sáng tạo.
Sau năm 1975, cùng toàn Đảng, toàn dân bước vào công cuộc khôi phục và đổi mới đất nước, ngành Du lịch bắt đầu chuyển biến. Đây cũng là thời điểm cơ quan lãnh đạo Ngành đang chờ Phủ Thủ tướng ký quyết định thành lập Tổng cục Du lịch (thay cho Công ty Du lịch Việt Nam), nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phát triển thời kỳ mới. Trong khi đợi lãnh đạo mới sắp được bổ nhiệm, ông Hồ Văn Phong (Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam tạm thời điều hành công việc của Tổng cục) đã có ý kiến phải nhanh chóng xin giấy phép xuất bản Tập san của Ngành.
Đang là phóng viên báo Thống Nhất, nhà báo Thụy Chương được ông Hồ Văn Phong đề nghị về Tổng cục Du lịch làm việc. Không giấu được vẻ ngạc nhiên, chị trả lời thẳng thắn: "Cuộc sống của tôi phải gắn liền với nghiệp báo, với nghề viết. Tổng cục Du lịch chưa có tạp chí, chưa có báo, tôi về đó để làm gì?" Như chờ có thế, ông Hồ Văn Phong đáp ngay: "Vì thế nên chúng tôi muốn chị về". Chỉ một câu nói ngắn gọn như thế, đã khiến nhà báo Thụy Chương nhận ra ý tưởng và mong muốn thiết tha của những người lãnh đạo ngành Du lịch: cần có cơ quan ngôn luận riêng để truyền tải các chủ trương và đi sâu nghiên cứu những vấn đề lý luận thuộc Ngành. Không cân nhắc lâu, chị nhận lời mời ấy với lý do thật đơn giản nhưng đầy tự tin: "Đôi khi phải dám chấp nhận và đặt niềm tin vào sự đổi mới".
Vừa chân ướt chân ráo chuyển về Tổng cục Du lịch, nhà báo Thụy Chương đã bắt tay thực hiện một nhiệm vụ lớn: xin giấy phép xuất bản Tập san Du lịch Việt Nam. Được sự uỷ nhiệm và động viên, khích lệ của lãnh đạo Tổng cục, nhà báo Thụy Chương đã không quản vất vả khó khăn làm tất cả các thủ tục cần thiết. Và, những cố gắng đã có kết quả: ngày 09/1/1981, Tập san Du lịch Việt Nam chính thức ra đời (Thực ra, tòa soạn đã đi vào họat động từ trước đó để kịp ra số Tập san đầu tiên đúng vào ngày được nhận giấy phép). Thật không niềm vui nào tả hết! Thế là từ nay, ngành Du lịch Việt Nam đã có cơ quan ngôn luận chính thống! Ban đầu, cả Tập san chỉ có vẻn vẹn 4 thành viên, đó là: Tổng Biên tập Hồ Văn Phong, Phó Tổng Biên tập Huỳnh Liễu, phóng viên Trương Thị Thụy Chương, Trịnh Thị Học. Nhớ lại hôm đầu tiên tổ chức liên hoan "ra mắt" Tập san, đôi mắt nhà báo Thụy Chương vẫn còn ánh lên niềm vui: "Vì khó khăn, nên chẳng có gì ngoài mấy đĩa lạc rang. Đơn sơ, nhưng thật rôm rả và đầy khí thế!"
Niềm vui "khai sinh" Tập san Du lịch Việt Nam còn đó, nhưng kéo theo là muôn vàn nỗi lo. Sẽ phải làm thế nào để Tập san mới ra đời đảm bảo đủ bài, thu hút cộng tác viên, rồi in ấn, xuất bản... Thôi thì "trăm thứ bà rằn" cứ ùn ùn kéo nhau tới một lúc, khiến cho không khí làm việc lúc nào cũng thật bận rộn, căng thẳng. Mọi người phải gồng mình lên làm việc để hoàn thành nhiệm vụ. Riêng nhà báo Thụy Chương là Trưởng Ban Biên tập nên được giao nhiệm vụ đảm đương toàn bộ nội dung bài viết. Sau này, Tạp chí được bổ sung thêm các anh chị Lê Bôn Ba, Nguyễn Ngọc Kiềm, Trần Tấn Tín, Phan Quang Đởn, Thu Hoa lo công tác trị sự.
Năm 1982, ông Hồ Văn Phong thôi không kiêm nhiệm chức Tổng Biên tập, ông Huỳnh Liễu chuyển công tác vào TP. Hồ Chí Minh, còn lại nhà báo Thụy Chương được giao nhiệm vụ điều hành toàn bộ hoạt động của Toà soạn. Phó Tổng cục trưởng Lê Khả kiêm phụ trách Tập san. Trong 2 năm 1982 và 1983, Tổng cục Du lịch nhận một loạt sinh viên mới ra trường bổ sung cho Tập san; làm công tác Phóng viên – Biên tập có Ánh Tuyết, Ngọc Diệp, Trần Tiến; trình bày có hoạ sỹ Minh Loan; làm công việc văn phòng và phát hành có Thuý Bình..., hàng tháng Tập san vẫn đều đặn đến tay bạn đọc với chất lượng ngày một nâng cao.
Sau những nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, năm 1985, Ban Tuyên huấn Trung ương cho phép Tập san Du lịch Việt Nam nâng cấp thành Tạp chí Du lịch Việt Nam (được công nhận là báo chí nhóm Hai). Và, Chi hội nhà báo Tạp chí Du lịch Việt Nam cũng được Hội Nhà báo Việt Nam cho phép thành lập. Đồng nghĩa với những quyết định quan trọng này, là sự yêu cầu khắt khe hơn về mọi mặt đối với Tạp chí Du lịch Việt Nam. Không phụ lòng mong mỏi của lãnh đạo Tổng cục Du lịch và đông đảo bạn đọc, Tạp chí ngày càng phát triển, không ngừng nâng cao về chất lượng nội dung và hình thức, số lượng cũng tăng lên.
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (2001), Tạp chí Du lịch Việt Nam đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Từ chỗ Tập san Du lịch chỉ xuất bản 03 tháng/kỳ, đến nay, Tạp chí Du lịch Việt Nam ra 02 kỳ/tháng, ngoài ra còn phát hành ấn phẩm “Chào Việt Nam” bằng tiếng Hàn Quốc 02 kỳ/tháng và “Việt Nam Today” bằng tiếng Nhật Bản 01 kỳ/tháng. Giờ đây, trong số các đồng nghiệp của nhà báo Thụy Chương năm xưa, có những người đang giữ vai trò quan trọng trong Tạp chí Du lịch Việt Nam, đang nối tiếp con đường mà chị đã góp một phần "mở lối".
Trải qua một phần tư thế kỷ, có lẽ, chiều dài thời gian ấy đã đủ mang đến cho nhà báo Thụy Chương một tuổi già đầy trải nghiệm với những dòng ký ức vui buồn không thể nào quên về chặng đường 25 năm xây dựng và trưởng thành của Tạp chí Du lịch Việt Nam. Tuy nghỉ hưu đã khá lâu, nhưng chị vẫn luôn dõi theo những bước đi của Tạp chí, vẫn mừng vui với những đổi thay của Tạp chí - một thời là "nơi chốn đi về" của sự nghiệp mình. Sau 25 năm nhìn lại, người Trưởng Ban Biên tập cũ vẫn chỉ có một điều nhắn gửi tâm huyết dành cho thế hệ trẻ: "Nếu muốn trở thành người làm báo, trước hết phải thực sự biết yêu nghề".
PHƯƠNG THẢO
(ghi theo lời kể của nhà báo Thụy Chương)